Nắng nóng lo thiếu điện, Bộ Công Thương kêu gọi tiết kiệm
Trong những ngày qua, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn TP Hà Nội liên tục tăng cao. Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI), sản lượng tiêu thụ ngày bình quân tháng 5 (tình đến 18/5) là 68.172 triệu kWh, tăng xấp xỉ 10,7% so với tháng 4 (58.336 triệu kWh).
Công suất đỉnh (Pmax) được thiết lập lúc 22h ngày 18/5/2023 là 4.546 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay.
VietnamNet cho hay, theo EVN Hà Nội, đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện. Điều này dẫn tới những nguy cơ gây quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường. Đặc biệt, vào những thời điểm cao điểm, vẫn tiềm ẩn nguy cơ quá tải cục bộ gây mất điện.
Phát biểu tại toạ đàm "Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả - Giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng" ngày 20/5, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, hiện nay, diễn biến thị trường năng lượng thế giới rất phức tạp, giá năng lượng bị đẩy lên mức rất cao.
Vì thế, các giải pháp sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) đóng vai trò rất quan trọng.
Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, ngay từ đầu mùa khô 2023, Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo và chương trình hành động để thúc đẩy sử dụng năng lượng TK&HQ tại địa phương và các khách hàng sử dụng điện lớn.
Ông Vũ cho rằng, trong việc sử dụng năng lượng TK&HQ rất cần sự hưởng ứng từ phía doanh nghiệp và người dân.
Theo ông Vũ, Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính kiến nghị Thủ tướng ban hành chỉ thị tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 với các biện pháp triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn… để giúp cung ứng điện, giảm phát thải khí nhà kính hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, miền Bắc có biểu đồ phụ tải phức tạp hơn nhiều so với các miền khác, nên ngay từ đầu đặt ra bài toán đầu tư phát triển nguồn điện.
Thực tế, công suất đỉnh của miền Bắc tăng nhanh trong những năm qua, vì thế, năm 2023, thành phố đặt mục tiêu nâng cao tuyên truyền vận động tiết kiệm điện so với những năm trước đây.
Cụ thể, đạt mục tiêu tiết kiệm 1,7-2,2% tổng năng lượng tiêu thụ trên toàn địa bàn thành phố; phấn đấu đạt 65% doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm (theo danh sách công bố hàng năm) có cam kết giải pháp về tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện; 75% doanh nghiệp ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyển đổi dần sang công nghệ tiết kiệm điện.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, thay đổi thói quen của người dân và doanh nghiệp không thể trong “ngày một, ngày hai”. Do đó, ngành giáo dục cần sớm đưa vào môn “tiết kiệm năng lượng” ngay từ cấp 1, để tạo thành ý thức lâu dài trong mỗi người dân.
Còn phía doanh nghiệp, ông Thắng cho rằng, chúng ta là nước đang phát triển, các máy móc đầu tư từ trước phần lớn đã cũ kỹ, lạc hậu, tiêu thụ điện lớn, do đó, để họ thay đổi được là cả quá trình phức tạp và tốn kém. Bởi vậy, Nhà nước cần có cơ chế đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm hỗ trợ họ trong việc chuyển đổi.
Tàu của ngư dân bị tàu sắt tông chìm trên biển
Ngày 20/5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, cho biết trên Pháp luật TP.HCM, trên vùng biển huyện Núi Thành (Quảng Nam) vừa xảy ra vụ chìm tàu.
Thông tin ban đầu, khoảng 8 giờ 10 phút cùng ngày, tàu cá QNa-00881TS do ngư dân HTT (55 tuổi, ngụ xã Tam Quang, huyện Núi Thành) làm thuyền trưởng đang đánh bắt tại cách mũi An Hòa (huyện Núi Thành) khoảng 18 hải lý về phía đông thì bị một tàu sắt di chuyển về hướng bắc tông.
Cú tông khiến tàu QNa 00881TS tròng trành, có nguy cơ chìm, thuyền trưởng phát thông báo khẩn cấp.
Ngay sau đó, tàu QNa-01628TS đang hoạt động ở gần chạy đến cứu vớt và đưa ba thuyền viên tàu bị nạn lên tàu mình an toàn, còn tàu QNa-00881TS bị chìm xuống biển.
Được biết, tàu QNa-00881TS có công suất 33CV, xuất bến tại Trạm Kiểm soát biên phòng An Hòa (Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà) vào ngày 15/5, làm nghề câu, trên tàu có ba lao động.
1.200 trẻ em khó khăn ở TP.HCM được khám và điều trị bệnh miễn phí
Theo VOV, trong 2 ngày 20/5 và 21/5, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Thành đoàn TP.HCM cùng một số đơn vị, tổ chức khám bệnh cho 1.200 trẻ em bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, trẻ là con em của công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
1.200 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, con em công nhân, người lao động trên địa bàn huyện Bình Chánh được các bác sĩ của Bệnh viên Nhi đồng Thành phố khám bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Các em được khám tổng quát và khám từng chuyên khoa, đồng thời được đánh giá sức khỏe tâm lý. Trường hợp phát hiện bệnh, các em sẽ được tái khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố với chi phí điều trị và đi lại do các nhà tài trợ chi trả.
Ngay sau khi các bác sĩ thăm khám xong, các em còn được ban tổ chức chương trình tặng quà và suất ăn.
Đây là một hoạt động của chương trình “Yêu thương nâng bước” do Thành đoàn TP.HCM và tổ chức VinaCapital Foundation triển khai tại TP.HCM từ tháng 11/2021, nhằm chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ giáo dục miễn phí cho trẻ mồ côi hậu Covid-19, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Việt Hương (T/h)