Nguyên nhân hàng trăm trường học bị đóng cửa mỗi năm
Theo một báo cáo thống kê năm 2021, tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc đang chạm đáy ở mức 0,84 trẻ sơ sinh trên 1 người phụ nữ. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới, con số này thấp hơn hẳn so với con số được ghi nhận vào năm 1960 là 6 trẻ sơ sinh/phụ nữ.
Trong khi đó, ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, tỷ lệ sinh là 1,8 trẻ sơ sinh/người phụ nữ. Còn tại Mỹ, con số này là 1,7 trẻ sơ sinh/phụ nữ.
Tỷ lệ sinh thấp đã khiến các trường học tại Hàn Quốc ngày càng thiếu học sinh. Nhiều trường tại vùng nông thôn đã bị bỏ hoang trong nhiều năm qua. Điển hình là trường nữ sinh Chung-Il ở Daejeon, thành phố cách thủ đô Seoul khaongr 140km.
Ngôi trường này đã dừng hoạt động vào năm 2005 sau khi lứa học sinh cuối cùng của trường tốt nghiệp vào năm 2004. Bị bỏ hoang trong 16 năm, trường Chung-Il giờ được xem là một địa điểm lý tưởng để những người ưa mạo hiểm tìm đến khám phá.
Được biết, trường Chung-Il chỉ là một trong số hàng nghìn trường học tại Hàn Quốc bị buộc phải đóng cửa trong 40 năm qua vì không học sinh. Từ năm 1982 đến năm 2016, tổng cộng 3.725 trường học trên cả nước đã đóng cửa do thiếu học sinh, đồng nghĩa với việc trung bình 1 năm có khoảng 113 ngôi trường phải dừng hoạt động, theo số liệu của Yonhap News.
Trường học bỏ hoang được sử dụng thế nào?
Korea Hereald thông tin, khoảng 62,7% tài sản của trường học bị đóng cửa đã được bán cho các nhà thầu bất động sản để phá bỏ hoàn. Trong khi đó, khoảng 1.350 trường học vẫn được giữ nguyên nhưng không ai sử dụng.
Chia sẻ về vấn đề này, cô Kim Hwa-yeon, 29 tuổi, là một cư dân Daejeon hiện đang sống ở Seoul đã mô tả trường học cũ là một "nơi trông đáng sợ nghiêm trọng" và là một "mối nguy hiểm về môi trường".
Cô Kim cho biết: "Tôi không biết tại sao chính phủ không phá bỏ nó. Sẽ không có gì tốt đẹp có thể xảy ra khi có một tòa nhà như thế cách nhà tôi mười phút. Nó trông giống như nó bị ma ám".
Tuy nhiên, không phải tỉnh nào cũng để trường học bị bỏ hoang. Ở một vài nơi như Nam Gyeongsang, những trường học bị đóng cửa đã được chuyển đổi mục đích sử dụng thành các viện bảo tàng.
Được biết, tỉnh Nam Gyeongsang có 584 trường học bị bỏ hoang. Theo đó, chính quyền tỉnh đã cho thuê những công trình này với nhiều mục đích khác nhau như làm phòng trưng bày nghệ thuật, trung tâm văn hóa hay làm nơi trú ẩn cho mèo hoang.
Một trong số đó có Phòng trưng bày Nghệ thuật Kil Hyun ở quận Namhae, mở cửa vào năm 2010. Phòng trưng bày được xây dựng trên khuôn viên của Trường Tiểu học Seongnam cũ, nơi đã đóng cửa vào năm 1999.
Anh Kil Hyun, giám đốc nghệ thuật của phòng trưng bày, cho biết anh duy trì hầu hết các đặc điểm của tòa nhà ban đầu. Hiện anh đang điều hành bốn chương trình giáo dục nghệ thuật của phòng trưng bày dành cho các đối tượng là sinh viên, cư dân trong khu vực và người cao tuổi.
Một trường học khác ở tỉnh Nam Gyeongsang đã được chuyển đổi thành trung tâm cộng đồng mang tên Gayasan-dokseodang Junglebook, nơi tổ chức các sự kiện trại hè cho trẻ em.
Trung tâm Gayasan-dokseodang Junglebook được thiết kế theo chủ đề rừng rậm và có cả thư viện đọc sách cho trẻ em. Trung tâm này được xây dựng trong khuôn viên của một trường học đã đóng cửa vào năm 2019. Chia sẻ về công trình trên, cô Park Dal-rae cho biết: "Tôi nghĩ trung tâm Junglebook là một nơi tốt để trẻ em đến. Chúng tôi đã đến đó hai lần và có một thư viện tuyệt đẹp, con gái tôi rất thích nơi này. Tôi nghĩ đây là một cách tốt để tận dụng cơ sở vật chất thay vì bỏ hoang các trường học".
Minh Hạnh (Theo Insider)