+Aa-
    Zalo

    Vì sao VKSND Tối cao kháng nghị hủy án ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cho rằng bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ ly hôn giữa vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên "có nhiều sai phạm", VKSND Tối cao đã kháng nghị hủy 2 bản án này.

    Cho rằng bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ ly hôn giữa vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên "có nhiều sai phạm", VKSND Tối cao đã kháng nghị hủy 2 bản án này.

    VKSND Tối cao kháng nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

    VKSND Tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy hai bản án của TAND Cấp cao và TAND TP.HCM đối với vụ ly hôn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên).

    Theo quy định, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sẽ xem xét kháng nghị, sau đó quyết định chấp thuận, hoặc bác kháng nghị này.

    Theo quyết định kháng nghị, VKSND Tối cao cho rằng quá trình giải quyết vụ ly hôn, ông Vũ và bà Thảo nhiều lần thay đổi yêu cầu. Tại phiên sơ thẩm ngày 20/2/2019, cả hai đồng ý ly hôn và TAND TP.HCM công nhận ly hôn là đúng pháp luật. Tuy nhiên, sau đó bà Thảo kháng cáo xin đoàn tụ.

    Quyết định kháng nghị - Ảnh: VNN

    Tại tòa phúc thẩm, bà Thảo xin cho cơ hội được chăm sóc chồng và các con nhưng ông Vũ không đồng ý.

    "Việc tòa cấp phúc thẩm tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Thảo và ông Vũ là không đúng. Nếu tòa phúc thẩm thấy có căn cứ cho ly hôn thì phải sửa án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của bà Thảo, và chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Vũ về quan hệ hôn nhân", kháng nghị nêu.

    Về việc phân chia tài sản, theo yêu cầu của bà Thảo, TAND TP.HCM ra quyết định định giá tài sản, trong đó Chủ tịch Hội đồng định giá là đại diện Sở Tài chính. Tiếp đó, toà ký hợp đồng với Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn.

    Sau khi có kết quả thẩm định giá, tòa sơ thẩm lại sử dụng kết quả thẩm định giá và giá các bất động sản do hai bên thống nhất để giải quyết là không đảm bảo quyền lợi của đương sự.

    Hơn nữa, báo cáo tài chính về tài sản của các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên chưa được kiểm toán nhưng tòa sơ thẩm vẫn căn cứ vào kết quả thẩm định giá của Công ty thẩm định giá Sài Gòn là không đúng.

    Tương tự, kháng nghị cũng cho rằng, cơ sở để xác định giá trị tài sản chung của hai vợ chồng là không đúng pháp luật, song tòa án hai cấp vẫn sử dụng kết quả của công ty này làm căn cứ chia tài sản chung, ảnh hưởng đến quyền lợi các bên.

    Việc chưa thẩm định giá trị quyền sở hữu trí tuệ (giá trị thương hiệu) của các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên, theo VKS là thiếu sót, ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Thảo khi không được nhận hiện vật (cổ phần).

    Đối với 13 bất động sản, tòa phân chia theo sự thỏa thuận của các đương sự là có căn cứ, song tòa hai cấp tuyên "giao cho bà Thảo quản lý và sử dụng giá trị quyền sử dụng đất tại 7 bất động sản" là không phù hợp, phải tuyên "giao cho bà Thảo quyền sở hữu, quản lý, sử dụng" mới đúng pháp luật. Bởi bà này tuy có quốc tịch Australia nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam.

    Về cách thức chia tài sản, VKS Tối cao cho rằng, tòa án hai cấp chưa đánh giá đúng công sức đóng góp của bà Thảo vào việc duy trì phát triển khối tài sản chung của vợ chồng tại Trung Nguyên. Việc tòa chia cho ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần và chia cho bà Thảo phần ít hơn 20% giá trị cổ phần trong tập đoàn là không đảm bảo quyền lợi của bà Thảo.

    Đối với số tiền, vàng ngoại tệ tại các ngân hàng, tòa hai cấp chấp nhận con số quy đổi của phía ông Vũ đưa ra là hơn 1.700 tỷ đồng, nhưng lại không đưa ra các căn cứ tính giá trị khối tài sản này. Theo kết quả xác định của phía ngân hàng, nhiều tài khoản đã được đáo hạn từ năm 2016 nhưng tòa xác định số tài sản này đều là tài sản chung của vợ chồng là không có cơ sở.

    Hơn nữa, tòa án giao cho bà Thảo sở hữu khối tài sản đã quy đổi này nhưng kết quả xác minh tại thời điểm xét xử số dư tại các tài khoản ngân hàng chỉ còn hơn 1,3 tỷ đồng. Việc này gây khó khăn cho quá trình thi hành án.

    Kháng nghị cũng cho rằng TAND TP.HCM và Tòa Cấp cao đã có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng khác.

    Sau 4 năm bà Thảo nộp đơn ly hôn, ngày 5/12/2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã công nhận thuận tình ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo; công nhận tự nguyện thỏa thuận các bên. Giao bà Thảo nuôi các con chung; chấp nhận sự tự nguyện của ông Vũ cấp dưỡng cho các con mỗi năm 10 tỷ đồng, tính từ 2013 cho đến khi học xong đại học.

    Về tài sản, giao cho ông Vũ quản lý cổ phần tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên. Về bất động sản, tòa giao bà Thảo được sỡ hữu, quản lý, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất gồm 7 bất động sản trị giá 375 tỷ; ông Vũ được quản lý đất và tài sản gắn liền với đất tương đương 6 bất động sản trị giá 350 tỷ.

    Giao bà Thảo sở hữu tiền, vàng, ngoại tệ đang sở hữu tại các ngân hàng trị giá hơn 1.764 tỷ đồng. Ông Vũ phải thanh toán chênh lệch cho bà Thảo số tiền 1.510 tỷ.

    Tòa cũng ghi nhận sự tự nguyện của ông Vũ trong việc giao cho bà Thảo sở hữu phần tài sản của ông Vũ tại Công ty Trung Nguyên Singapore.

    Cự Giải(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-vksnd-toi-cao-khang-nghi-huy-an-ly-hon-cua-vo-chong-vua-ca-phe-trung-nguyen-a318228.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan