Theo báo Nhân dân, dư luận đang xôn xao trước việc bức tường gạch mộc ở chùa Kim Liên (phường Quảng An, quận Tây Hồ) bị đập đi xây mới hoàn toàn mà không được sự đồng ý của cơ quan chức năng.
Tại hiện trường vụ vi phạm, việc xây dựng vẫn chưa được hoàn tất. Phần tường cạnh cổng chính chùa Kim Liên đã xây dựng xong, nhưng phần trang trí “diềm mái” của bức tường mới hoàn thành ở nửa bên phải cổng, nửa bên trái vẫn đang dang dở. Ngoài ra, chiếc cổng phụ cũng đã bị tháo dỡ hoàn toàn, thay bằng cổng gỗ mới, cao to hơn.
Sư Thích Đàm Thành, trụ trì chùa Kim Liên cho biết, nhận thấy tường bao đã xuống cấp, sợ bị đổ nên nhà chùa đã thuê thợ đập tường cũ đi và xây tường mới để bảo đảm an toàn.
Trước sự việc này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đề nghị UBND quận Tây Hồ phối hợp các cơ quan kiểm tra, xem xét giải quyết, báo cáo tìm hướng giải quyết với những vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Liên quan đến vụ việc, theo báo Dân Trí, sáng ngày 24/9, một lãnh đạo UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, cơ quan chức năng trên địa bàn đã tiến hành lập biên bản về việc nhà chùa xây lại tường rào ở di tích quốc gia chùa Kim Liên khi chưa có sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Theo lãnh đạo UBND quận Tây Hồ, trước đó, chính quyền sở tại đã hướng dẫn nhà chùa lập hồ sơ gửi các cơ quan chức năng để đề nghị sửa chữa, tu bổ. Tuy nhiên, khi chưa kịp hoàn thiện hồ sơ, nhà chùa đã tiến hành thi công với lý do đang trong mùa mưa bão, bức tường đã xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn.
"Quận sẽ tiếp tục làm việc với các bên có liên quan và yêu cầu nhà chùa phải khôi phục nguyên trạng lại bức tường bao ở chùa Kim Liên. Trụ trì chùa Kim Liên lý giải vì lo ngại bức tường bao có nguy cơ đổ sập trong bối cảnh nhiều người dân tìm đến chụp ảnh nên đã thuê thợ đập, xây tường mới dù hồ sơ đang đợi sự chấp thuận của cơ quan chức năng" - vị lãnh đạo này cho hay.
Chùa Kim Liên là nơi thờ tự và tưởng niệm nàng công chúa Từ Hoa đoan trang, đức độ, người có công giúp dân chăn tằm dệt lụa thời Lý Thần Tông (1128 - 1138). Ngôi chùa này là 1 trong 12 di tích đầu tiên trên cả nước được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia (năm 1962).
Hoàng Yên (T/h)