+Aa-
    Zalo

    Vị Công Tôn Nữ cuối cùng nắm giữ bí quyết may gối trong hoàng tộc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mặc dù tuổi cao sức yếu, tuy nhiên với lòng yêu nghề mãnh liệt, hàng ngày, cụ Huệ vẫn miệt mài với công việc may gối trái dựa.

    Mặc dù tuổi cao sức yếu, tuy nhiên với lòng yêu nghề mãnh liệt, hàng ngày, cụ Huệ vẫn miệt mài với công việc may gối trái dựa. Một trong những loại gối đặc trưng mà thời xưa dòng dõi hoàng tộc mới được sử dụng.

    Bí quyết có một không hai

    Tìm về ngôi nhà nhỏ tại xóm 8, thôn Giáp Đông, xã Hương Toàn, TX.Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, chúng tôi may mắn gặp được cụ bà Công Tôn Nữ Trí Huệ (96 tuổi). Mặc dù, ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng trông cụ Huệ vẫn còn rất minh mẫn và lạc quan.

    Cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ là người duy nhất nắm trong tay bí quyết may gối trái dựa.

    Trò chuyện với chúng tôi, cụ Huệ mỉm cười tâm sự, cụ vốn là cháu nội của hoàng tử Miên Lâm, chắt nội của vua Minh Mạng. Thuở ấu thơ, cụ ở nhà phụ cha làm nghề thuốc Bắc, lớn lên vì là con cháu của hoàng tộc nên cụ được cho phép vào cung học may vá, thêu thùa như các Công Tôn Nữ khác. Chính vì vậy, sau một thời gian dài miệt mài học tập, cụ đã nắm được công thức làm ra những chiếc gối trái dựa, loại gối có thể gấp vào mở ra tùy ý người dùng mà vốn dĩ loại gối này chỉ dành cho tầng lớp hoàng tộc.

    Theo cụ Huệ, tuy nhiên, để có thể đạt đến độ thuần thục trong các khâu may gối trái dựa, đòi hỏi người thợ may phải kiên trì học hỏi trong một thời gian dài và phải thường xuyên rèn luyện nâng cao tay nghề nếu không sẽ rất khó để có thể làm ra một chiếc gối đẹp và đầy đủ các công đoạn.

    Cụ kể, trước đây, công việc may gối trái dựa được giao cho Bộ công đảm nhiệm. Để đảm bảo tính thẩm mỹ, phần may và thêu đều được phân công rõ ràng ra cho những người thợ chuyên nghiệp. Các công đoạn từ may vỏ, may ruột, nhồi bông, ráp gối, thêu mất một thời gian khá dài nhanh thì 4 ngày mà chậm thì có khi lên đến 7 ngày mới hoàn thành một chiếc gối đẹp.

    Để làm ra một chiếc gối trái dựa thì phải tuân theo quy ước trong hoàng tộc, đó là, may gối cho nhà vua thì phải đảm bảo đủ 5 lá, rồng 5 móng và chỉ duy nhất một màu đó là màu vàng. Còn đối với gối của hoàng thái hậu và các quan lại trong triều đình thì gối phải đủ 4 lá, rồng 4 móng, gối có màu xanh hoặc màu đỏ. Tùy theo màu sắc của những chiếc gối mà chọn những hoa văn trang trí phù hợp.

    “Ngày xưa gối trái dựa thường được vua, quan sử dụng để gối đầu, tựa lưng hay tì tay lúc ngồi nghỉ ngơi, đọc sách. Vì được sử dụng nhiều ở chốn hoàng cung, vương giả mà mọi người mới quen gọi với cái tên là gối cung đình”, cụ Huệ nói.

    Trải qua thời gian, với biết bao biến động, sau khi không còn theo hầu Đức Từ Cung hoàng Thái hậu nữa, cụ Huệ quay trở về làng Hương Cần sống cùng gia đình của người con trai. Mặc dù vậy, vì quá yêu nghề mà đến bây giờ dù đã 96 tuổi nhưng hàng ngày, cụ vẫn miệt mài may từng chiếc gối trái dựa.

    Nguyện vọng cao cả của Công Tôn Nữ

    Nhờ vào công dụng và sự bắt mắt của những hoa văn được thêu trên gối, mà sản phẩm gối trái dựa của bà Huệ đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Đã có không ít du khách khi đến Huế đều không quên mua một chiếc gối trái dựa cung đình mang về làm kỷ niệm.

    Ngoài ra, cũng có một số người tìm về nhà cụ để xin học nghề may gối trái dựa. Tuy nhiên, qua một thời gian ngắn vì không thể tiếp thu được tất cả các công đoạn may gối nên họ đành nản chí bỏ nữa chừng.

    Những chiếc gối trái dựa đã hoàn thành được cho vào tủ kính để chờ khách hàng đến nhận.

    “Hiện tại, mong muốn lớn nhất của tôi là tìm được một người để nối nghiệp, bảo tồn và phát huy được nghề làm gối trái dựa hoàng cung. Nếu không, rất có thể một ngày không xa cái nghề này sẽ bị thất truyền và làm mất đi một hình ảnh đặc trưng của Huế”, cụ Huệ tâm sự.

    Bà Lê Thị Liền, con dâu của cụ Huệ cho hay, mẹ chồng của bà là một người mẹ chồng rất tâm lý, thương yêu con cháu trong gia đình. Ngoài ra, mẹ chồng của bà còn rất chịu khó, chăm chỉ và miệt mài với công việc, số tiền thu được từ việc bán những chiếc gối trái dựa bà thường hỗ trợ cho gia đình để trang trải cuộc sống qua ngày.

    “Từ một người học trò bất đắc dĩ, tôi và con gái của mình ngày nay đã có thể may được chiếc gối trái dựa hoàn chỉnh. Nhưng theo đánh giá khắt khe của mẹ tôi thì con và cháu gái của bà mới được 8 điểm. Ban đầu, tôi không nghĩ mình sẽ làm nghề này, từ khi thấy mẹ làm nên xắn tay vô làm, nếu được hướng dẫn thì làm gối này không quá khó nhưng các công đoạn từ may vỏ, may ruột, nhồi bông, ráp gối đòi hỏi sự tỉ mỉ và rất công phu”, bà Liền chia sẻ.

    Được biết, trước đây, cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ từng may gối trái dựa và may áo cho bà Từ Cung, vua Bảo Đại. Sau khi, xem qua các sản phẩm, vợ chồng vua Bảo Đại đều cảm thấy rất ưng ý và khen ngợi tài năng của cụ Huệ.

    Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu Văn hóa Huế thông tin, cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ là con cháu của dòng dõi hoàng tộc, bởi vậy, bà cũng chính là người duy nhất còn sống nắm được bí quyết làm gối trái dựa. Những sản phẩm do cụ Trí Huệ làm ra đã góp phần giới thiệu và quảng bá nét đẹp cũng như nét đặc trưng của Huế đến với nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến Huế.

    “Để nghề may gối trái dựa của cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ ngày càng được phát triển và lưu giữ đến mai sau thì các cơ quan chức năng liên quan cần có những kế hoạch, biện pháp để bảo tồn, gìn giữ cũng khuyến khích người dân cùng tham gia học nghề này”, ông Xuân nhấn mạnh.

    CÔNG ĐỊNH

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Tháng số 6

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-cong-ton-nu-cuoi-cung-nam-giu-bi-quyet-may-goi-trong-hoang-toc-a311706.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan