Cây mắc ca – loại cây cho hạt có giá trị dinh dưỡng cao được thế giới ưa chuộng chỉ mới xuất hiện ở nước ta cách đây hơn 20 năm do cố Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn có công đưa về đầu tiên vào năm 1993. Loại cây này thực sự phát triển ở nước ta cách đây gần 10 năm.
Xem video:
Mới đây tại căn biệt thự số 26 thuộc công ty cổ phần Cadasa quản lý, nằm trên đường Trần Hưng Đạo, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng bất ngờ phát hiện một cây mắc ca cổ thụ hơn 40 năm tuổi, có đường kính khoảng 40cm, cao gần 20m.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc Công ty CP Cadasa, mắc ca cổ thụ ở biệt thự 26 vẫn ra hoa kết trái đều đặn nhưng nhiều người không biết sử dụng. “Cây mắc ca này đã bị người ta cưa mất 2 nhánh to. Biết được ý nghĩa và giá trị của nó, Cadasa sẽ cố gắng bảo vệ” - bà khẳng định.
Theo ThS Lương Văn Dũng, Phó Khoa Sinh Trường ĐH Đà Lạt, là người đầu tiên phát hiện và tiến hành nghiên cứu mắc ca cổ thụ phán đoán cây mắc ca ở biệt thự 26 có thể được trồng từ trước năm 1975. “Loại cây này có nguồn gốc ở Úc, sau đó người Mỹ mang đến trồng ở đảo Hawaii. Trước đây, biệt thự 26 là nhà công vụ nên rất có thể một người Mỹ nào đó đã đem giống mắc ca sang trồng để làm cảnh, tạo bóng mát. Với tuổi đời lên tới trên 40 năm, cây mắc ca này có ý nghĩa rất lớn về mặt nghiên cứu khoa học để phát triển kinh tế” - ông phấn khích.
ThS Dũng lý giải do được trồng ở Đà Lạt từ lâu nên mắc ca cổ thụ này đã thích nghi được với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất cao nguyên, trở thành cây bản địa. “Đây chính là nguồn giống quý dùng để ghép vào các gốc mắc ca chưa thuần chủng nhằm tạo ra một dòng mới nhanh chóng thích nghi với điều kiện nước ta”.