(ĐSPL) - Trong bài viết đăng trên báo Le Figaro ngày 24/4, tác giả Jean Vincent Brisset phân tích mối quan hệ đối đầu Trung-Nhật và những lý do có thể dẫn đến xung đột.
Chuyên gia Jean Vincent Brisset là giám đốc nghiên cứu của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Pháp (IRIS). Ông này cho rằng quan hệ Trung-Nhật ẩn chứa những hiểm họa khó lường.
|
Quan hệ Trung-Nhật ẩn chứa những hiểm họa khó lường. |
So sánh tương quan lực lượng quân sự giữa hai nước, tác giả Brisset nhận thấy từ hơn một thập kỷ qua, Hải quân Trung Quốc đã được hiện đại hoá mạnh mẽ. Trang thiết bị, khí tài, phạm vi hoạt động của hải quân Trung Quốc đã được nhân rộng hơn trước rất nhiều - thể hiện qua việc các đội tàu chiến của Trung Quốc đã thực hiện những chuyến ghé thăm các cảng xa xôi, tham gia chiến dịch chống hải tặc ngoài khơi Somalia hay thực thi nhiệm vụ sơ tán công dân Trung Quốc ở Lybia. Tuy nhiên khả năng tác chiến của Hải quân Trung Quốc vẫn còn hạn chế, chưa có đủ kinh nghiệm trong việc phối hợp liên binh chủng mặc dù đã có trong tay tàu ngầm, tàu sân bay và nhiều khu trục hạm hiện đại.
Trong khi đó, từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, quân đội Nhật bị trói tay bởi bản Hiến pháp hòa bình: Nhật Bản không được phép chi tiêu quốc phòng vượt quá 1\% GDP. Vì thế mà Hải quân Nhật Bản thua kém Hải quân Trung Quốc về khối lượng và cũng thiếu kinh nghiệm tác chiến trong suốt 65 năm qua. Nhưng bù lại, Hải quân Nhật Bản được thường xuyên tập luyện với Hải quân Mỹ.
|
Hải quân Nhật Bản được thường xuyên tập luyện với Hải quân Mỹ. |
Trên phương diện ngoại giao, trong thời gian gần đây, Nhật Bản tìm cách thắt chặt thêm quan hệ chiến lược với tất cả những nước quan ngại tham vọng bành trướng của Trung Quốc: từ Đông Nam Á đến Ấn Độ.
Tác giả Jean Vincent Brisset đặt vấn đề đâu là lý do thúc đẩy ban lãnh đạo Trung Quốc nêu ra những yêu sách chủ quyền với Nhật ở Biển Hoa Đông và với các nước khác ở Biển Đông, trong khi Bắc Kinh đang có những vấn đề đối nội hệ trọng cần phải giải quyết. Thay vì tập trung giải quyết vấn đề tiêu dùng nội địa thiếu thốn, bất ổn xã hội, Chủ tịch Tập Cận Bình lại ưu tiên cho cuộc chiến chống tham nhũng và đối đầu với Nhật. Theo tác giả, “có thể thấy ở đây cách thức lãnh đạo của chính quyền Trung Quốc chủ yếu ưu tiên các vấn đề đề có thể quy tụ công luận, trong lúc không thể giải quyết những vấn đề đối nội chủ chốt khác”.
Đấu tranh chống tham nhũng giúp ông Tập Cận Bình triệt tiêu đối thủ chính trị. Khơi ngòi hiềm khích với Nhật là để khuấy động tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong dân. Và theo tác giả, “việc đưa vấn đề Trung-Nhật lên trên hết giúp cho Bắc Kinh có thể che giấu ý đồ muốn biến Biển Đông thành ‘ao nhà’ và đó mới là vấn đề hệ trọng”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-trung-quoc-kich-dong-cang-thang-voi-nhat-a30717.html