+Aa-
    Zalo

    Về Sóc Trăng, mục sở thị loài sâu lạ khiến dân khiếp sợ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời gian qua, nông dân ở một xã nghèo tại tỉnh Sóc Trăng xôn xao, bàn tán về loại sâu lạ xuất hiện phá hoại cây trồng. Loài sâu lạ được gắn với tin đồn thành nỗi...

    Thời gian qua, nông dân ở một xã nghèo tại tỉnh Sóc Trăng xôn xao, bàn tán về loại sâu lạ xuất hiện phá hoại cây trồng. Loài sâu lạ được gắn với tin đồn thành nỗi khiếp sợ của người dân. Chính quyền sở tại đã trấn an người dân, đồng thời lấy mẫu sâu lạ đem đến cơ quan chuyên môn để nhận dạng, phân loại và làm rõ thực hư…

    Sâu lạ không sợ thuốc

    “Tôi chưa từng thấy nạn sâu đáng sợ như thế. Nhà tôi trồng 5 ha tràm nhưng có đến hơn một nửa bị sâu lạ phá hoại hết. Trước đây, chúng tôi vẫn thường gặp nạn sâu tấn công cây trồng. Tuy nhiên, sâu ở thời điểm trước so với bây giờ không đáng kể. Hơn nữa, loại sâu mới xuất hiện này không sợ thuốc. Tôi có dùng thuốc trừ sâu để phun nhưng không hiệu quả. Chúng tôi trông chờ vào vườn cây nhưng tình hình sâu tấn công kiểu này thì không biết tương lai sẽ ra sao”, ông T.V.T. (ngụ xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ.

    Loại sâu lạ ở Sóc Trăng. Ảnh: Dân Việt

    Theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL vào ngày 5/7, sâu lạ tấn công cây trồng nghiêm trọng đang diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng. Hầu hết nông dân chưa ai xác định được loại sâu này tên gì và sinh ra từ đâu. Anh N.V.H. (ngụ xã Hưng Phú, tỉnh Sóc Trăng) lo lắng: “Tôi chưa từng thấy loại sâu này xuất hiện. Chúng băm nát lá khiến cây không thể phát triển. Một số cây non bị sâu tàn phá đã héo và chết. Nhiều người không dám đến vườn tràm của mình vì sợ. Tôi nghe họ “dọa” loại sâu này rất độc nên không dám tiếp cận”. Trước tình trạng sâu lạ hoành hành cây trồng, nông dân cảm thấy bất lực.

    Điều đáng nói là không biết từ đâu, người dân nơi đây rộ lên những hoang tin khiến nhiều người sợ sâu hơn cả... sợ ma quỷ. Từ đó, nhiều nông dân không dám ra vườn để chăm sóc cây như thường lệ. Trước tin đồn gây hoang mang dư luận sâu “dọa người”, một số người dân bản địa nghi vấn rất có thể tin đồn trên là ý đồ xấu của ai đó. Họ cho rằng, có thể có kẻ lợi dụng nạn sâu đang tấn công cây tràm để “dọa” người, nhằm mục đích xấu. Nếu nông dân sợ hãi không đến vườn, vườn tràm sẽ bị chặt trộm... “Theo tôi, tin đồn sâu “dọa người” chắc chắn do kẻ xấu tung tin. Tôi hy vọng, cơ quan chức năng sớm vào cuộc để người dân ổn định cuộc sống. Khi chưa xác định được loại sâu gì và tác hại của chúng ra sao thì chúng tôi vẫn chưa yên tâm sản xuất”, anh Đ.T.B., một nông dân trồng tràm Úc ở xã Hưng Phú, tỉnh Sóc Trăng nói.

     Giải mã nỗi sợ sâu lạ của người dân

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, trực thuộc sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, không có chuyện sâu lạ “dọa” người, phá nát vườn tràm Úc ở Sóc Trăng như lời đồn thổi. “Việc sâu phá hoại cây trồng vẫn luôn diễn ra và được xem là chuyện thường tình. Tôi khẳng định sâu không có khả năng để “dọa người”. Đây là thông tin không có cơ sở khoa học, gây hoang mang cho bà con nông dân”, ông Phước khẳng định.

    Ông Phước cho biết thêm, khoảng một tháng trở lại đây, một số diện tích trồng giống tràm Úc của nông dân ở xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng bị sâu tấn công. Để phòng trừ, nông dân đã mua thuốc bảo vệ thực vật về phun, hạn chế khả năng lây lan. Những trận mưa lớn cũng làm giảm mật độ số sâu hại đáng kể. “Qua kiểm tra, sâu xuất hiện trên lứa cây tràm non. Tình trạng này cũng từng xảy ra nhiều năm, nhưng chưa phát triển thành dịch hay gây hại đến cây trồng khác”, ông Phước nói. Về nguyên nhân sâu hại thường xuất hiện nhiều trên giống tràm Úc, ông Phước cho rằng, đây là cây trồng mới nên khả năng nhiễm sâu bệnh thường cao hơn.

    “Bước đầu có thể nhận dạng đây là sâu tạp, kích thước nhỏ. Để có cơ sở khoa học, chúng tôi đã lấy mẫu gửi trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam và trường đại học Cần Thơ để phân loại, xem đây là loại sâu gì, có tác nhân gây hại thành dịch hoặc bộc phát hay không”, đại diện chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng nhận định. Trong khi đó, theo một đại diện chính quyền xã Hưng Phú, sau khi nắm được tình hình sâu bệnh phá hoại cây trồng, chính quyền đã đến trực tiếp các vườn tràm để quan sát. Ông Đặng Minh Phương, Phó Chủ tịch xã Hưng Phú cho biết: “Nhận thấy loại sâu bệnh hiếm gặp, xã đã báo cáo lên cơ quan chức năng chuyên môn để tìm cách khắc phục hậu quả nhằm hỗ trợ nông dân. Việc dư luận đồn đoán sâu “dọa người” chỉ là tin đồn thất thiệt. Xã đã giải thích cho người dân hiểu và đến nay tâm lý mọi người đã ổn định. Chính quyền cũng khuyên bà con nông dân chờ đợi kết luận của cơ quan chuyên môn để có hướng xử lý tốt nhất nạn sâu phá hoại”.

    “Diện tích tràm ở xã hiện vào khoảng 700ha. Bà con trong xã phát triển cây tràm đã được hơn 20 năm. Trước đây, người dân chủ yếu trồng giống tràm ta, phải mất 5 - 6 năm mới được thu hoạch. Nhưng gần đây, nông dân đã phát triển được giống tràm Úc, chỉ cần hơn 3 năm là có thể bán cây lấy tiền. Loại sâu lạ ăn ngọn tràm chỉ mới xuất hiện nhưng diễn biến khá phức tạp. Sau khi nắm được thông tin, xã đã báo cáo với trạm Bảo vệ thực vật của huyện. Cán bộ cơ quan này đã xuống địa phương lấy mẫu về kiểm tra. Sau khi có kết quả và hướng xử lý, chúng tôi sẽ nhanh chóng phổ biến tới bà con nông dân”, ông Phương cho biết thêm.

    Liên quan đến vụ việc, theo ông Trần Trọng Kiêm, Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, diện tích cây tràm nước (tên khoa học Melaleuca cajuputi Powel - PV) của tỉnh vẫn an toàn, chưa bị sâu tấn công. “Diện tích giống tràm Úc được nông dân trồng rải rác trong đất nông nghiệp. Bước đầu chưa phát hiện loại sâu này gây hại cho cây tràm nước. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi để có biện pháp phòng ngừa an toàn”, ông Kiêm cho hay. Theo người dân địa phương, hiện chưa có loại thuốc nào có thể tiêu diệt được loại sâu mới. Nông dân đã phun nhiều loại thuốc khác nhau, sâu bị chết nhưng rồi lại tái sinh rất nhanh. Được biết, tràm là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế khá cao, với 1 công đất trồng tràm, khi bán cây sẽ thu về hơn 20 triệu đồng. Theo ghi nhận của PV, hiện không chỉ ở xã Hưng Phú mà các xã lân cận cũng đang bị sâu lạ tấn công.

    VÕ ĐOÀN

    Bài đăng lại báo giấy Đời sống & Pháp luật.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ve-soc-trang-muc-so-thi-loai-sau-la-khien-dan-khiep-so-a196159.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan