Báo Lao Động đưa tin, Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa công bố loạt kết luận kiểm tra liên quan đến việc mở và đào tạo ngành học mới với một số trường đại học trên cả nước.
Cụ thể, kết luận Thanh tra của Bộ GD&ĐT chỉ rõ những sai phạm của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong việc mở ngành Luật, chưa đảm bảo quy định tối thiểu 3 tiến sĩ liên quan đến ngành học này.
Học viện Nông nghiệp mở ngành luật có đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu nhưng chưa đảm bảo có tối thiểu ba tiến sĩ với ngành học thuộc lĩnh vực pháp luật.
Theo thanh tra Bộ GD&ĐT, trách nhiệm để xảy ra sai phạm này thuộc về giám đốc, phó giám đốc phụ trách chuyên môn và các bộ phận quản lý ngành của nhà trường.
Về Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), theo Thanh tra Bộ GD&ĐT, nhà trường mở nhiều ngành trong năm 2022 khi chưa đủ điều kiện tự chủ là chưa đúng quy định.
Được biết, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) ký ban hành quyết định mở 3 ngành trình độ đại học (Quản trị văn phòng, Quản trị giáo dục, Tâm lý học giáo dục), 2 ngành trình độ thạc sĩ (Giáo dục học, Báo chí học) và 1 ngành trình độ tiến sĩ (Việt Nam học) sử dụng dấu của trường là chưa đúng quy định.
Thanh tra cũng phát hiện, thời điểm nhà trường ban hành quyết định mở ngành Hàn Quốc học trình độ thạc sĩ và đại học khi chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định.
Đại học Quốc gia TP.HCM còn vi phạm luật khi có quyết định giao các trường thành viên mở ngành khi chưa đủ điều kiện tự chủ.
Trong kết luận thanh tra, bên cạnh việc chỉ rõ sai phạm của các trường đại học, thanh tra Bộ GD&ĐT đều nêu rõ các biện pháp xử lý, các kiến nghị với đơn vị chủ quản để khắc phục những sai phạm trong thời gian sớm nhất.
Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng cũng tạm dừng tuyển sinh 7 ngành. Nhà trường có văn bản báo cáo Bộ GD&ĐT dừng tuyển sinh các ngành gồm giáo dục thể chất, thiết kế thời trang, quản lý công nghiệp, kỹ thuật xây dựng, Trung Quốc học, Hàn Quốc học và Nhật Bản học.
Tại thời điểm mở ngành, 7/9 ngành có giảng viên chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo không có ngành phù hợp với ngành dự kiến mở. Nhà trường tự xác định các giảng viên chủ trì ngành có đủ 5 năm giảng dạy đại học và có công trình 11 nghiên cứu khoa học, bài báo về lĩnh vực ngành đăng ký đào tạo trong thời hạn 5 năm theo quy định.
Trong số các ngành học kể trên, Bộ GD&ĐT phát hiện một số ngành khi thực hiện mở, trường không khảo sát nhu cầu xã hội đầy đủ dẫn đến khó tuyển sinh, số lượng nhập học rất thấp.
Trách nhiệm để xảy ra thiếu sót nêu trên thuộc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách và các đơn vị liên quan thuộc trường.
Theo thông tin trên báo Dân Trí, ở kết luận thanh tra về Trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết 7/16 ngành của trường mở không đảm bảo điều kiện về giảng viên cơ hữu, chủ trì giảng dạy chương trình.
Vì thế, năm 2022, Trường Đại học Thủ Dầu Một dừng tuyển sinh 11 ngành gồm lịch sử, văn học, văn hóa học, toán kinh tế, chính trị học, địa lý học, quốc tế học, sinh học ứng dụng, vật lý học, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, quản lý đô thị. Hai ngành tạm dừng tuyển sinh năm 2023 là quản lý văn hóa, quản lý công.
Về nguyên nhân, trường không khảo sát nhu cầu xã hội đầy đủ, dẫn đến khó tuyển sinh, tỷ lệ nhập học thấp kể từ khi mở ngành mới. Trong số 13 ngành dừng tuyển sinh kể trên, 4 ngành không còn sinh viên theo học.
Đáng nói, nhiều ngành tạm dừng tuyển sinh chỉ mới được mở trong các năm 2020-2022, trong đó, ngành quản lý công mở năm 2022. Trong hồ sơ mở ngành năm 2022, nhà trường khảo sát 46 công ty về nhu cầu tuyển dụng trong 4 năm tới và khẳng định có nhu cầu tuyển dụng.
Ở một luận điểm khác, nhà trường cho rằng nhân lực thuộc lĩnh vực quản lý công đang thiếu tại địa bàn tỉnh Bình Dương. Trong hồ sơ mở ngành không thấy khảo sát nhu cầu học ngành quản lý công dành cho đối tượng là học sinh.
Trong khi đó, tại kết luận đối với Trường Đại học Hoa Sen, Thanh tra Bộ GD&ĐT chỉ rõ, trong hai năm 2021 và 2022, nhà trường không tổ chức tuyển sinh hoặc không tuyển được 6 ngành (ngành quản lý tài nguyên môi trường, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, công nghệ thực phẩm, quản trị văn phòng, Hoa Kỳ học, bảo hiểm).
Đến năm 2022 - 2023, nhà trường không tuyển sinh ngành Nhật Bản học, luật quốc tế, bất động sản và hệ thống thông tin quản lý.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Thanh tra Bộ GD&ĐT, là có ngành khi thực hiện mở, trường đã thực hiện khảo sát nhu cầu xã hội không đầy đủ, dẫn đến không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh với số lượng rất thấp kể từ khi mở ngành.
Chỉ tính riêng năm 2023, Đại học Hoa Sen báo cáo bộ đề nghị tạm dừng tuyển sinh các ngành gồm phim, Hoa Kỳ học, bất động sản, bảo hiểm, Nhật Bản học và luật quốc tế.
Trong đó, ngành luật quốc tế được Trường đại học Hoa Sen mở năm 2021 nhưng đến tháng 2/2023 đã có công văn gửi Bộ GD&ĐT tạm dừng tuyển sinh.
Trong đề án mở ngành luật quốc tế năm 2021, nhà trường tổ chức khảo sát nhiều đối tượng khác nhau, tổ chức các hội thảo. Kết quả của các khảo sát và hội thảo này là nhu cầu người học và nhu cầu nhân lực rất cao. Việc mở ngành luật quốc tế là cần thiết vì đây là nhu cầu thật của thị trường lao động.
Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận tại thời điểm mở ngành, 12 ngành trình độ đại học trường tự chủ mở có giảng viên chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo không có ngành phù hợp với ngành dự kiến mở, theo báo Tuổi Trẻ.
Đ.K(T/h)