+Aa-
    Zalo

    Vì sao EVN tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc?

    (ĐS&PL) - Theo lãnh đạo EVN, khả dụng nguồn của hệ thống điện quốc gia luôn không còn dự phòng. Do đó, EVN đã phải huy động các nguồn điện, kể cả các nguồn chạy dầu đắt đỏ hay nhập khẩu điện.

    Báo Tuổi trẻ đưa tin, tại hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023 và phát động phong trào tiết kiệm điện trên toàn quốc, ngày 22/5, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Tập đoàn đang đàm phán để tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào.

    vi sao evn tang nhap khau dien tu trung quoc 1
    Đại diện EVNNPC làm việc với phía Trung Quốc về mua bán điện. Ảnh: Báo Quảng Ninh

    Về nguyên nhân triển khai kế hoạch trên, ông Nhân cho hay, các nguồn điện lớn gồm thủy điện, nhiệt điện đều giảm nên công suất khả dụng nguồn của hệ thống điện quốc gia/miền Bắc chỉ khoảng 42.000/19.000MW vào cao điểm chiều, 39.200/18.000MW vào cao điểm tối.

    Thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng. Tần suất nước về các hồ thấp nhất trong 100 năm qua. Điều đó dẫn đến 18/47 hồ thuỷ điện đang ở mực nước chết hoặc cận chết. Có 20 hồ thuỷ điện có dung tích dưới 20%. Tính đến ngày 21/5, sản lượng còn lại trong các hồ thuỷ điện chỉ có 29 tỷ kWh, thấp hơn 1,7 tỷ kWh so với kế hoạch năm.

    Nguồn điện từ thuỷ điện suy giảm đòi hỏi phải huy động thêm điện từ các nguồn khác như nhiệt điện, điện khí… Tuy nhiên công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu vận hành, kết hợp sự cố kéo dài của một số tổ máy nhiệt điện gây thiếu hụt lượng lớn công suất nguồn điện.

    Đối với nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), tuy có công suất lắp đặt lớn nhưng với bản chất là tuỳ thuộc vào nắng gió nên công suất phát điện khả dụng không nhiều. Khả năng phát điện hiện nay chỉ đạt 5,6% so với công suất lắp đặt của các nhà máy.

    Tất cả những yếu tố trên cùng cộng hưởng làm cho công suất khả dụng nguồn của hệ thống điện nhiều thời điểm thấp hơn nhu cầu điện.

    Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào cao điểm mùa nắng nóng (tháng 5, 6, 7). Áp lực cung ứng điện đã, đang và sẽ tiếp tục đặt nặng lên các nhà máy nhiệt điện than, khí…

    “Chúng ta thường xuyên ở trong tình trạng hệ thống điện không còn dự phòng. Do vậy, để đảm bảo cung ứng điện, EVN đã phải huy động các nguồn điện, kể cả các nguồn chạy dầu đắt đỏ hay nhập khẩu điện”, ông Nhân nói.

    Việt Nam nhập khẩu điện từ Trung Quốc chủ yếu qua cửa khẩu Hà Giang và Lào Cai.  Tuy nhiên, bởi giới hạn về đường dây 220 kV, khả năng nâng công suất nhập khẩu điện từ Trung Quốc không thực hiện được. Do đó, tập đoàn đang phải nghiên cứu để nhập khẩu điện qua đường dây 500 kV.

    Theo báo Dân trí, trên thực tế, Việt Nam đã nhập khẩu điện của Lào và Trung Quốc trong nhiều năm qua, và đây cũng được xem là một biện pháp lâu dài trong đảm bảo cung ứng điện. Việc nhập khẩu điện cũng tạo ra những cơ hội để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả 2 nước.

    Bên cạnh việc nhập khẩu, để đảm bảo cung ứng điện, EVN cho biết đang làm việc với Tập đoàn TKV, Tổng công ty Đông Bắc, PVN để cung cấp than, khí, dầu cho vận hành các nhà máy điện. Doanh nghiệp cũng đang đàm phán với các chủ đầu tư các dự án điện gió, mặt trời đã đủ điều kiện để phát điện ngay lên lưới điện quốc gia.

    Đồng thời, EVN nỗ lực để bổ sung nguồn điện mới. Bao gồm đàm phán với các chủ đầu tư nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp, đến nay đã hoàn thiện 15 hợp đồng mua bán điện với tổng công suất 1.150MW với mức giá tạm bằng 50% khung giá.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-evn-tang-nhap-khau-dien-tu-trung-quoc-a576421.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan