+Aa-
    Zalo

    Vì sao du khách không được tham quan lãnh cung trong Tử Cấm Thành?

    (ĐS&PL) - Tử Cấm Thành hiện đã mở cửa đón du khách khắp nơi đến tham quan nhưng tại sao không ai được vào xem nơi từng là lãnh cung?

    Lãnh cung đáng sợ ra sao?

    Đối với các phi tần, hình phạt đáng sợ nhất do Hoàng đế giáng xuống là bị đày vào lãnh cung. Họ phải vào lãnh cung vì nhiều lý do khác nhau nhưng về cơ bản khi đã vào đây, tất cả đều bị cô lập với thế giới bên ngoài.

    Nếu bị đày vào lãnh cung, phi tần sẽ phải cởi bỏ trang phục xa hoa, chỉ mặc đồ thông thường và không được mang theo tùy tùng. Bị đưa vào lãnh cung đồng nghĩa với việc phi tần đó không còn nhận được sự kính trọng của kẻ hầu người hạ.

    Cả lãnh cung chỉ có lối vào duy nhất để tiếp tế đồ ăn, thức uống hàng ngày. Lãnh cung được mô tả là chốn quanh năm lạnh lẽo do từng có rất nhiều người bỏ mạng tại đây. Ngay cả cung nữ và thái giám nếu không có nhiệm vụ cũng không dám bén mảng qua lại.

    Do lâu ngày không được quét dọn và thiếu bóng người, những vị chủ nhân của lãnh cung nếu không chết vì bệnh tật thì cũng chọn cách tự vẫn vì không chịu nổi cảnh cô quạnh.

    Có thể nói cuộc sống ở lãnh cung không khác gì cầm tù và nơi đây được xem là nơi xui xẻo nhất trong Tử Cấm Thành. Theo sử sách ghi lại, từ triều đại nhà Minh và nhà Thanh, rất nhiều nữ nhân bị nhốt vào đây.

    Lãnh cung nằm ở đâu?

    Tử Cấm Thành là quần thể cung điện được xây dựng trong khu vực có diện tích lên tới 720.000m2, với 800 cung điện và 9.999 phòng. Mặc dù Tử Cấm Thành có rất nhiều cung điện nhưng trên thực tế không có vị trí cụ thể nào cho lãnh cung.

    vi sao du khach khong duoc tham quan lanh cung trong tu cam thanh1
    Tử Cấm Thành có rất nhiều cung điện nhưng trên thực tế không có vị trí cụ thể nào cho lãnh cung. Ảnh: Sohu

    Trong các ghi chép thời nhà Minh và nhà Thanh, không tài liệu nào đề cập tới “lãnh cung”. Điều này có nghĩa tên gọi này không phải để đặt cho một cung điện cụ thể nào.

    Trong cuốn hồi ký của mình, Hoàng đế Phổ Nghi - vị vua cuối cùng của nhà Thanh cũng tiết lộ trong Tử Cấm Thành không có nơi nào được đặt tên là lãnh cung.

    Lãnh cung chỉ là cách gọi chung nơi giam giữ các phi tần bị Hoàng đế phế truất hoặc phạm phải tội nào đó mà bị đày ải. Nơi đây không phải là một cung cố định nào mà có thể là bất cứ căn phòng nào được sử dụng để giam giữ phi tần. Dù vậy, chúng đều có điểm chung là hẻo lánh, bị cô lập và không được tu sửa, khác xa với cung điện chính.

    Ở mỗi triều đại vua, các phi tần bị đày vào lãnh cung có thể bị sắp xếp ở những nơi khác nhau. Ví dụ, thời nhà Thanh, vua Vạn Lịch giam thê thiếp của mình ở Cảnh Dương Cung.

    Cuối triều đại này, thời Hoàng đế Quang Tự, ông hết mực sủng ái Trân phi nhưng vị phi tử này lại có hành động ngông cuồng khiến Từ Hi thái hậu phật ý. Về sau, Trân phi bị đày vào lãnh cung ở khu đông bắc Tử Cấm Thành.

    Ở một số triều đại, sau khi các phi tần qua đời ở lãnh cung, những phòng đó có thể được trưng dụng trở lại phục vụ cho mục đích khác.

    Vì sao du khách không được vào tham quan lãnh cung?

    Tử Cấm Thành ngày nay đã trở thành bảo tàng Cố Cung, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc, đón tiếp rất nhiều lượt du khách mỗi ngày. Tuy nhiên, theo quy định của bảo tàng Cố Cung, lãnh cung không đón tiếp du khách tới tham quan.

    Về vấn đề nói trên, đại diện bảo tàng Cố Cung chia sẻ, lãnh cung gây ảnh hưởng đến cảm xúc của con người. Nơi đây vốn được dùng để giam lỏng các phi tần. Các phi tần, cung nữ bị đày vào đây khó có cơ hội được nhìn thấy thế giới bên ngoài nên nhiều người rơi vào tình trạng u uất, bế tắc.

    Lâu dần, họ có thể bị trầm cảm, thậm chí phát điên và tìm tới cái chết. Lãnh cung đã “chứng kiến” nhiều ký ức đau buồn nên du khách có thể sẽ cảm thấy khó chịu khi bước vào trong.

    vi sao du khach khong duoc tham quan lanh cung trong tu cam thanh
    Đa số các lãnh cung đến nay đều bị hư hại nặng nền, tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. 

    Bên cạnh đó, tham quan lãnh cung có thể gây nguy hiểm cho du khách. Hoàng đế Phổ Nghi từng cho biết, lãnh cung đều là những nơi rất đổ nát vì chúng không được các hoàng đế chú ý tu sửa.

    Hoàng cung vô cùng rộng lớn, triều đình quyết định sẽ không phung phí tiền bạc tu sửa các cung điện bỏ hoang. Những nơi từng làm lãnh cung vốn đã tiêu điều lại không được quan tâm sửa chữa nên càng tồi tàn hơn.

    Đa số các lãnh cung đến nay đều bị hư hại nặng nên tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Chi phí sửa chữa cao nhưng số tiền thu lại không đủ để bù đắp, do những nơi này không được tu bổ từ quá lâu.

    Vì những lý do nói trên, ban quản lý bảo tàng Cố Cung quyết định đóng cửa các lãnh cung cũng như những nơi quá cũ, đổ nát.

    Đinh Kim (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-du-khach-khong-duoc-tham-quan-lanh-cung-trong-tu-cam-thanh-a576796.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan