+Aa-
    Zalo

    Vì sao khối doanh nghiệp nhỏ và vừa có tỷ lệ nợ xấu ngân hàng thấp?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mặc dù rất thận trọng song tiến sỹ Trần Đại Lai không khỏi sốt ruột trước thực trạng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), khu vực chiếm gần 98\% tổng số.

    Mặc dù rất thận trọng song tiến sỹ Trần Đại Lai không khỏi sốt ruột trước thực trạng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), khu vực chiếm gần 98\% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động cả nước.

    Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).

    “Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn - vấn đề tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp ​nhỏ và vừa đang nổi cộm nên những mâu thuẫn rất cần phải tháo gỡ nhanh chóng để phát triển kinh tế đất nước, nền công nghiệp sản xuất ra giá trị gia tăng và vận hành theo cơ chế thị trường lành mạnh, minh bạch.”

    Mặc dù rất thận trọng song tiến sỹ Trần Đại Lai không khỏi sốt ruột trước thực trạng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), khu vực chiếm gần 98\% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động cả nước.

    Tại hội thảo “Tín nhiệm tín dụng Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức, ngày 24/9 tại Hà Nội, tiến sỹ Trần Đại Lai nhấn mạnh, việc các doanh nghiệp SME sử dụng tới hơn 51\% lực lượng lao động, tạo ra trên 40\% GDP đồng thời là khối kinh tế có tỷ lệ nợ xấu ngân hàng rất thấp so với phía doanh nghiệp lớn… mà chỉ sở hữu dưới 40\% tổng nguồn vốn của khu vực công nghiệp, là một nghịch lý không thể tiếp tục kéo dài.

    Ông Lai giải thích, nghĩa là không đầy 3\% số doanh nghiệp còn lại chiếm quy mô vốn lên tới 64-68\%, cũng là khu vực chiếm tỷ lệ nợ xấu cao. Theo chuyên gia này, đây là những con số biết nói, nó chỉ ra những thách thức rất lớn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang phải đối mặt.

    Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay rất thấp khi mà chỉ có khoảng 30\% doanh nghiệp SME tiếp cận được với vốn ngân hàng.

    Ông Thành dí dỏm ví quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp phải là “quan hệ hữu tình,” song điều kiện cơ bản hiện lại do ngân hàng làm “chủ trò chơi.” Theo ông Thành, ngân hàng cũng nên lắng nghe, bởi cũng có lúc doanh nghiệp sẽ ra điều kiện với ngân hàng “không chỉ ông nhìn nhận ‘tôi đâu,' vì doanh nghiệp cũng có thể cho điểm với ngân hàng.

    Trên thực tế, mặc dù các ngân hàng thương mại luôn quan tâm và coi khu vực doanh nghiệp SME là thị trường tiềm năng nhưng họ là phụ thuộc rất lớn vào các điều kiện đảm bảo khoản vay của đối tượng khách hàng tiềm năng.

    Trong khi doanh nghiệp SME nội lực lại yếu, thiếu các điều kiện đảm bảo tín dụng, đó chính là nguyên nhân khiến ngân hàng e ngại và dẫn đến việc các doanh nghiệp SME tiếp cận thị trường tín dụng nói riêng và thị trường tài chính nói chung cũng yếu theo.

    Chỉ ra những vấn đề tồn tại, tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, hiện doanh nghiệp vẫn dựa chủ yếu vào khai thác vốn vay từ phía ngân hàng, trong khi điều kiện tiếp cận nguồn vốn này không hoàn toàn thuận lợi và rộng khắp.

    Một số doanh nghiệp không đủ điều kiện pháp lý do ngân hàng quy định, một số không đủ kiến thức và trình độ chuyên môn triển khai và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn. Trái lại, những thủ tục vay vốn vẫn chưa thực sự thông thoáng, thiếu kịp thời…làm mất thời cơ của doanh nghiệp nên có một số doanh nghiệp lại không hăng hái hoặc chưa khai thác được nguồn vốn này.

    Hội thảo 'Tín nhiệm tín dụng Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng.' (Ảnh: PV/Vietnam+).

    Thêm vào đó ông Kiêm còn chỉ ra những yếu tố bất lợi khác mà doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt, như môi trường kinh doanh cạnh tranh thiếu lành mạnh, chính sách và cơ chế kinh tế chung chưa thực sự bình đẳng.

    “Những yếu thế thường thuộc về doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là vấn đề sử dụng đất đai, ưu đãi về vốn và cách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Những tồn tại, khó khăn đó thời gian gần đây đã được Chính phủ phát hiện và tập trung xử lý nhưng chuyển biến và kết quả chưa tương xứng, khó khăn vẫn còn nhiều,” ông Kiêm ​phân tích.

    Từ góc độ khác, theo tiến sỹ Trần Đại Lai, Việt Nam cần có một hành lang pháp lý để đỡ đầu cho các giải pháp mang tính chiến lược, tính cụ thể, minh bạch, sát thực tế và dễ xác định trách nhiệm hơn.

    Cụ thể, các tổ chức tín dụng phải có quyền pháp định về việc được biết “tư cách” trả nợ của doanh nghiệp thông qua các kênh thông tin được kiểm duyệt một cách tin cậy liên quan đến hoạt động cấp và sử dụng vốn tín dụng (như giám sát lịch sử hoạt động và vay vốn của khách thông qua việc chuẩn hóa các quy định về thông tin cũng như hoạt động số hóa các thông tin).

    Tại Hội thảo, đại diện Vụ Tín dụng các Ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng các giải pháp của ngành ngân hàng chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi có sự phối hợp nhịp nhàng từ các cơ quan, bộ ngành, hiệp hội và bản thân các doanh nghiệp.

    Cụ thể, vị đại diện này kiến nghị, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa các chính sách hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (sửa đổi, hoàn thiện cơ chế bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ vốn của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa).

    Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo chính sách hỗ trợ (như đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường pháp lý). Phía các các tổ chức tín dụng thì cần chủ động mở rộng tín dụng cho các doanh nghiệp SME trên cơ sở vừa đảm bảo hiệu quả, an toàn, xây dựng chính sách tín dụng riêng phù hợp với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

    Thêm vào đó, đại diện phía Ngân hàng Nhà nước cũng không quên kêu gọi, các hiệp hội ngành nghề cần nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng của các Hiệp hội ngành nghề, làm cầu nối cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp SME tiếp cận nhau.

    “Cuối cùng, bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tự hoàn thiện, đổi mới cơ chế quản lý, điều hành doanh nghiệp, hoàn thiện hệ thống kế toán theo hướng minh bạch, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm đồng thời duy trì cơ cấu tài chính cân đối, lành mạnh quản lý chặt chẽ dòng tiền kinh doanh,” đại diện ​Ngân hàng nhà nước nhấn mạnh.

    Theo TTXVN

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-khoi-doanh-nghiep-nho-va-vua-co-ty-le-no-xau-ngan-hang-thap-a112041.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.