+Aa-
    Zalo

    Vì sao không có cuộc gọi khẩn cấp nào từ trực thăng chở Tổng thống Iran?

    (ĐS&PL) - Theo nhà phân tích Kyle Bailey, việc thiếu liên lạc từ phi công trực thăng hoặc thành viên khác của tổ bay cho thấy có "vấn đề nghiêm trọng về khả năng kiểm soát".

    Liên quan đến vụ rơi trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Al Jazeera dẫn lời nhà phân tích hàng không Kyle Bailey cho hay nếu một chiếc trực thăng gặp sự cố kỹ thuật nghiêm trọng giữa chuyến bay, nhiệm vụ đầu tiên của phi công là "giữ cho máy bay tiếp tục bay, sau đó là liên lạc".

    Theo ông Kyle Bailey, việc thiếu liên lạc từ phi công trực thăng hoặc thành viên khác của tổ bay cho thấy rõ ràng rằng có "vấn đề nghiêm trọng về khả năng kiểm soát".

    "Về cơ bản, chúng ta không thấy bất kỳ thông tin liên lạc nào… bởi phi công có lẽ quá tập trung vào việc hạ cánh chiếc trực thăng hoặc giữ cho trực thăng tiếp tục bay. Có vẻ như chiếc trực thăng vỡ làm đôi, rất có thể là cánh quạt ở đuôi đã bị cắt rời do cánh quạt chính va vào đuôi", ông Kyle Bailey nói.

    Vị chuyên gia cũng cho biết, điều này có thể là do lực khí động học tạo ra khi phi công đang chuẩn bị hạ cánh trực thăng, hoặc có thể do vấn đề kỹ thuật. Một khả năng khác là cánh quạt đuôi bị hỏng, theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ.

    Xe cứu thương và các phương tiện khác di chuyển trên con đường đầy sương mù sau vụ rơi trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: Reuters

    Xe cứu thương và các phương tiện khác di chuyển trên con đường đầy sương mù sau vụ rơi trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: Reuters

    Ông Kyle Bailey giải thích thêm: "Nếu trực thăng quay xoắn ốc 360 độ, theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiều kim đồng hồ, điều đó có thể cho thấy cánh quạt ở đuôi bị hỏng và… mất kiểm soát".

    Cũng theo nhà phân tích hàng không này, điều kiện thời tiết bất lợi và địa hình đồi núi cũng có thể góp phần gây ra vụ tai nạn chết người.

    Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ Tasnim News (Iran) cho hay,  thi thể của những người thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng được chuyển đến Tabriz, trong đó có Tổng thống Ebrahim Raisi và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian. Trên trực thăng gặp nạn có tổng cộng 9 người, hoạt động tìm kiếm và cứu hộ cũng đã kết thúc.

    Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei đã tuyên bố 5 ngày quốc tang, đồng thời xác nhận việc Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber được bổ nhiệm làm quyền tổng thống. Tính từ lúc này, Iran có thời hạn tối đa 50 ngày để tổ chức bầu ra tổng thống kế nhiệm Tổng thống Ebrahim Raisi.

    Cũng như Tổng thống Ebrahim Raisi, ông Mohammad Mokhber là người thân cận với lãnh đạo tối cao Ali Khamenei. Ông trở thành Phó Tổng thống thứ nhất vào năm 2021, thời điểm ông Ebrahim Raisi đắc cử tổng thống. 

    Hãng thông tấn IRNA đưa tin, ông Ali Bagheri Kani đã được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Ngoại giao. Được biết, ông Bagheri Kani nguyên là Thứ trưởng Ngoại giao Iran và từng là nhà đàm phán chính về chương trình hạt nhân nước này.

    Trong diễn biến liên quan, nhiều nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladmir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan... đã gửi lời chia buồn sau sự ra đi của Tổng thống Ebrahim Raisi.

    Trên nền tảng X (trước đây là Twitter), Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cũng chia buồn về cái chết của Tổng thống Ebrahim Raisi trong vụ tai nạn trực thăng.

    "EU bày tỏ lời chia buồn chân thành về cái chết của Tổng thống Raisi và Ngoại trưởng Abdollahian, cũng như các thành viên khác trong phái đoàn và phi hành đoàn của họ trong một vụ tai nạn trực thăng. Chúng tôi xin gửi sự chia buồn đến các gia đình nạn nhân", ông Charles Michel viết.

    Vài giờ sau khi thông tin Tổng thống Iran thiệt mạng, lãnh đạo lực lượng Hamas (Dải Gaza), Houthi (Yemen) và Hezbollah (Lebanon) do Iran hậu thuẫn cũng đã gửi lời chia buồn về sự ra đi của Tổng thống Ebrahim Raisi và thể hiện tình đoàn kết với Iran.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/vi-sao-khong-co-cuoc-goi-khan-cap-nao-tu-truc-thang-cho-tong-thong-iran-a425245.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan