+Aa-
    Zalo

    Vị bác sĩ tiên phong hướng bệnh nhân tới Vật lý trị liệu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bác sĩ Trần Văn Dần là người có công lớn trong việc hướng bệnh nhân tới Vật lý trị liệu và đạt được những thành công nhất định.

    Nhiều người vẫn đinh ninh, Việt Nam chưa thể điều trị bệnh bằng phương pháp Vật lý trị liệu mà phải mời chuyên gia, bác sĩ nước ngoài về. Tuy nhiên, trên thực tế, ở Việt Nam bước đầu đã đạt được những thành công nhất định. Người đầu tiên, có công lớn trong việc hướng bệnh nhân tới Vật lý trị liệu là bác sĩ Trần Văn Dần.

    Gặp bác sĩ Trần Văn Dần – Chủ tịch Hội vật lý trị liệu Việt Nam vào buổi chiều muộn, mặc dù ngoài giờ hành chính nhưng ông vẫn rất bận rộn vì còn nhiều bệnh nhân đang chờ. May mắn, được chứng kiến buổi làm việc của vị bác sĩ khi khám miễn phí cho trẻ em cần đến vật lý trị liệu, mới thấu hiểu phần nào nỗi đau của người bệnh, nỗi vất vả của các y bác sĩ.

    "Người dân lầm tưởng là bình thường"

    Bén duyên với nghề, ông Dần cười cho hay, vốn xuất thân từ một kỹ thuật viên vật lý trị liệu phục hồi chức năng chứng kiến nhiều cảnh bệnh nhân sau tai nạn hay sau chữa trị bệnh vẫn để lại di chứng nhưng không được chữa trị tận gốc để lại dị tật về sau, hay những đứa trẻ mới sinh ra đã bị dị tật nhưng không can thiệp kịp thời nên bị biến chứng nên ông đã chọn "sánh duyên" với Vật lý trị liệu từ đó.

    "Tôi có 20 năm gắn bó với nghề, từng ngày, từng giờ tiếp xúc với các bệnh nhân cần trị liệu phục hồi sau chấn thương, sau tai nạn, tai biến... chính vì thế tôi thấm thía những cơn đau đớn, nhiều lúc là nỗi tuyệt vọng, sự hối tiếc cùng ước vọng của mỗi bệnh nhân và gia đình người bệnh", bác sĩ Dần cho hay.

    Một mình thì không thể làm nên chuyện ông đã mời một số người có chuyên môn cùng nhau xây dựng nên một tổ chức, nhưng ngay từ bước đầu đã gặp những khó khăn nhất định.

    Bác sĩ Dần chia sẻ: "Trước khi thành lập được Hội tôi phải đi giải thích với bộ Y tế họ hiểu ngọn ngành vì Bộ hiểu nhầm về phương pháp này, tôi nghĩ người dân hiểu nhầm cũng là điều đương nhiên".

    Bác sĩ Trần Văn Dần tại lễ thành lập Hội Vật lý trị liệu Việt Nam năm 2019.

    Để vật lý trị liệu có được thành công như ngày hôm nay bác sĩ Trần Văn Dần đã bỏ không ít công sức, tâm huyết. Thành quả chính là hội Vật lý trị liệu Việt Nam ra đời vào hồi đầu năm 2019.

    "Ở Việt Nam để có người biết đến Vật lý trị liệu như những ngành khác rất ít, vì nhiều người lầm tưởng phương pháp này nằm trong Đông y, nhưng thực ra nó là Tây y và cần được công nhận là một ngành riêng biệt. Thực chất vật lý trị liệu đã được ứng dụng từ năm 1972. Chuyên ngành Vật lý trị liệu đã được đào tạo ở các trường y và tổ chức khám", ông Dần chia sẻ.

    Vật lý trị liệu có lịch sử từ lâu nhưng nó thực sự phát triển từ sau hai cuộc chiến tranh Thế giới thứ Nhất và thứ Hai khi có rất nhiều binh sĩ bị thương cần thiết phải được chăm sóc và phục hồi một cách toàn diện mà y học điều trị lúc đó không thể đáp ứng được. Họ đòi hỏi không chỉ chăm sóc để nâng cao sức khỏe mà còn vượt ra ngoài điều trị y tế.

    Thực tế nó đã tham gia vào cả bốn vai trò quan trọng trong y tế. Đó là: Dự phòng, chữa bệnh, phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe. Phương pháp can thiệp của vật lý trị liệu là các tác nhân vật lý không sử dụng thuốc, không gây ra biến chứng. Nhưng rất nhiều người lầm tưởng và không tin về phương pháp này.

    Bác sĩ Dần tâm sự, công việc của nghề y nói chung và ngành vật lý trị liệu nói riêng gặp rất nhiều áp lực, song với bản lĩnh, trí tuệ và một tấm lòng nhân văn, nhân ái, luôn yêu thương bệnh nhân hết mực, ông đã cùng đội ngũ vượt qua tất cả và đạt được những thành công nhất định bước đầu.

    Muốn phát triển vật lý trị liệu thành một ngành riêng

    Một điều mà ông Dần luôn đau đáu, đó là ngành vật lý trị liệu của Việt Nam mình chưa được quyết định những việc mình làm mà thường phải lấy một ngành khác chỉ định cho người làm vật lý trị liệu.

    "Làm theo như vậy chẳng khác nào thầy dạy môn Hóa học lại chỉ đạo thầy đạo thầy dạy môn Vật lý phải dạy học trò cái gì trong giờ dạy của mình. Điều này gây ra nhiều bất cập trong điều trị cho người bệnh", bác sĩ Dần bộc bạch.

    Bác sĩ Dần chia sẻ: "Có một ông luật sư bị đau lưng, vì bệnh nhân này đã được khám, bác sĩ đã kê đơn (bản chất là hóa dược trị liệu) và cũng đã được tư vấn đến gặp bác sĩ ngoại khoa (bản chất là "dao" trị liệu) và cả hai phương pháp này vị luật sư đều không muốn. Nhưng các nhà vật lý trị liệu không được phép tự khám và điều trị cho bệnh nhân mà phải thông qua một bác sĩ hóa (bác sĩ nội khoa phục hồi chức năng) hoặc bác sĩ đông y ra chỉ định cho người bệnh trị liệu bằng vật lý.

    Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân và chất lượng điều trong điều trị. Bởi vì, những người ra chỉ định vật lý lại không được đào tạo chuyên sâu về ngành vật lý trị liệu. Nhiều trường hợp, người ra chỉ định cho bệnh nhân chỉ học thêm từ 6-9 tháng nên khó có thể đưa ra những chỉ định điều trị hiệu quả cho mỗi bệnh nhân và bệnh lý khác nhau".

    Trên thế giới các nước như Mỹ, Thái Lan... các nhà vật lý trị liệu (phygical therapist) sẽ là người khám và đưa ra quyết định về các phương pháp vật lý trị liệu.

    "Ở Việt Nam, tôi cũng mong muốn điều này sớm đưa vào các văn bản chính thức của bộ Y tế và luật Y tế (luật Khám chữa bệnh)", ông Dần chia sẻ.

    Bác sĩ Dần cho biết thêm, bản thân ông cũng đang nghiên cứu và viết luật để đề xuất lên Bộ Y tế về luật khám chữa bệnh đối với phương pháp Vật lý trị liệu này. Việc thành lập Hội là góp sức cùng ngành y tế phổ biến rộng rãi trong nhân dân và kể cả những người trong ngành y biết rõ về vật lý trị liệu để người dân được tiếp cận và được hưởng những lợi ích của vật lý trị liệu mang lại. Vật lý trị liệu có thể thực hiện ngay tại tuyến xã, phường và quận huyện.

    Bây giờ chủ yếu ở Trung ương hoặc tỉnh, nhưng chưa phát triển do có ít nhân lực chuyên ngành nên hầu như lấy nhân lực từ đông y hoặc các chuyên khoa khác. Vì thế chưa phát huy được nhiều các hiệu quả điều trị và lợi ích cho sức khỏe mà vật lý trị liệu đem lại.

    Hết lòng vì bệnh nhân

    Việc hội Vật lý trị liệu Việt Nam ra đời chỉ là bước đầu giúp cho bệnh nhân biết đến phương pháp này sớm. Đồng thời, trở thành ngôi nhà chung của những cá nhân, tổ chức Việt Nam làm công tác nghiên cứu khoa học hay chuyên môn nghiệp vụ thuộc chuyên ngành vật lý trị liệu. Mặc dù vậy, điều bác sĩ Dần luôn trăn trở đó là còn có không ít người dân Việt Nam mình chưa có thói quen "phòng bệnh hơn trị bệnh".

    Bệnh nhân được bác sĩ Trần Văn Dần chăm chút như người nhà.

    "Theo quy luật "Sinh, lão, bệnh, tử", con người chúng ta không thể đoán trước được sự may rủi, tốt xấu và bệnh tật. Chính vì thế việc phòng bệnh nhằm mục đích ngăn ngừa, không để bệnh chứng xảy ra, hay chẩn đoán để sớm biết và tiêu diệt bệnh chứng vừa mới chớm nở từ đó có thể giúp con người duy trì, nâng cao sức khỏe, giảm thiểu những nguy hiểm, sự tàn phế và tình trạng sớm thiệt mạng đối với con người là điều mà tất cả chúng ta hoàn toàn làm được. Ý thức phòng chữa bệnh còn giúp mỗi người ý thức xây dựng lối sống lành mạnh cho bản thân, gia đình và xã hội", bác sĩ Dần chia sẻ thêm.

    Chị Hoàng Thị Linh (Đan Phượng, Hà Nội) có bé gái 16 ngày tuổi bị cong bàn chân từ khi mới sinh, gia đình đã tìm đến bác sĩ Dần, qua thăm khám ông đã đưa ra lời khuyên hữu ích lại không tốn kém. "Tôi rất vui vì con tôi không sao, cũng cảm ơn bác sĩ Dần vì đã giúp chúng tôi bớt lo lắng, an tâm rất nhiều", chị Linh vui mừng chia sẻ.

    Hoặc nhiều trẻ em đến thăm khám có nhiều triệu chứng như lệch đột sống lưng, cổ... do tư thế bào thai chật, nếu chỉ cần can thiệp ngay ở giai đoạn sơ sinh bằng vật lý trị liệu trẻ lớn lên sẽ không bị khuyết tật. Ở tuổi học đường, học sinh dễ bị vẹo cột sống do đeo balô quá nặng, ngồi bàn không phù hợp, nếu phát hiện sớm và áp dụng vật lý trị liệu sẽ giúp trẻ không bị gù, vẹo sau khi trưởng thành...

    Bác sĩ Dần còn cho biết thêm, vật lý trị liệu còn tham gia vào việc phòng ngừa xẹp phổi khi nằm quá lâu, cứng khớp sau mổ, đối với bệnh không thể chữa khỏi được bị suy giảm chức năng thì vật lý can thiệp giúp cho người bệnh lấy lại chức năng.

    Lê Liên

    Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 1

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-bac-si-tien-phong-huong-benh-nhan-toi-vat-ly-tri-lieu-a308434.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan