Sáng mồng 3, cả gia đình mới bắt đầu hành trình về quê ăn Tết. Khỏi phải nói, lũ trẻ nhà tôi vui mừng như thế nào khi về đến quê hương, về với ông bà nội và nô đùa cùng các em. Đúng thật là về quê mới thực sự thấy Tết!
Tết là khoảng thời gian để những người con đi xa trở về tụ họp, sum vầy với gia đình, cùng nhau tổng kết những việc đã làm được trong năm và ôn lại những kỷ niệm cũ.
Năm nay, do có công việc ở nội thành Hà Nội nên nhà tôi không về quê đón giao thừa như mọi năm. Nhưng với tôi, đón Tết ở thành phố không vui bằng Tết ở quê.
Đường phố trung tâm Hà Nội từ chiều 30 Tết đến hết ngày mồng 2 vắng vẻ, bình yên, khác xa với sự xô bồ, náo nhiệt hàng ngày. Ngồi nhâm nhi tách trà đầu xuân mà thấy nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ những cái Tết xưa.
Tôi nhớ lắm những cái Tết hồi còn nhỏ và khi chưa lập gia đình. Vẫn vui khi nhớ lại “thâm niên” rửa lá dong mỗi dịp cận Tết.
Quây quần gói bánh chưng ngày Tết (Ảnh minh họa, nguồn internt). |
Hồi đó, mỗi lần nhà gói bánh chưng là tôi lại được mẹ giao “nhiệm vụ” rửa lá. Rửa xong là phải xếp từng tàu ngay ngắn vào thành một xấp, rồi buộc dọc ôm vào thân cây chuối khoảng mấy tiếng đồng hồ cho ráo bớt nước, rồi tháo ra, lấy giẻ khô và sạch lau lại từng tàu.
Mẹ bảo, phải lau khô lá như vậy thì bánh mới không nhanh bị chua, để được lâu. Và, bao giờ gói bánh chưng, mẹ cũng làm thêm cho chị em tôi 1 cặp bánh nhỏ nhỏ, xinh xinh. Chúng tôi thích lắm!
Ngày đó, các hộ trong khu gia đình tôi ở thường góp nguyên liệu để nấu chung 1 nồi bánh chưng to, loại nồi mà đơn vị bộ đội vẫn hay dùng.
Vì thế, hôm nào luộc bánh thì đám trẻ trong xóm vui lắm, vì được tụ tập tha hồ chơi các trò dân gian mà không bị bắt đi ngủ sớm. Trời, vui lắm là vui!
Rồi, sáng 30 Tết, bố và em trai sẽ tập trung dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, còn tôi sẽ phụ mẹ làm cơm tất niên.
Đến chiều 30 bao giờ mẹ cũng nấu 1 nồi nước tắm lá hoa mùi và 1 nồi nước lá bưởi kèm ít lá xả để gội đầu.
Hương thơm của 2 thứ nước đó thật dễ chịu, cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên… Có lúc thầm mong, bao giờ được trở lại… Tết xưa!
Khoảng chục năm nay, từ ngày lấy chồng, tôi không được đón Giao thừa cùng bố mẹ đẻ. Có lẽ bố mẹ cũng mong lắm, trong thâm tâm tôi cũng mong được một lần nữa đón Giao thừa cùng gia đình – nơi mình sinh ra và lớn lên với bao kỷ niệm tuổi thơ.
Thế nhưng, “thuyền theo lái, gái theo chồng”, phụ nữ đã đi lấy chồng thì phải xác định theo chồng nên dù muốn cũng không thể khác. Đó là đạo lý mà mẹ dạy tôi cũng như bao bà mẹ khác dạy con trước khi bước chân về nhà chồng.
Vì bên nội, bên ngoại ở cách xa nhau nên thường thì khoảng 27 – 28 Tết là cả gia đình nhỏ của tôi về quê nội ăn Tết, khoảng chiều mồng 2 mới về bên ngoại ăn Tết cho đến hết kỳ nghỉ.
Tết Kỷ Hợi 2019, nhà tôi đón giao thừa ở nội đô, cả ngày mồng 1 cứ ra ra vào vào, nhìn đường phố thì vắng vẻ, muốn về quê thật sớm.
Sáng mồng 3, cả gia đình mới bắt đầu hành trình về bên nội ăn Tết. Khỏi phải nói, lũ trẻ nhà tôi vui mừng như thế nào khi về đến quê hương, về với ông bà nội và nô đùa cùng các em.
Đúng là… về quê mới thực sự thấy Tết!
Nguyễn Hường
Bài đăng trên ấn phẩm báo in số 11+12+13+14+ Số 3+4 (Chủ Nhật) + Số 3 (Tháng)