(ĐSPL) - Việc tăng 20-60\% giá vé thực chất là “phụ thu chiều rỗng” nhằm bù giá cho xe chạy rỗng, không có khách, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phân tích.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng Sở GTVT không cho xe phụ thu tức là không biết gì về vận tải. |
Trước tình trạng các doanh nghiệp chây ỳ về việc giảm giá cước vận tải mặc dù giá xăng dầu giảm kỷ lục, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các Sở GTVT kiểm tra và rà soát việc giảm giá cước, niêm yết giá cước vận tải hành khách theo tuyến cố định tại tất cả các bến xe trên địa bàn; cử lực lượng thanh tra thường trực xử lý nghiêm các vi phạm về kê khai và niêm yết giá vé.
Đồng thời, yêu cầu tất cả các Sở công khai danh sách các đơn vị chưa giảm giá cước trên trang web của Sở và tại bến xe.
Được biết, nhiều doanh nghiệp đã có văn bản gửi thông báo giảm giá cước tuy nhiên vẫn có những doanh nghiệp quyết không giảm giá thậm chí có doanh nghiệp còn đề nghị tăng giá vé trong dịp Tết Nguyên đán.
Clip: Xăng giảm giá, cước vận tải sao chưa giảm?
Cụ thể, tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), một số tuyến vận tải cố định như Hà Nội - Hồ Chí Minh và tuyến Thanh Hoá - Hà Nội đã đề nghị phụ thu tăng giá cước trong khoảng 20 ngày trước và sau dịp Tết nguyên đán 2015 với mức tăng đề nghị từ 20-60\%
Tương tự, tại bến xe Nước Ngầm có 88 doanh nghiệp và hiện, một số tuyến vận tải cố định Hồ Chí Minh - Hà Nội và tuyến Quảng Ngãi - Hà Nội cũng đề nghị phụ thu tăng giá cước trước và sau Tết 20 ngày với mức tăng đề nghị là 40-60\% .
Về hướng xử lý các nhà xe tăng giá vé vào dịp tết khi giá xăng giảm kỷ lục, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đã gửi văn bản kiên quyết không cho tăng giá vé với bất cứ lý do gì. Tuy nhiên, theo Thông tư mới, doanh nghiệp vận tải muốn tăng giá cước chỉ cần xin phép sở Tài chính địa phương. Chính vì vậy, việc kiểm soát giá vé đối với sở GTVT cũng rất khó khăn".
Theo ông Thành, cứ đến cuối năm, các doanh nghiệp vận tải lại rục rịch đòi tăng giá cước. Họ nói rằng, tăng phụ phí tiền sửa xe, lương cho nhân viên. Tuy nhiên, năm nay xăng dầu giảm giá gần một nửa so với trước đây. Số tiền họ hưởng lợi từ giá xăng dầu giảm cũng có thể bù đắp được số tiền lương và các phụ phí khác. Vậy hà cớ gì mà các hãng xe này đòi tăng giá xăng dầu.
Khác với quan điểm của Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, trao đổi với BizLive, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, việc tăng 20-60\% giá vé thực chất là “phụ thu chiều rỗng” nhằm bù giá cho xe chạy rỗng, không có khách và việc này được nhà xe áp dụng từ lâu, người dân đều chia sẻ với nhà xe.
“Đây là thời điểm nhạy cảm khi giá xăng dầu giảm nhưng giá của vé xe ô tô lại tăng so với thời điểm trước đó nên việc báo chí phản ánh tăng giá vé là không chính xác. Sở Giao thông không cho phụ thu tức là không biết gì về vận tải. Giá vé trước đó đã giảm theo nhịp giảm của giá nguyên liệu đầu vào là xăng dầu, còn thời điểm Tết là phụ thu chiều rỗng”, ông Thanh nhấn mạnh.
Theo ông Thanh, việc một số Sở Tài chính, Sở Giao thông không cho xe phụ thu sẽ dẫn đến tình trạng xe chạy lòng vòng bắt khách, không đón khách…
Trong khi đó, trong buổi kiểm tra công tác bán vé xe, vé tàu tết tại bến xe Miền Đông (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) ngày 3/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đưa ra yêu cầu bến xe phải công khai giá vé, số lượng vé và những doanh nghiệp chưa giảm giá để người dân biết. Theo Bộ trưởng, cần thiết có thể vận động một cuộc tẩy chay những xe không giảm giá cước.
“Giá xăng giảm rất nhiều và một số doanh nghiệp cố tình chây ỳ không chịu giảm giá thì chúng ta phải có giải pháp”, Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh.