Iran hôm 20/5 xác nhận, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã thiệt mạng sau khi trực thăng chở họ bị rơi vào ngày trước đó ở tỉnh Đông Azerbaijan (Iran).
Báo Tuổi Trẻ dẫn nhận định trên AP cho hay, vụ tai nạn trực thăng này có khả năng sẽ gây chấn động khắp Trung Đông. Lý do là vì Iran đã “dành nhiều thập niên qua hỗ trợ các nhóm vũ trang ở Lebanon, Syria, Iraq, Yemen và các phần lãnh thổ của Palestine, cho phép nước này phô trương sức mạnh và có khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công từ Mỹ hoặc Israel".
Theo đánh giá của giới quan sát, sự ra đi của Tổng thống Ebrahim Raisi sẽ khiến bức tranh địa chính trị Trung Đông thêm phần rối ren, khi sự việc xảy ra vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm ở khu vực này.
Thế nhưng, theo phân tích của báo The Times of Israel, mặc dù hai quan chức cấp cao của Iran thiệt mạng là diễn biến kịch tính ở thời điểm nhiều cuộc xung đột diễn ra ở Trung Đông (trong đó có xung đột Israel - Hamas) nhưng diễn biến này có thể sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến các cuộc xung đột tại đây.
Được biết, tại Iran, các quyết định về chính sách đối ngoại và xung đột đều nằm dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei.
"Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran là người thực hiện chứ không phải người ra quyết định. Vì thế, các chính sách của Cộng hòa Hồi giáo Iran và các nguyên tắc cơ bản của các chính sách đó sẽ vẫn được giữ nguyên", ông Jason Brodsky - Giám đốc chính sách tại Tổ chức Đoàn kết chống Iran có hạt nhân (UANI, Mỹ) chia sẻ.
Tương tự, nhà phân tích Ori Goldberg tại Đại học Reichman cũng chỉ ra Tổng thống Ebrahim Raisi "làm việc cho lãnh tụ tối cao Iran".
“Ông Raisi không phải là người ra quyết định chính trong nước, do đó mối quan hệ giữa nhóm vũ trang Hezbollah (ở Lebanon) và Iran khó có thể thay đổi sau cái chết của ông Raisi”, Al Jazeera phân tích.
Theo thông tin trên báo Pháp Luật TP.HCM, vụ tai nạn trực thăng nói trên xảy ra đúng 1 tháng sau loạt tấn công “ăn miếng trả miếng” giữa Irael và Iran. Diễn biến này được giới quan sát mô tả là lần đầu cuộc đối đầu hàng thập niên giữa hai kỳ phùng địch thủ “bước ra ánh sáng”.
Cụ thể, ngày 13/4, Iran dưới sự chỉ huy của Tổng thống Ebrahim Raisi và Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã phóng hàng trăm máy bay không người lái (UAV) và tên lửa đạn đạo vào Israel để đáp trả vụ Đại sứ quán Iran ở Syria bị không kích, khiến nhiều thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng mà Iran cho rằng Israel là thủ phạm. Đến ngày 19/4, Israel được cho là đã đáp trả bằng một cuộc tấn công vào lãnh thổ Iran.
Cùng với đó, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas tiếp tục diễn ra ở Dải Gaza, “lôi kéo các nhóm Hồi giáo vũ trang được Iran hậu thuẫn như Hezbollah, Houthis... vào cuộc”.
Trong bối cảnh khu vực phức tạp, sự ra đi của Tổng thống Iran - người vốn có tư tưởng cứng rắn và được cho sẽ kế nhiệm vị trí lãnh đạo tối cao Iran từ ông Ayatollah Ali Khamenei - gây ra cú sốc cho giới lãnh đạo nước này, cũng như “trục kháng chiến” của Tehran.
Như đã nói ở trên, các quyết định về chính sách đối ngoại của Iran nằm dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tối cao, vì thế các chuyên gia cho rằng chính sách của nước này trong khu vực sẽ không thay đổi nhiều sau sự ra đi của Tổng thống Ebrahim Raisi.
PGS Eric Lob - chuyên gia về chính trị và quan hệ quốc tế tại ĐH Quốc tế Florida (Mỹ) bày tỏ ý kiến trên tờ The Conversation rằng, thời gian tới Iran sẽ tiếp tục “xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với các đồng minh mới và theo đuổi cuộc đối đầu có tính toán chống lại các đối thủ truyền thống”.
Ai sẽ tạm thay thế Tổng thống Iran Ebrahim Raisi?
Điều 131 Hiến pháp Cộng hòa Hồi giáo Iran quy định, nếu Tổng thống nước này qua đời trong lúc tại nhiệm thì Phó Tổng thống thứ nhất sẽ lên thay, với sự xác nhận từ lãnh đạo tối cao Iran - người có tiếng nói cuối cùng trong mọi vấn đề của nước này.
Cũng theo Hiến pháp Cộng hòa Hồi giáo Iran, một hội đồng gồm Phó Tổng thống thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội và người đứng đầu cơ quan tư pháp sẽ phải tổ chức bầu Tổng thống mới trong thời hạn tối đa là 50 ngày.
Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn thông tin từ tờ IntelliNews cho hay, Phó Tổng thống thứ nhất của Iran Mohammad Mokhber về lý thuyết sẽ đảm nhận vai trò Tổng thống lâm thời Iran. Điều này sẽ diễn ra khi Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei chính thức xác nhận.
Sự ra đi bất ngờ của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đặt Phó Tổng thống thứ nhất vào một vị trí quan trọng, đó là duy trì tính liên tục và ổn định Iran trong quá trình chuyển đổi quyền lực sắp tới.
Ông Mohammad Mokhber được biết đến là người có năng lực giải quyết các vấn đề hành chính và trung thành với các nguyên tắc của nước Cộng hòa Hồi giáo. Thách thức trước mắt của ông là trấn an cả người dân Iran và cộng đồng quốc tế về sự ổn định của Iran và việc tiếp tục duy trì lập trường chính sách của Tehran hiện nay.
Ông Mohammad Mokhber cùng các quan chức buộc phải tìm ra tổng thống mới cho Iran trong tối đa 50 ngày tới. Điều này đặt ra gánh nặng đáng kể lên cơ sở hạ tầng bầu cử và thể chế chính trị của Tehran.
Theo lịch trình thông thường, một cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức vào năm 2025. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi tử nạn, theo các quy định của Hiến pháp, cuộc bầu cử này có thể sẽ diễn ra vào đầu tháng 7/2024.
IntelliNews nhận định, ở một đất nước có nền chính trị phức tạp như Iran, việc tổ chức nhanh chóng một cuộc bầu cử tổng thống có thể làm trầm trọng thêm những căng thẳng hiện có.
Chính phủ lâm thời có nhiệm vụ phải giải quyết những khó khăn kinh tế đang diễn ra và sự bất mãn của người dân, vốn đã trở nên trầm trọng hơn do các lệnh trừng phạt quốc tế và đại dịch COVID-19.