Sự gia tăng của các ca bệnh đậu mùa khỉ ở nhiều nước đã đặt câu hỏi về cách thức loại virus gây bệnh này, chủ yếu xuất hiện ở miền Trung và Tây châu Phi, lây lan. Được biết, khoảng 12 nước trên thế giới đã ghi nhận các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Các nhà khoa học nhận xét không cần quá lo ngại về việc này bởi khả năng lây lan virus đậu mùa khỉ ít hơn nhiều so với các loại bệnh truyền nhiễm khác như COVID-19. Ngoài ra, đậu mùa khỉ được đánh giá không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng bằng. Dù vậy, sự lây lan trở lại của căn bệnh này vẫn là một điều bất thường.
Bệnh đậu mùa khỉ lần đầu được ghi nhận từ những năm 1970. Thời điểm ấy, căn bệnh này chỉ lây lan ở miền Trung và Tây châu Phi khi một du khách bị lây nhiễm và mang virus trở về nhà. Nhưng những ca bệnh này không gây ra các đợt bùng phát dịch nghiêm trọng.
Trong một số trường hợp khác biệt, một người đã bị lây virus đậu mùa khỉ từ thú cưng nhập khẩu. Khi ấy, những loại động vật gặm nhấm như chuột được coi là trung gian truyền virus.
Tuy nhiên, hiện nay, số ca lây nhiễm đậu mùa khỉ đang được ghi nhận ở những quốc gia chưa từng có virus này và không liên quan tới những người đi du lịch hay động vật như trong quá khứ. Để trả lời câu hỏi về sự lây truyền bí ẩn của virus, một số giả thuyết đã được đưa ra.
Sự bảo vệ của vaccine phòng bệnh đậu mùa đang dần suy giảm
Trao đổi với Tạp chí Y khoa của Australia, Giáo sư Raina MacIntyre,người đứng đầu chương trình an toàn sinh học tại Viện Kirby, cho rằng "sự suy giảm khả năng miễn dịch của vaccine phòng bệnh đậu mùa có thể góp phần vào sự bùng phát ngày càng tăng của bệnh đậu mùa khỉ".
Bà chỉ ra: "Đã khoảng 40-50 năm trôi qua kể từ khi chiến dịch tiêm chủng hàng loạt được thực hiện".
Được biết, vaccine phòng bệnh đậu mùa đã đem đến lợi ích bảo vệ và ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm các loại virus gây bệnh đậu mùa, bao gồm cả bệnh đậu mùa khỉ. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS về các bệnh nhiệt đới vào tháng 2 cảnh báo các trường hợp mắc bệnh đậu mùa ở khỉ đang gia tăng cũng có thể do việc ngừng tiêm phòng bệnh đậu mùa trên diện rộng, sau khi WHO tuyên bố là đã diệt trừ virus này.
Ở một số quốc gia đang ghi nhận sự lây nhiễm đậu mùa khỉ, các chiến dịch tiêm phòng virus này chưa từng được thực hiện.
Virus đã lây nhiễm trong một thời gian
Các nhà dịch tễ học đã theo dõi sự gia tăng của bệnh đậu mùa khỉ từ trước khi WHO đưa ra cảnh báo về căn bệnh này vào tháng 5. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã kêu gọi toàn thế giới giám sát kỹ để phát hiện tốt hơn các trường hợp mắcđậu mùa ở khỉ trước khi các đợt bùng phát dịch xảy ra vào hiện tại.
Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 2 do Công ty Tư vấn và Nghiên cứu Y tế Pallas ở Hà Lan dẫn đầu, từ năm 2010 đến năm 2019, các ca đậu mùa khỉ đã tái xuất hiện ở Liberia và Sierra Leone sau 4 thập kỷ "vắng bóng". Ở Cộng hòa Trung Phi, virus này cũng trở lại sau 3 thập kỷ.
Liệu virus đã biến đổi?
Bệnh đậu mùa ở khỉ không dễ lây lan từ người sang người, theo đó, một nghiên cứu cho thấy chỉ 3% những người tiếp xúc gần với người bị bệnh đậu mùa khỉ bị nhiễm bệnh.
Nhưng sự gia tăng kỳ lạ của các ca bệnh đã khiến nhiều người cho rằng virus đậu mùa khỉ có thể đã đột biến, làm cho khả năng lây truyền từ người sang người cao hơn.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng vẫn cần thêm dữ liệu và phân tích trong phòng thí nghiệm để xác nhận điều này và hiện tại, đây chỉ mới là giả thuyết. Việc xác định trình tự của virus trong các phòng thí nghiệm được thực hiện và trong vài ngày tới sẽ có kết quả.
Mặc dù bệnh đậu mùa ở khỉ đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, nhưng đây vẫn được coi là một căn bệnh hiếm gặp, nghĩa là các nhà khoa học vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về virus này.
Minh Hạnh (Theo The Guardian)