Theo chuyên gia, việc ông Tập đích thân tới Mỹ để gặp Tổng thống Trump đã thể hiện một sự tự tin mạnh mẽ về khả năng Bắc Kinh sẽ có được ưu thế nhất định trên bàn đàm phán.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn được biết đến là một chính khách điềm tĩnh và đạo mạo. Ông được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất của đất nước này trong nhiều thập niên qua.
Hiếm khi người ta nhìn thấy người đứng đầu Bắc Kinh đứng trước ống kính máy ảnh thiếu đi hình ảnh nghiêm nghị với mái tóc được chải chuốt lịch lãm và điểm một nụ cười mỉm thâm trầm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo mạnh mẽ ở nước này trong nhiều thập niên qua. |
Ông hầu như không bao giờ có những phát biểu dưới tư cách cá nhân về một vấn đề chính trị nào đó. Trong khi cuộc sống ngoài chính trường của nhà lãnh đạo này cũng chưa khi nào ồn ào.
Ngược lại, Tổng thống Trump được biết đến như một nhà lãnh đạo thẳng thắn, luôn có những phát ngôn không “thuần” chính trị và khó đoán.
Vì vậy, cuộc gặp mặt lần đầu tiên giữa hai cá tính trái ngược tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida vào cuối tuần này trở thành sự kiện được quan tâm đặc biệt. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, sẽ không có bên nào muốn lép vế trước đối phương, cây bút Jonathan Kaiman của LA Times nêu quan điểm.
“Ông Tập Cận Bình không muốn bị dưới cơ hoặc bẽ mặt trước Tổng thống Trump. Người Trung Quốc là bậc thầy trong việc điều phối các cuộc gặp như vậy. Tuy nhiên, Trump là một ca khó với Bắc Kinh, khi ông chẳng bao giờ đi theo một kịch bản cụ thể nào", Paul Haenle, cựu cố vấn cao cấp về các vấn đề Trung Quốc thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời George W. Bush, nói.
Đối với ông Tập, cuộc gặp lần này không chỉ có ý nghĩa trong việc giảm bớt căng thẳng trong xung đột kinh tế với Washington mà còn mang lại giá trị với ngay cả bản thân ông.
Nếu thành công, đây được coi là cơ hội giúp ổn định nền kinh tế nội địa, đảm bảo cho vị thế chính trị và tầm ảnh hưởng của nhà lãnh đạo Bắc Kinh trong tương lai, Jonathan Kaiman nhận định.
Mặc dù có nhiều sự lo ngại dành cho Trung Quốc, ông Haenle cho rằng, việc ông Tập đích thân tới Mỹ đã thể hiện một sự tự tin mạnh mẽ về khả năng Bắc Kinh sẽ có được ưu thế nhất định trên bàn đàm phán.
Khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago thuộc sở hữu của ông Trump sẽ là nơi hai nhà lãnh đạo Trung-Mỹ gặp nhau. |
Dù trước đó các chuyên gia nói rằng, Trung Quốc có thể sẽ nhượng bộ một phần nhỏ nào đó dành cho chính quyền Trump tại hội nghị, trao cho tổng thống Mỹ một chiến thắng công khai và trấn an thế giới rằng quan hệ song phương quan trọng nhất vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, một sự đột phá lớn sẽ khó xảy ra, đặc biệt trong vấn đề Triều Tiên.
"Địa lợi" ở Mar-a-Lago
Các chuyến thăm của giới lãnh đạo Trung Quốc thường thu hút sự chú ý của công chúng ở quốc gia này, tuy nhiên những khuôn mẫu, nghi thức gò bó về ngoại giao thường làm cho các cuộc thảo luận giữa khách và chủ nhà trở nên nhạt nhẽo, chán ngán trong mắt nhiều người.
Do đó, hình ảnh các nhà lãnh đạo Trung Quốc sử dụng nghệ thuật “ngoại giao cá nhân”, tham gia vào các cuộc gặp không chính thức với lãnh đạo nước chủ nhà luôn khiến công chúng thích thú.
Đồng thời sự gần gũi như vậy phần nào đó giúp cho các cuộc thảo luận nghiêm trọng trở nên hòa dịu và cởi mở hơn, cây bút Wang Xiangwei viết trên SCMP.
Người ta sẽ còn nhớ đến hình ảnh biểu tượng cho thời kỳ phá băng quan hệ Trung-Mỹ khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình vui vẻ đội một chiếc mũ cao bồi trong chuyến đi đến Texas của ông vào năm 1979.
Tiếp theo đó, vào năm 2002 (cũng ở Texas), cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã đến ăn trưa tại nhà riêng và sau đó là trang trại của gia đình cựu Tổng thống George W. Bush, nơi cả hai có những giây phút ấm cúng bên nhau khi cùng lái xe tải và thưởng thức món thịt nướng...
Mar-a-Lago được cho là sự lựa chọn hợp lý, khi sự thoải mái trong khu nghỉ mát ở Florida sẽ giúp cả hai suy nghĩ xem liệu họ có thể nghiêm túc nuôi dưỡng mối quan hệ cấp cao Trung-Mỹ hay không, dù cho tình bạn cá nhân có thể sẽ không nảy sinh.
Theo giới quan sát, với tiền lệ như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Tập và người đồng nhiệm Mỹ, Donald Trump đồng ý gặp nhau tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida trong cuộc gặp đầu tiên của mình.
Ngoài ra, một môi trường gặp mặt không chính thức sẽ không tạo ra những áp lực gây khó chịu cho cả hai để bằng mọi giá phải đưa ra những kết quả cụ thể.
Dẫu vậy, kết luận của cuộc gặp mặt này được cho là sẽ định hướng quỹ đạo và sức nặng của quan hệ song phương trong những năm tới.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập luôn thể hiện sự cởi mở trong việc bồi đắp tình bạn với các nhà lãnh đạo nước ngoài và đây được coi là một thế mạnh của ông.
Hồi năm 2013, khi chủ tịch Trung Quốc đến Mỹ trong chuyến thăm đầu tiên trên cương vị mới, ông đã cùng cựu Tổng thống Barrack Obama gặp nhau ở khu nghỉ Sunnylands, California.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc gặp ông Obama ở Sunnylands năm 2013. |
Trong hai ngày, cả hai đã có 8 tiếng đồng hồ thảo luận, cùng nhau ăn tối và đi dạo sáng bên hồ.
Các phương tiện truyền thông đại lục sau đó đã ca ngợi cuộc gặp gỡ ở Sunnylands như một kiểu ngoại giao mới với tên gọi "Ngoại giao nghỉ dưỡng", ca ngợi sự tự tin và đĩnh đạc của ông Tập trước nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới.
Một chi tiết đáng lưu ý đó là, trong khi các quan chức Mỹ đã đề xuất Sunnylands trở thành nơi gặp mặt vào năm 2013, thì chính Trung Quốc đã đề xuất về khu nghỉ dưỡng riêng của ông Trump - nơi vừa tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ diễn ra lần này.
Tổng thống Trump cũng đã dành những lời khen ngợi hiếm hoi của mình về cá tính mạnh mẽ của ông Tập Cận Bình và thừa nhận, ông sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc gặp lần này.
Cuộc họp của cả hai có thể đạt được thành công nếu các bên gửi cho nhau thông điệp rõ ràng, tích cực trong việc theo đuổi một mối quan hệ xây dựng, không đối đầu và khôi phục lại các tiến trình ổn định cho mối quan hệ song phương.
Quốc Vinh