+Aa-
    Zalo

    Vì sao nhiều trường đại học “vất vả” tuyển bổ sung?

    (ĐS&PL) - Hậu kết thúc xét tuyển đợt 1, nhiều trường đại học tiếp tục tuyển bổ sung chỉ tiêu, tuy nhiên kết quả lại không như kỳ vọng.

    Hàng loạt trường tuyển sinh bổ sung

    Theo VTC News, Đại học Công nghiệp TP.HCM thông báo tuyển bổ sung khoảng 200 chỉ tiêu cho 6 ngành đào tạo tại phân hiệu Quảng Ngãi. Tuy nhiên kết thúc tuyển đợt 2, trường chỉ tuyển được vỏn vẹn 30 thí sinh, đạt hơn 10% chỉ tiêu đề ra.

    Đại học Mở TP.HCM thông báo xét tuyển 150 chỉ tiêu ở 6 ngành đào tạo do trường cấp bằng. Với mức điểm sàn nhận hồ sơ tương đối khiêm tốn - 16 điểm (phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT), nhà trường mới nhận được toàn bộ chưa tới 100 hồ sơ dự tuyển, còn thiếu đến 50 chỉ tiêu so với số lượng thông báo.

    Nhiều trường đồng loạt xét tuyển bổ sung vì thiếu chỉ tiêu. Ảnh minh họa

    Nhiều trường đồng loạt xét tuyển bổ sung vì thiếu chỉ tiêu. Ảnh minh họa

    Học viện Hàng không Việt Nam thông báo tuyển 500 suất bổ sung cho 5 ngành nhưng nhận được chưa tới 100 hồ sơ.

    Bên cạnh các các cơ sở giáo dục công lập, một số trường đại học tư thục cũng rơi vào tình trạng tương tự. Dù không tiết lộ số liệu cụ thể, nhiều trường cho hay số lượng thí sinh tham gia xét tuyển bổ sung đợt 2 thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cần tuyển.

    Trường Đại học Lâm nghiệp (phân hiệu tại tỉnh Đồng Nai) thông báo xét tuyển bổ sung nhiều ngành với 200 chỉ tiêu, nhưng đến nay chỉ có khoảng 50 thí sinh đăng ký, đạt khoảng 30%.

    Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM thông báo xét tuyển bổ sung 600 chỉ tiêu tất cả các ngành đến hết ngày 15-9. Tuy nhiên, đến nay lượng hồ sơ nộp chỉ khoảng 30%.

    Trường Đại học Nguyễn Tất Thành xét tuyển bổ sung khoảng 1.500 chỉ tiêu cho 63 ngành học theo 3 phương thức. "Kết thúc xét tuyển bổ sung, nhà trường nhận được khoảng 1.000 hồ sơ. Đến nay, trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Tình hình xét tuyển năm nay khó hơn mọi năm", TS. Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

    Vì đâu đến nỗi?

    Năm nay, Trường Đại học Văn Lang dành 1.500 chỉ tiêu cho đợt xét bổ sung. Đến ngày 10/9, trường nhận được 2.700 hồ sơ. "Tính đến nay có gần 1.000 thí sinh xét tuyển bổ sung trúng tuyển đến nhập học. Theo nhận định của chúng tôi, đến thời điểm này đã cạn nguồn tuyển. Thí sinh trúng tuyển nếu có mong muốn nhập học vào ngành, trường mình yêu thích thì cũng đã quyết định xong, các em không học vì bất kỳ lý do nào đó cũng không tiếp tục đăng ký. Nhà trường cũng ngưng không nhận thêm hồ sơ bổ sung nữa", TS. Võ Văn Tuấn - Phó hiệu trưởng thường trực nhà trường thông tin.

    Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời TS. Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng đào tạo Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết, sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1, cả nước có hơn 100.000 thí sinh đỗ nhưng không xác nhận nhập học. Tuy nhiên thực tế, số lượng thí sinh mong muốn học đại học thông qua xét tuyển bổ sung không nhiều, có thể đến nhiều nguyên nhân.

    Thứ nhất, sau khi không trúng tuyển nguyện vọng mình yêu thích, thí sinh không có nhu cầu học các ngành khác nên không xét tuyển bổ sung.

    Thứ hai, với một số ngành yêu thích, cơ sở giáo dục lại nằm ở các tỉnh xa

    Thứ ba, sau khi tốt nghiệp THPT, thí sinh còn nhiều lựa chọn khác như đi du học, xuất khẩu lao động, học nghề hoặc cao đẳng.

    TS. Lê Xuân Trường - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh học phí cao và có nhiều lựa chọn sau THPT, nhiều thí sinh sẽ cân nhắc giữa việc "học đại" ngành nào đó hay đi xuất khẩu lao động, học nghề. Hơn nữa, những ngành tuyển bổ sung lại thường kén người học. "Nếu không đỗ những ngành triển vọng, dễ tìm việc làm, nhiều em thà chọn học cao đẳng hoặc đi làm ngay".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/vi-sao-nhieu-truong-ai-hoc-vat-va-tuyen-bo-sung-a465014.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan