(ĐSPL) - Tháng 11 năm Mậu Tý (1468) đời vua Lê Thánh Tông - thời Hậu Lê, quan Phan Tông Trịnh bị chém đầu vì tội tham nhũng.
Câu chuyện khiến nhiều trung thần trong triều bức xúc vì các đồng phạm với y đều được tha bổng trong khi một mình Phan Tông Trịnh lên đoạn đầu đài. Đầu đuôi vụ án này được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên) chép như sau:
"Bấy giờ, bọn hoạn quan là Nguyễn Thư, Chu Đức Đại, Dương Minh Phong, Ngô Át và Phan Tông Trịnh can tội ăn hối lộ. Pháp ti khép Phan Tông Trịnh vào tội chết, còn bọn Nguyễn Thư đều được hưởng khoan hồng, cho giảm nhẹ tội. Việc khép tội trên khiến quần thần không vừa lòng. Hai Quan Đô ngự sử (một chức quan trong cơ quan Đô Ngự Sử có chức năng giám sát, đàn hoặc quan lại) là Trần Xác và Nguyễn Văn Chất nói: Bọn Nguyễn Thư, Phan Tông Trịnh đều là kẻ gần vua mà ăn của đút, quan xét án lẽ phải cầm cân cho công bằng, phải cho tất cả bị tử hình, nay hà cớ gì bọn Nguyễn Thư được giảm nhẹ tội, còn Phan Tông Trịnh thì phải lãnh án tử hình một mình? Phép nước như thế, bảo thiên hạ tin là có sự công bằng làm sao được?
|
Phan Tông Trịnh bị xử tử về tội ăn hối lộ (ảnh minh họa) |
Trước sự phản đối của Quan Đô Ngự Sử, đích thân nhà vua đứng ra thanh minh giúp, vua Lê Thánh Tông cho rằng: Bọn Nguyễn Thư ăn của đút, tội chúng đáng phải chém, ta không nỡ giết là còn mong chúng biết tự sửa lỗi, để đến một lúc nào đó, ta có thể dùng mà sai khiến. Còn như Phan Tông Trịnh, con nuôi của hoạn quan là Hiền, Hiền chết, Trịnh cướp vợ của Hiền. Năm trước, Trịnh còn giở trò giao hợp bỡn cợt với một cung nữ, hai tội đều nặng, khép vào tội tử hình là phải lắm"..
Luật nay: Nếu xử sai thì phải kháng nghị để xem xét lại
Việc Phan Tông Trịnh được gần vua mà cố ý làm bậy, ăn của đút lót, ảnh hưởng đến thanh danh của vua bị trừng trị nghiêm khắc là xứng đáng. Tuy nhiên, việc giải thích của vua Lê Thánh Tông, vì không thích Phan Tông Trịnh do trước đây hắn có những hành vi đồi bại như cướp vợ người khác, giở trò với cung nữ để khép hắn vào tội chết là không thoả đáng.
Hơn nữa, trong khi một mình Phan Tông Trịnh bị xử tử còn các đối tượng khác lại giảm nhẹ tội là không công bằng. Thời phong kiến, ý của vua là luật pháp, thậm chí ý vua là ý trời nên bọn Nguyễn Thư được tha nhẹ tội là điều không có gì lạ.
Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, luật pháp là tối thượng, không thể vì yêu quý người này mà giảm nhẹ tội, trong khi ghét người khác thì lại xử nặng tội. Việc xử án và lượng hình phải dựa vào chứng cứ và mức độ phạm tội.
Theo quy định tại các Điều 282, Điều 283 của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì khi phát hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, người có thẩm quyền phải ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm để xem xét lại bản án, phán quyết đó (Điều 282).
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây: 1. Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; 3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật (Điều 283).
Như vậy, trong vụ án Phan Tông Trịnh và bọn Nguyễn Thư căn cứ vào khoản 1 Điều 283 cho thấy, việc kết tội Phan Tông Trịnh tội chết trong khi giảm nhẹ tội cho bọn Nguyễn Thư là không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án nên buộc phải kháng nghị bản án để xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm. Khi đó, Phan Tông Trịnh và Nguyễn Thư sẽ được xét xử bình đẳng trước pháp luật.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-phan-tong-trinh-bi-xu-tu-a46017.html