Đấu thầu vàng miếng “ế đến 80%
Sáng 23/4, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC, sau 11 năm dừng hoạt động này. Có 11 đơn vị tham gia đấu thầu, gồm 7 ngân hàng là VPBank, HDBank, Techcombank, Eximbank, MSB, ACB, Sacombank và 4 doanh nghiệp gồm SJC, DOJI, PNJ, Phú Quý.
Ngân hàng Nhà nước cho biết có 2 đơn vị bỏ thầu với khối lượng trúng là 3.400 lượng, tức chiếm 20% so với quy mô 16.800 lượng chào thầu của Ngân hàng Nhà nước. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu, thấp nhất 81,32 triệu đồng.
Theo báo VTC News, nhận định về kết quả này, các chuyên gia cho rằng, 3.400 lượng vàng đấu thầu thành công chưa đủ để bình ổn thị trường vàng trong nước.
Theo chuyên gia Trần Duy Phương, nguồn cung đủ để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là phải khoảng 10.000 - 15.000 lượng vàng. “Thị trường vàng hiện nay chưa thỏa cơn khát. Sau đấu thầu, giá vàng trong nước có xu hướng tăng trong khi giá thế giới không thay đổi", ông nhận xét.
Trong phiên đấu thầu đầu tiên, nhu cầu mua của các doanh nghiệp không lớn. Sau 1 lần hủy vì không đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định, phiên đấu thầu đã được diễn ra nhưng cũng chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia.
Ông Phương cho rằng, NHNN cần tổ chức thêm 2-3 phiên đấu thầu nữa để bán được 10.000 - 15.000 lượng, mới đủ tác động đến thị trường vàng, giúp co hẹp sự chênh lệch của giá vàng trong nước và thế giới.
Tuy vậy, ông Phương nêu quan điểm đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để bình ổn giá. Thị trường vàng Việt Nam không chỉ có vàng miếng SJC mà còn nhiều loại vàng nguyên liệu khác. Việc đấu thầu chỉ giải quyết vấn đề ở vàng miếng SJC, còn vàng miếng, vàng nhẫn, vàng nữ trang…vẫn cần nguồn cung để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Do đó, NHNN cần xem xét, nghiên cứu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng bằng nhiều hình thức. Lúc đó, giá vàng trong nước mới tiến sát giá thế giới.
“NHNN cần tạo cơ chế cho các doanh nghiệp trong nước chủ động nhập khẩu vàng dưới sự giám sát của NHNN, có thể bằng cách sửa Nghị định 24”, ông tư vấn.
Vì sao ế vàng đấu thầu?
Theo nhận định của chuyên gia vàng Trần Duy Phương, nguyên nhân chính khiến phiên đấu thầu vàng đầu tiên chỉ đạt 3.400 lượng là do các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp mua vào theo nhu cầu đã bán ra trước đó.
“Ví dụ, tuần qua họ đã bán khoảng 1.000 lượng vàng thì họ tham gia đấu thầu để mua lại số vàng dựa vào số lượng đã bán ra trước đó. Ngoài ra, điều kiện đấu thầu hiện nay quy định rằng lượng đặt mua tối thiểu phải là 14 lô, tương đương 1.400 lượng đang khiến nhiều doanh nghiệp e dè vì nhu cầu của họ chưa đến mức này. Ví dụ họ mới bán ra khoảng 200 lượng mà phải mua vào 1.400 lượng là vượt quá nhu cầu", ông phân tích.
Theo ông, thời điểm hiện tại, khi giá vàng vẫn liên tục biến động khó lường, không có doanh nghiệp, tổ chức tín dụng nào muốn đầu cơ vào vàng miếng. Họ chỉ có nhu cầu mua vào một lượng vừa đủ với số vàng đã bán hoặc là dư đôi chút. “Chẳng hạn họ đang âm 1.000 lượng vàng thì họ sẽ mua vào khoảng 1.200 - 1.400 lượng. Nhưng họ chỉ âm khoảng 500 lượng mà bắt họ phải mua vào 1.400 lượng thì rất là khó".
Điều kiện đấu thầu này đã cản trở các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia đấu thầu, vì thế mà khối lượng vàng đấu thầu thành công không nhiều.
"Do đó, nếu NHNN sửa điều kiện, cho mua vàng ở mức chỉ 400 - 500 lượng chẳng hạn thì chắc chắn sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia hơn", ông nói.
Về phía các ngân hàng, doanh nghiệp, theo báo VnExpress, lãnh đạo TPBank cũng cho biết, không tham gia đấu thầu vàng lần này, bởi nhận thấy mức biên lợi nhuận không đủ hấp dẫn.
Thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh vàng cân đối đầu ra ở hai kênh, là bán trực tiếp cho người dân hoặc phân phối lại qua bán buôn cho các đơn vị khác. Tuy nhiên, lực cầu kim loại quý giai đoạn này, theo nhận định của nhiều chuyên gia, đang chững lại.
Cựu giám đốc kinh doanh vàng của một doanh nghiệp lớn chia sẻ sau giai đoạn giá thế giới và trong nước tăng kéo dài, người dân có xu hướng quan sát thay vì nhảy vào thị trường. Bên cạnh đó, lực mua vàng miếng SJC cũng giảm bớt so với trước do có sự dịch chuyển sang nhẫn trơn 24K.
Nhìn chung, mức giá Ngân hàng Nhà nước đưa ra không hấp dẫn trong bối cảnh thị trường thế giới đi xuống, cộng với việc không cân đối được đầu ra, khiến nhiều đơn vị quyết định không trả giá thầu.
Lý do nữa khiến vàng đấu thầu ế là áp lực đóng trạng thái vàng, tức chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng. Đây cũng là điểm khác biệt lần thầu này so với giai đoạn hơn một thập kỷ trước. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng lần đầu trùng với thời hạn chót (30/6/2013) các nhà băng phải tất toán trạng thái vàng.
"Sức ép phải chấm dứt huy động, cho vay bằng vàng khiến các ngân hàng tích cực tham gia đấu thầu. Nhưng hiện động lực này không còn", Trưởng phòng tư vấn một công ty chứng khoán nói.
Bên cạnh đó, bài toán kinh doanh cũng là yếu tố được các doanh nghiệp cân nhắc tham gia, hay trả giá thầu hay không. Bởi, giá vàng thế giới gần đây biến động mạnh, trong khi khối lượng tối thiểu doanh nghiệp phải đặt mua tương đối lớn, 1.400 lượng. "Nếu tính tới bài toán lợi nhuận kinh doanh và rủi ro, phản ứng dè dặt của các thành viên tham gia cũng là điều dễ hiểu", người này nói thêm.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước gần như không có rủi ro nào khi đấu thầu vàng miếng. Nhà điều hành có đủ công cụ trong tay, từ độc quyền nhập khẩu tới cân đối trạng thái tài khoản vàng. Công cụ cuối cùng cơ quan quản lý có thể đưa ra là hủy thầu nếu không mua được đủ vàng từ đối tác quốc tế như giá dự kiến. "Do đó, Ngân hàng Nhà nước luôn nắm đằng chuôi", một chuyên gia chia sẻ. Năm 2013, cơ quan quản lý từng lãi hơn 6.000 tỷ đồng sau 57 phiên đấu thầu tổ chức từ ngày 28/3 đến 30/8.