+Aa-
    Zalo

    Vì sao lại có loại tội phạm làm giả “quyết định truy nã”?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nắm được quy định của một số nước trong việc tạo điều kiện nhập tịch cho những đối tượng thuộc diện bị truy nã, nhiều kẻ đã làm giả “quyết định truy nã”.

    (ĐSPL) - Nắm được quy định của một số nước trong việc tạo điều kiện nhập tịch cho những đối tượng thuộc diện bị truy nã, nhiều kẻ vì muốn dễ dàng nhập tịch đã nhờ người ở Việt Nam làm giả “quyết định truy nã” chính mình.

    Từ đó mới nảy sinh ra kiểu tội phạm chuyên làm giả loại giấy tờ đặc biệt, “có một không hai” này. Công an tỉnh Quảng Bình vừa bắt đối tượng thực hiện hành vi phạm tội kiểu mới này - làm giả “quyết định truy nã” của cơ quan công an.

    Trang thông tin của Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Bình đăng thông tin tội phạm làm giả “quyết định truy nã” (ảnh: Lê Huyền).

    Làm giả “quyết định truy nã” để dễ nhập tịch?!

    Thông tin trên trang web của Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Bình: Viện đã phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp đối với Võ Văn Đăng (40 tuổi), trú tại phường Đồng Sơn, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình và Nguyễn Thị Hồng Thắm (34 tuổi), trú tại phường Phú Hải, TP.Đồng Hới, đồng thời quyết định khởi tố bị can đối với Doãn Trung Phú (34 tuổi) và Bùi Thị Vê (59 tuổi), đều trú phường Lộc Ninh, TP. Đồng Hới về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo hồ sơ ban đầu, Thắm và Vê có một số người thân đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài. Tìm hiểu của đối tượng phạm tội, ở một số nước, đã có một số đối tượng bị truy nã dễ làm thủ tục cư trú, hoặc nhập quốc tịch hơn. Vì vậy, chúng đã nhờ Thắm và Vê tìm đối tượng làm giả “quyết định truy nã” để gửi sang. Thắm và Vê đã thuê Phú và Đăng làm giả 6 “quyết định truy nã” để gửi cho một số đối tượng thực hiện hành vi nhập cư trái phép ở nước ngoài. Hiện, vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra.

    Trong số những vụ làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức từ đầu năm tới nay, nhiều đối tượng thường làm giả chứng minh công an nhân dân; làm giả hợp đồng tín dụng; làm giả giấy tờ cá nhân... để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thậm chí, cơ quan công an từng triệt phá nhiều nhóm đối tượng chuyên làm giả tất cả các loại giấy tờ nhưng quyết định truy nã, quyết định khởi tố bị can thì chưa. Điều đáng nói là cứ lĩnh vực nào kiếm được lợi là ở đó, các đối tượng phạm tội lại có dịp “tung hoành”. Một trong những vụ làm giả giấy tờ khá tiêu biểu xảy ra vào ngày 7/5/2014, do phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội – PC45, Công an TP.HCM đã triệt phá là một đường dây chuyên làm giả giấy tờ cho “chân dài” xuất ngoại bán dâm với quy mô lớn. Người đứng đầu đường dây này là Huỳnh Thị Lệ Hằng khai rằng, ngoài việc làm giả kiểu giấy tờ trên, đường dây này còn làm bằng đại học, cao đẳng, chứng chỉ nghề, sổ khám bệnh, giấy xét nghiệm máu, CMND... giả các loại.

    Trước đó ngày 26/1/2015, Công an thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã phối hợp cùng PC45, Công an tỉnh Bình Dương triệt phá một đường dây làm giả giấy tờ quy mô lớn, bắt giữ 4 đối tượng là Nguyễn Hồng Văn (40 tuổi), Lê Bá Tòng (45 tuổi, cùng ngụ thị xã Dĩ An), Mã Thanh Vân (37 tuổi, quê Bến Tre) và Vũ Đức Hải (40 tuổi, quê Thanh Hóa). Khám xét nơi ở và làm việc của 4 đối tượng trên, công an thu giữ tới 5.800 con dấu các loại và nhiều dụng cụ khác. Mới đây nhất, ngày 10/6/2015, cơ quan An ninh điều tra (bộ Công an) đã bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Dĩnh (50 tuổi), trú tại quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội, nguyên Giám đốc công ty cổ phần khoáng sản Na Rì Hamico và ba đối tượng khác về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo điều tra ban đầu, Nguyễn Văn Dĩnh đã chỉ đạo nhân viên lập hợp đồng kinh tế khống, hóa đơn giá trị gia tăng giả... và giấy đề nghị vay vốn để đề nghị ngân hàng cho vay tiền. Trong quá trình vay vốn này, Dĩnh và các đối tượng liên quan đã sử dụng ba hóa đơn giá trị gia tăng giả để đề nghị vay 126 tỉ đồng.

    Anh Nguyễn Thành Đông, tức Đông “đực”, một cái tên khá nổi tiếng trong giới “làm xiếc” giấy tờ giả cho “dân anh chị”, đã từng “ăn cơm tù” về tội này, giờ “rửa tay, gác kiếm” phân bua: “Tôi từng làm giả nhiều giấy tờ cho anh em trong giới để mong giảm tội, không bị giam trong những thời điểm nhất định của vụ án. Bá đạo nhất trong đời “làm xiếc” với giấy tờ giả của tôi là “chứng nhận” cho một dân anh chị bình thường thành kẻ điên. Với giấy giả đó, người này đã không bị giam mà còn được đưa đi chữa bệnh bắt buộc, rồi bỏ trốn. Còn làm giả “quyết định truy nã” thì quả thật, giờ tôi mới nghe thấy. Thế nhưng, ngoài chuyện chúng tự khai là để cho đối tượng đặt hàng dễ dàng trong chuyện nhập tịch ở nước ngoài thì chắc chắn còn ẩn chứa một bí mật khác, đó là để trốn tránh gì đó. Có thể, đối tượng này đang bị “dân anh chị” truy đuổi, tìm kiếm, sợ mất mạng nên phải đưa ra thông tin đó...”.

    TS. Chu Văn Đức.

    ...Có cầu ắt có cung?

    Trước thông tin cơ quan công an vừa bắt giữ một số đối tượng làm giả “quyết định truy nã” để kiếm lợi, nhiều chuyên gia pháp lý tỏ ra khá ngạc nhiên. TS. Chu Văn Đức (bộ môn Tâm lý học tội phạm, đại học Luật Hà Nội) cho biết: “Từ trước tới nay, tôi nghe nhiều tới chuyện làm giả giấy tờ để lừa đảo nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe tới chuyện làm giả “quyết định truy nã”. Nhưng, xét ở khía cạnh tâm lý tội phạm, việc này cũng không quá bất ngờ. Đối với những kẻ phạm tội, việc gì có lợi là chúng làm, không phân biệt tính chất và thể loại. Một trong những thủ đoạn là chúng lợi dụng sơ hở chính sách của nước mình, của nước bạn để lách luật, trục lợi. Vì thế, bản chất của việc làm giả “quyết định truy nã” cũng như vậy mà thôi. Chẳng qua sự việc này mới bị phát hiện lần đầu nên với nhiều người, nó là mới mẻ. Tôi cho rằng, những vụ việc tương tự như trên mới lần đầu bị phát hiện là có nguyên do của nó. Thứ nhất là do những giấy tờ làm giả này không được sử dụng ở Việt Nam nên lực lượng chức năng không có nhiều điều kiện kiểm tra, xử lý với những kẻ sử dụng giấy tờ giả đó. Thứ nữa là nguồn cung loại giấy tờ này cũng không nhiều như những giấy tờ khác nên các đối tượng mới dễ dàng phạm tội mà ít bị các lực lượng chức năng nghi ngờ. Rõ ràng là nó đã tồn tại và thời gian sắp tới, lực lượng công an cần lưu tâm hơn tới loại tội phạm này”.

    Luật sư Nguyễn Văn Nghi (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích: “Hành vi làm giả “quyết định truy nã” đã vi phạm vào Điều 267, Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Nếu tính chất phạm tội nặng hơn thì dựa theo đó mà cơ quan chức năng sẽ có hình thức xử lý phù hợp với khung hình phạt cao nhất là bảy năm tù”.

    Trong khi đó, chuyên gia xã hội học Nguyễn Thị Tố Quyên (học viện Báo chí tuyên truyền) thì cho rằng: “Sự việc này cho thấy, tội phạm làm giả giấy tờ cơ quan Nhà nước ngày càng phức tạp. Chúng làm giả những loại giấy tờ không ai ngờ nên lực lượng chức năng vô tình cũng ít chú ý và lưu tâm tới. Do đó, chúng càng dễ bề thực hiện hành vi phạm tội của mình hơn. Tôi cho rằng, đây là hành vi phạm tội mới, nghiêm trọng mà cơ quan công an cần hết sức lưu ý trong thời gian tới để có những biện pháp ngăn chặn hiệu quả hơn với nó”.

    Nghi ngờ thông tin người có lệnh truy nã sẽ dễ nhập tịch

    TS. Chu Văn Đức (đại học Luật Hà Nội) bày tỏ băn khoăn: “Hiện tại, tôi chưa được tiếp cận thông tin, ở một số nước, người nước ngoài mà có lệnh truy nã sẽ dễ dàng nhập tịch hơn. Nhưng xét ở góc độ bình thường thì việc này khá bất thường và chúng ta phải làm rõ là người có lệnh truy nã nhưng truy nã vì tội gì? Như thế nào? Do vậy thông tin trên cần phải kiểm tra lại một cách kỹ lưỡng”.

    Trong quá trình thực hiện bài viết này, PV cố gắng tiếp cận nguồn tin bên Công an tỉnh Quảng Bình với mục đích có được thông tin mới nhất về hành vi phạm tội rất mới cũng như thủ đoạn, mục đích của đối tượng phạm tội để tuyên truyền. Thế nhưng, PV đều không nhận được thông tin của cơ quan tiến hành tố tụng ở đây. Ngoài việc tự lý giải, chắc vụ án phức tạp, nhiều tình tiết, đang điều tra, chưa thể cung cấp được thì chúng tôi cũng nghi ngờ rằng, vụ án có nhiều bí ẩn. Bởi làm giả “quyết định truy nã” để mang ra nước ngoài cho dễ dàng trong việc nhập tịch không hề đơn giản. Chúng tôi sẽ chuyển đến bạn đọc những thông tin mới nhất về vụ việc này.

    P.Thiệu – N.BẮC

    [mecloud]MNMs6qpVzf[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-lai-co-loai-toi-pham-lam-gia-quyet-dinh-truy-na-a104998.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.