Người Mường sống định canh, định cư tại những thung lũng hẹp, gần những cánh rừng già, nơi có rất nhiều thú dữ. Vì thế, từ xa xưa, họ đã sáng chế ra một thứ vũ khí rất hiệu quả để bảo vệ mình. Đó là chiếc nỏ “thần kỳ”.
Ngón nghề độc đáo của người Mường
Xưa khi con người chưa biết làm súng kíp, súng hỏa mai thì nỏ là vũ khí của các tộc người. Nỏ dùng để tự vệ, đồng thời cũng là phương tiện để bắn hạ các loài vật phá hoại mùa màng. Ngoài ra, nỏ còn dùng để săn bắn thú rừng.
Đàn ông người Mường rất giàu kinh nghiệm làm nỏ, họ chế tạo ra các loại mũi tên bằng tre, nứa, bương, luồng (hóp) để bắn chim và các loại thú nhỏ như chuột, sóc... còn mũi tên tẩm thuốc độc thì dùng để bắt thú lớn. Hàng năm, cứ vào dịp thu hoạch lúa mùa, ngày lễ, tết ăn cơm mới, bà con tổ chức cúng tổ tiên và vui hội ca hát múa xòe vòng, đồng thời tổ chức thi bắn nỏ để chọn ra nhân tài của bản Mường.
Nhìn bề ngoài, chiếc nỏ rất đơn giản, nhưng để làm được một chiếc nỏ tốt lại là một câu chuyện dài. Từ việc chuẩn bị vật liệu đến gia công đều cần sự khéo léo và tỉ mỉ cao.
Nỏ của người Mường. |
Trò chuyện với PV báo ĐS&PL ông Hà Văn Phong (SN 1960, Tân Sơn, Phú Thọ), người được mệnh danh là “vua nỏ” cho hay: “Để làm được một chiếc nỏ không hề đơn giản. Không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ mà còn phải có bí quyết trong việc chọn nguyên liệu và chế tác”.
Cũng theo ông Phong, phần quan trọng nhất của nỏ là cánh nỏ. Cánh chính là trái tim của nỏ, là nơi hội tụ sức mạnh để khi kéo dây tạo ra lực bắn mũi tên vào mục tiêu. Muốn nỏ có tầm bắn xa, lực bắn mạnh thì việc chọn tre làm cánh là cực kỳ quan trọng. Vật liệu tốt nhất là luồng pạ ná, ít nhất cũng phải 10 năm.
“Người làm nỏ mang dao đi lên những quả đồi cao tìm bụi luồng mọc ở đỉnh. Chỉ có luồng mọc trên đỉnh đồi mới đủ độ săn và sức bật để làm cánh nỏ, còn luồng trồng những nơi đất thấp thì chỉ dùng làm nỏ lưu niệm mà thôi. Chọn cây luồng già lâu năm thân mốc hoa mọc ở giữa bụi rồi chặt lấy đoạn gốc có những đốt đều nhau đem về làm cánh”, “vua nỏ” cho hay.
“Vua nỏ” tiết lộ thêm, cánh nỏ thông thường có sải khoảng 1,2m tương ứng với đoạn tre dài khoảng 5 đến 6 đốt. Còn nếu kiếm được đoạn tre già lâu năm có thể làm được những cánh nỏ có sải lên đến 1,4m hoặc hơn. Tre lâu năm hội đủ những tiêu chuẩn như vậy thường rất hiếm, nhưng nếu có sẽ làm được cánh nỏ có lực bắn mạnh và tầm bắn xa. Cánh nỏ được để lên gác bếp hun khói cho khô tự nhiên, trong quá trình hun tuyệt đối không để bất cứ vật gì đè lên hay chèn ép, vì như thế cánh nỏ sẽ cong vênh.
Tiếp đến là phần thân nỏ. Thân nỏ được làm bằng gỗ và gỗ cây hồng bì là tốt nhất. Gỗ cây này rắn chắc, ít cong vênh, dai và không giòn, rất thích hợp làm thân nỏ. Cưa lấy đoạn không có mắt, thẳng thớ không sâu mọt để vài tháng cho gỗ khô kiệt tự nhiên rồi mới xẻ ra làm thân nỏ được. Thân nỏ chuẩn có độ dài bằng ba phần tư cánh nỏ. Sau khi đã chuẩn bị cánh và thân nỏ xong sẽ tiến hành khoét lỗ tra cánh nỏ vào thân. Người làm sẽ phải ngắm chỉnh nỏ cho cân, điều chỉnh độ nghiêng giữa cánh và thân sao cho hợp lý rồi tạo chỗ vào dây ở hai đầu cánh nỏ.
Một điều quan trọng khác đó chính là dây nỏ. Dây nỏ được làm từ cây gai, trước lấy sợi rồi nối lại cho đủ độ dài rồi đem se. Nhưng nếu chỉ như vậy thì chưa tạo cho dây đủ độ săn cần thiết. Để dây săn và bền hơn người ta phải căng dây rồi dùng lá thé (thé là một loại cây dại mọc rất nhiều ở miền núi) tuốt kỹ. Tuốt đi tuốt lại nhiều lần nhựa lá thé ngấm vào làm dây nỏ săn lại ngả màu đen sẫm.
Để làm nên sự chính xác của nỏ, cần phải có những mũi tên đạt “chuẩn”. Hóp già hoặc lành hanh chặt về để khô tự nhiên, chọn những đốt thẳng có độ dài vừa phải chẻ thành những thanh nhỏ làm phôi tên. Tên thường có độ dài bằng khoảng từ đầu thân nỏ đến rãnh lên dây. Vót tên cũng có những bí quyết riêng, tuỳ theo cách bắn của từng người mà có cách vót tên cho phù hợp. Thường thì thiết diện tên giống hình giọt nước, sau khi vót thân xong người vót sẽ vuốt nhẹ tay dọc thân tên kiểm tra độ nhẵn, độ đồng đều sau đó phải ngắm xem thân tên đã thẳng chưa. Nếu tên chưa thẳng thì dúi thân tên vào tro nóng trong bếp một lát rồi rút nhanh ra nắn cho thật thẳng thì thôi. Chỉnh thân tên xong người làm tiến hành vát đầu mũi tên. Đầu mũi tên vát xéo ba cạnh, có nơi vát nhọn có nơi vát tù.
Lá thé, cánh nỏ, sợi gai, dây nỏ mới se, dây nỏ sau khi tuốt lá thé, lá dứa dại và phôi tre vót tên. |
Theo những người có kinh nghiệm, muốn tên bay xa và chính xác cần phải làm cánh cho tên. Ra rừng cắt lá dứa dại về phơi khô, khi dùng đem ép phẳng, cắt vát hình thoi rồi lấy mũi dao tách nhẹ một khe gần cuối thân mũi tên, lựa đưa mảnh lá vào cho cân đối là xong. Các mũi tên vót xong phải thẳng nhẵn, cân đối và đồng đều về kích thước cùng trọng lượng của tên.
Có một điểm rất đặc biệt đối với những người thợ săn người Mường. Đó là mỗi lần bắn được một con thú bất kể nhỏ hay lớn, họ đều dùng máu và ít lông của con thú đó bôi lên cánh nỏ. Vì thế, những cây nỏ cổ hiện nay vẫn còn một lớp trông như lớp nhựa trộn với lông thú bám chặt vào nỏ. Với người Mường nỏ được coi như một vị thần đi theo để bảo vệ và nuôi sống cả gia đình nên họ thể hiện sự tôn kính đối với bề trên bằng cách mời cây nỏ thưởng thức đầu tiên.
Chỉ còn là huyền thoại
Xa xưa ở các bản của người Mường, từ cụ già râu tóc bạc phơ, đến những người trung niên, đàn ông, đàn bà đều giỏi bắn nỏ. Họ dựa vào nỏ để cải thiện đời sống, con cá dưới nước, con chim trên trời nếu họ muốn bắt thì cứ mang nỏ ra, lắp tên vào mà ngắm bắn. Nói không ngoa, họ bắt chim trời dễ như thò tay vào lồng, cá dưới suối bắt dễ như trong chậu. Nhưng ngày nay, việc sử dụng nỏ để săn bắt đã không còn phù hợp.
Cây nỏ mũi tên đã đi vào truyền thuyết dân gian và lịch sử dân tộc. Trong truyện cổ các dân tộc đã đề cao những tráng sĩ dũng mãnh khi bắn tên. Họ là những thiện xạ bắn bách phát, bách trúng, một mũi tên bắn trúng hai đích hoặc xuyên hai vật cản. “Một mũi tên bắn trúng nhiều đích” đã trở thành thành ngữ quen thuộc trong cuộc sống.
Câu chuyện nỏ thần là một khúc tráng ca vừa hào hùng vừa bi thương trong thời kỳ đầu dựng nước. Các mũi tên đồng đào được ở nhiều nơi đã chứng tỏ cha ông ta từng chế tác ra những cây cung, cây nỏ lợi hại đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi. Ngày nay, cây nỏ vẫn giữ nguyên giá trị văn hóa trong đời sống của đồng bào các dân tộc. Nhiều vận động viên bắn nỏ đã đạt được những thành tích rất đáng khâm phục trong các hội thi thể thao các dân tộc ở nhiều địa phương.