Những bất thường trong công tác đấu thầu do công ty Hà Anh tổ chức cần phải được làm rõ khi xuất hiện các dấu hiệu không thực hiện đúng Luật Đấu thầu 2013.
Tiết kiệm siêu thấp từ các gói thầu tiền tỷ
Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư thực hiện một loạt các gói thầu nhằm mục đích mở rộng và tăng hiệu quả kinh doanh, trong đó chủ yếu là các gói thầu mua sắm. Do đặc thù ngành nghề kinh doanh nên doanh nghiệp này chủ yếu thực hiện các gói thầu mua sắm xe ô tô.
Theo thống kê, từ năm 2018 đến những tháng đầu năm 2020, công ty Hà Anh thực hiện 5 gói thầu mua sắm với tổng giá trị là 4.321.545.324 đồng. Sau đấu thầu, tiết kiệm được khoảng 3 triệu đồng (đạt tỷ lệ 0,4%). Đây là mức tiết kiệm cực thấp cho ngân sách Nhà nước.
Theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, doanh nghiệp có thể bỏ thầu chính xác đến như vậy có thể do công tác xây dựng hồ sơ mời thầu đơn giản bởi cơ sở so sánh khá rộng và phổ quát. Nghiêm trọng hơn, là có sự thỏa thuận, thống nhất giữa các nhà thầu và chủ đầu tư để gian lận kết quả cho một nhà thầu thắng thầu. Việc này sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn cho ngân sách Nhà nước.
Ảnh minh họa |
Nhìn vào bảng tổng hợp các gói thầu nêu trên, hàng hóa mua sắm chủ yếu là xe ô tô và săm lốp thay thế dùng cho các xe này. Tuy nhiên, điểm bất hợp lý là xe ô tô thường là xe chuyên dùng, có tính yêu cầu kỹ thuật cao lại được tổ chức đấu thầu rộng rãi. Bên cạnh đó, mặt hàng săm lốp ô tô - một trong những mặt hàng phổ biến trên thị trường được hàng nghìn doanh nghiệp vận tải sử dụng lại được nhiều chủ đầu tư cho “đấu thầu hạn chế”.
Điển hình đầu năm 2020, có chủ đầu tư tổ chức hai gói thầu mua sắm lốp ô tô, trong đó, Gói thầu số 01: Mua sắm xe ô tô năm có giá trị 1.443.111.544 đồng thuộc về nhà thầu là Công ty TNHH Sản xuất thương mại và XNK Tiến Nguyên Anh (công ty Tiến Nguyên Anh). Gói thầu số 02: Mua sắm lốp ô tô năm 2020 có giá trị 1.456.786.876 đồng thuộc về nhà thầu là Công ty Hoàng Dung. Tất cả đều thông qua hình thức “đấu thầu hạn chế”.
Bất thường trong việc đấu thầu hạn chế
Về quy định trong đấu thầu hạn chế, Luật sư Mai Quốc Việt, Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư Thành phố Đà Nắng) phân tích: “Điều 21 Luật Đấu thầu 2013quy định về đấu thầu hạn chế như sau: Đấu thầu hạn chế được áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu”.
“Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 4, Điều 5 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT về kế hoạch lựa chọn nhà thầu có quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu, theo đó một lần nữa khẳng định “Đấu thầu hạn chế được áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu”. Mặt khác, nghiêm cấm hành vi áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật Đấu thầu 2013”, luật sư Việt cho hay.
Trở lại việc công ty Hà Anh tổ chức “đấu thầu hạn chế” gói thầu mua sắm lốp ô tô, vấn đề đặt ra là săm lốp ô tô có phải nằm trong diện mặt hàng có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng được?
Theo khảo sát của PV, tại các bãi xe, lốp ô tô sử dụng trên các xe chuyên dụng chủ yếu gồm hai loại thông số là lốp 10.00R20 và 12R22.5. “Với hai loại thông số lốp này, nếu không có yêu cầu đặc biệt đặt nhà máy sản xuất riêng thì hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh lốp ô tô đều có thể đáp ứng” – đại diện một công ty chuyên cung cấp lốp xe tải cho biết.
Ngoài ra, các xe ô tô của công ty Hà Anh còn sử dụng lốp của nhiều thương hiệu như: Casumina, Brigestone và nhiều nhất là của hãng Annaite (Trung Quốc) - một trong những loại lốp giá rẻ hơn nhiều so với các hãng cùng chủng loại, thông số trên thị trường.
Như vậy, công ty này có đang đánh tráo khái niệm từ một mặt hàng “rộng rãi, phổ biến trên thị trường” trở thành mặt hàng có “yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù” để tổ chức đầu thầu hạn chế nhằm đưa nhà thầu “ruột” vào đấu thầu?
Trao đổi với PV, ông Hoàng – Trưởng phòng Kinh doanh của công ty Hà Anh cho hay: “Do trước đây công ty đã gặp phải trường hợp nhà cung cấp đưa hàng giả vào nên việc tổ chức đấu thầu lần này, phía công ty cần phải lựa chọn một nhà thầu uy tín. Đó chính là lý do tổ chức đấu thầu hạn chế”.
Được biết, năm 2019, Xí nghiệp Dịch vụ Cảng và Cung ứng vật Tư Thiết Bị - Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro cũng tổ chức đấu thầu mua sắm săm lốp ô tô. Trong đó, nhiều loại lốp xe có thông số tương tự như công ty Hà Anh mua sắm nhưng vẫn tổ chức “đấu thầu rộng rãi” để tạo mục đích cạnh tranh lành mạnh, tiết kiệm nguồn ngân sách thông qua việc lựa chọn nhà thầu uy tín và cung cấp hàng hóa có mức giá cả cạnh tranh nhất.
Chính vì vậy, việc hầu hết các gói thầu mua sắm lốp ô tô tại công ty Hà Anh đều thông qua hình thức “đấu thầu hạn chế” là một dấu hỏi lớn cần lời giải đáp.
Nhà thầu không đủ điều kiện dự thầu vẫn trúng thầu
Theo tìm hiểu, hai công ty trúng các gói thầu mua sắm lốp ô tô do công ty này tổ chức đều chưa đóng phí duy trì trên mạng đấu thầu Quốc gia.
Cụ thể, công ty Tiến Nguyên Anh, tài khoản doanh nghiệp này hết hiệu lực từ 31/03/2020, nghĩa là sau thời điểm này, nếu không đóng các khoản chi phí thì nhà thầu này không đủ tư cách để tham gia đấu thầu. Tương tự, công ty Hoàng Dung chưa đóng phí duy trì trên mạng đấu thầu Quốc gia từ ngày 31/03, tài khoản đã hết hiệu lực.
Về điểm này, Luật sư Việt cho biết: Theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 21 Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT có quy định về Trách nhiệm của nhà thầu, nhà đầu tư như sau:
“ Nhà thầu, nhà đầu tư phải đăng ký tham gia Hệ thống và được phê duyệt theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này trước khi xét duyệt trúng thầu để bảo đảm tư cách hợp lệ theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu thầu. Trường hợp trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu phát hiện nhà thầu, nhà đầu tư chưa đăng ký tham gia Hệ thống thì bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu, nhà đầu tư hoàn thành việc đăng ký theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này.
Đối với gói thầu tổ chức đấu thầu qua mạng, trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư đã có tên trên Hệ thống nhưng chưa thanh toán chi phí theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 của Thông tư này, Trung tâm có trách nhiệm gửi thư điện tử (e-mail) yêu cầu thanh toán. Sau thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thư điện tử của Trung tâm, nhà thầu, nhà đầu tư vẫn không thanh toán thì Hệ thống hiển thị thông báo về việc tạm ngừng tham gia Hệ thống của nhà thầu, nhà đầu tư. Trong trường hợp này, nhà thầu, nhà đầu tư được xem là không bảo đảm tư cách hợp lệ theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 5 của Luật đấu thầu, Mục 5 Chương I các Mẫu hồ sơ mời thầu ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT , đồng thời nhà thầu, nhà đầu tư không thực hiện được các giao dịch liên quan trên Hệ thống”.
“Như vậy, khi thực hiện việc đấu thầu qua mạng, thì nhà thầu tham dự phải đăng ký tham gia trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đóng các loại chi phí như duy trì tên, hồ sơ năng lực; phí hồ sơ tham gia dự thầu. Nếu nhà thầu không thanh toán các chi phí để tham gia trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thì nhà thầu được xem là không đảm bảo tư cách hợp lệ để tham gia dự thầu theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 5 Luật Đấu thầu 2013”, vị luật sư này nhận định.
Dựa vào quy định nêu trên, việc công ty Hoàng Dung và công ty Tiến Nguyễn Anh chưa thực hiện nghĩa vụ về tài chính, đóng các khoản phí trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia mà công ty Hà Anh vẫn “ưu ái” cho 2 doanh nghiệp này trúng thầu cho thấy dấu hiệu không đúng Luật Đấu thầu 2013.
Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin…
Lê Tuấn – Duy Trung