(ĐSPL) - "Giá mít ở mức 600-1.000 đồng/kg là loại mua cho gia súc ăn, chứ không phải loại đang bán trên thị trường", ông Nhạc khẳng định.
Mít giá 600-1.000 đồng/kg, nhiều nhà vườn đổ bỏ hoặc cho gia súc ăn
Báo Tri thức trực tuyến đưa tin, hiện tại, mít tại Đồng Nai đã bước vào cuối vụ, số lượng quả trên cây không còn nhiều. Nông dân Nguyễn Văn Dữ (52 tuổi, ngụ ấp 2, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán), cho biết, vườn mít 1,4 ha của ông đã thu hoạch gần hết, chỉ còn khoảng 20 gốc có quả.
“Tôi bán cho các thương lái quen. Mít cuối vụ, lại gặp mưa nhiều nên chất lượng quả kém, không ngọt, người mua chọn lựa rất kỹ. Riêng những quả nhỏ, dị tật, ít múi được các hộ chăn nuôi trong vùng gom với giá 600-1.000 đồng/kg mang về làm thức ăn cho bò, dê”, ông Dữ cho biết.
Cũng theo ông Dữ, đối với quả đẹp, chất lượng cao thì giá thu mua 6.000-7.000 đồng/kg. Mức giá này bằng một nửa so với thời điểm đầu vụ.
Nông dân này cũng khẳng định, do chất lượng quả kém nên thương lái ép giá, không có chuyện người mua tẩy chay mít vì tin đồn tiêm hóa chất. "Khi thương lái đến mua, họ vào thẳng vườn kiểm tra và chọn những quả già, chín để hái. Mít chín ồ ạt, bán không hết thì nông dân tiêm hóa chất để làm gì?”, ông Dữ bức xúc.
Theo chị Trần Thị Thanh, một thương lái chuyên thu mua mít tại huyện Định Quán, trước khi hái quả, chị luôn đến gặp và thương lượng giá cả, cách thu hoạch trực tiếp với chủ vườn. “Không hề có chuyện nhà vườn tiêm thuốc hay ủ thuốc kích thích quả nhanh chín. Trong vùng cũng không có tin người tiêu dùng tẩy chay mít vì hóa chất.
Mít già, hái mang về để vài ngày là chín đồng loạt, chúng tôi bán không hết thì sao phải tiêm hóa chất. Hơn nữa, mít non, dù có dùng cách nào ép chín múi mít cũng không thể ngọt, cơm dày, mềm và thơm được. Mít năm nay quá rẻ là do chất lượng. Loại quả đẹp đầu vụ giá bán vẫn tương đương các năm", chị Thanh cho biết.
Cần sớm kiểm tra, công bố về tin đồn mít chích thuốc để bảo vệ nông dân. |
Hiện tại, mít đang bước vào thời kì sinh trưởng thân và ra hoa cho vụ mới. Do giá cuối vụ rẻ nên những cây còn trái nhà vườn vẫn lặt bỏ, để chăm sóc, đầu tư vụ kế tiếp.
Ông Dương Hữu Nhạc, Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Ngọc, khẳng định, thông tin thương lái viện lý do nông dân tiêm hóa chất vào mít để ép giá là không đúng sự thật. “Giá mít ở mức 600-1.000 đồng/kg là loại mua cho gia súc ăn, chứ không phải loại đang bán trên thị trường", ông Nhạc khẳng định.
Cũng theo ông Nhạc, xã Phú Ngọc có 17 ha đất chuyên canh mít, trong đó có 12 ha đang cho thu hoạch.
Trước đó, thông tin từ Đài PT-TH Đồng Nai, lãnh đạo chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai (Sở Nông nghiệp- phát triển nông thôn) cho biết, thông tin mít sử dụng thuốc "cực độc" ép chín là không đúng sự thật, gây hoang mang dự luận và làm thiệt hại lớn cho nông dân trồng mít trong tỉnh.
Loại hóa chất mà một số nông dân, thương lái sử dụng làm trái mít nhanh chín là hoạt chất là ethephon. Loại hóa chất này được cấp phép sử dụng phun xịt cho một số loại cây trồng để kích thích ra hoa, đậu trái.
Tuy nhiên, một số nông dân, thương lái trên địa bàn tỉnh có dùng loại hoạt chất này phun vào trái cây để trái nhanh chín và có màu đẹp. Chi cục cũng đã có khuyến cáo nông dân không sử dụng loại hóa chất này làm ảnh hưởng đến chất lượng trái cây.
Qua kiểm tra, số lượng sử dụng rất ít, song nhiều thông tin đưa một chiều đã gây hoang mang cho người tiêu dùng, khiến không ít người đã "tẩy chay" trái mít, dẫn đến thị trường tiêu thụ giảm mạnh, kéo theo giá mít bán tại vườn hiện giảm xuống còn 2-4 ngàn đồng/kg.
Cũng theo Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai hóa chất làm chín nhanh khi ngấm vào trái cây chuyển hóa thành ethrel. Chất này nếu vào cơ thể con người với liều lượng mỗi ngày không vượt quá 0,05 mg/kg cân nặng vẫn an toàn.
Với khối lượng của một người là 50- 60kg thì lượng ethrel cho phép dung nạp khoảng là 2,5- 3mg/ngày. Etherel không phải là một chất cực độc như lời đồn thổi, song nếu vào cơ thể lượng quá lớn có hại đối với da và mắt.
Ngọc Anh(Tổng hợp)