(ĐSPL) - Vừa bại liệt, lại mồ côi từ nhỏ nhưng chàng trai Bùi Văn Bình người dân tộc Mường (Thôn Yên, Kim Bôi, Hòa Bình), vẫn tự mở lớp dạy miễn phí cho trẻ em khiến nhiều người cảm động.
Lớp học miễn phí của chàng trai người Mường bị bại liệt. |
Số phận trớ trêu
Anh Bùi Văn Bình sinh ra trong gia đình nhà nông nghèo, năm Bình lên 6 tuổi thì bố ốm nặng và qua đời, mẹ anh đi thêm bước nữa bỏ mặc Bình và em gái bơ vơ giữa cuộc đời.
Thấy Bình và em gái chẳng còn biết nương tựa vào ai, thương tình nên bà con hàng xóm đã cùng nhau góp gạo, rau, muối, cháo nuôi nấng hai đứa trẻ “mồ côi” sống qua ngày. Thời gian cứ vậy trôi đi, hai anh em Bình sống lay lắt nương tựa vào nhau, mặc dù trong hoàn cảnh nghèo khó nhưng Bình vẫn cố gắng để xin đi học với mong muốn biết cái chữ.
Tâm nguyện của anh cũng dần dần thành hiện thực, Bình bắt đầu được đi học. Tuy nhiên số phận trớ trêu khi Bình học đến lớp 4 bỗng dưng bị ốm, sau đó liệt 2 chân, 2 tay cũng yếu đi.
Những đứa trẻ nông thôn ngây thơ hồn nhiên trong lớp học của thầy Bình. |
Do nhà nghèo không có tiền đến bệnh viện để chữa trị nên Bình đành phải chịu đựng bệnh tật mà không hề có một viên thuốc nào. Sống cùng bệnh tật nhưng khát khao đến trường của Bình vẫn rất lớn.
Nếu không thể tự đi Bình đã nhờ bạn học cõng, nếu hôm nào Bình không có ai cõng thì tự bản thân bò lê đôi chân đến trường, mặc cho hai chân sưng vù, đôi bàn tay chảy máu, phồng rát nhưng anh vẫn cố gắng chịu đựng.
Năm cuối cấp 3, đến ngày thứ 2 của kỳ thi tốt nghiệp PTTH Bình đột nhiên lại ốm nặng và không thể nào tới tham dự kỳ thi nữa. Cũng từ đây, Bình đành từ bỏ ước mơ cầm được tấm bằng cấp3 và được học tiếp lên ĐH giống như các bạn.
Xem video tham khảo:
Thầy giáo tật nguyền 22 năm dạy miễn phí
Tàn nhưng không phế
Quãng thời gian sau khi trượt thi cấp 3, Bình lủi thủi một mình ở trong nhà, bản thân cũng chẳng buồn gặp gỡ ai, thay vào đó anh chỉ muốn tìm đến cái chết cho “nhẹ thân”.
Nhưng một hôm có hai vợ chồng trong thôn không biết chữ đưa con đến nhà Bình nhờ anh dạy kèm cái chữ vì nhà quá nghèo nên không đủ tiền cho con đi học. Cứ như vậy, dần dần hai nhà, ba nhà... trong thôn có hoàn cảnh tương tự đã dẫn con mình đến nhờ “thầy Bình” dạy kèm.
Được dạy học sinh, có tiếng cười trong căn nhà vốn dĩ ảm đạm trở nên vui vẻ, Bình cũng vậy anh trở nên vui vẻ trở lại.
Tuy nhiên đến cuối năm 2009, một trận mưa bão lớn kéo, lốc xoáy cuốn cả căn nhà mái tranh của Bình. Thấy Bình không có chỗ trú thân, con em không còn có chỗ để học nên mọi người trong thôn Yên đã quyên góp tiền và dựng một ngôi nhà khoảng 15m2 giúp Bình.
“Tôi dạy kèm các em từ lớp 1 đến lớp 5 và chia ra làm 2 ca sáng, chiều (sáng từ 7h30 đến 10h (lớp 2, 3): Chiều 13h30-16h (lớp 1, 4, 5). Dạy chủ yếu Toán và Văn). Các em đến học đều là con của những cô chú trong thôn có hoàn cảnh nghèo khó giống tôi, cũng có một số em gia đình có điều kiện đến học.
Được dạy cái chữ cho các em, tôi thấy ấm lòng lắm, nỗi cô đơn của tôi được vơi đi phần nào. Sống được ngày nào tôi vẫn tiếp tục dạy cái chữ cho các em. Cũng mong rằng, tất cả các em sau này đều trưởng thành và sống thật có ích cho xã hội là tôi vui rồi”, anh Bình chia sẻ.
Mặc dù trời mưa nhưng các em vẫn đến lớp học. |
Còn cháu Bùi Phương Thùy Linh (học lớp 2) được thầy Bình dạy kèm chia sẻ: “Cháu đến học chỗ thầy Bình vui lắm. Nhờ có thầy Bình dạy thêm mà các bài tập mà cô giáo giao về nhà, cháu có thể tự làm được”.
Chị Bùi (người dân thôn Yên) cũng chia sẻ: “Gia đình tôi khó khăn nên không có điều kiện cho con đi học thêm. Từ ngày được thầy Bình dạy kèm tôi thấy cháu học rất khá. Tôi cảm ơn thầy Bình nhiều lắm, mong cho sức khỏe của thầy luôn tốt và luôn vui vẻ trong cuộc sống”.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Quang Vinh (Chủ tịch xã Kim Truy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) nói: “Chúng tôi rất khâm phục ý chí và nghị lực của anh Bình, một con người bị bại liệt nhưng vẫn cố gắng vượt lên số phận để giúp các cháu nhỏ trong thôn, xã đến học tập, biết cái chữ.
Cũng nhờ có anh Bình mà đa số các cháu học sinh trong xã đều có nhiều thành tích học tập rất khá. Chúng tôi vẫn cố gắng động viên, giúp đỡ anh Bình cả về tinh thần và vật chất để cuộc sống của anh thêm vui, ý nghĩa hơn”.
Được biết, những học sinh được “thầy Bình” dạy kèm đều đạt được các thành tích học tập ở nhà trường rất khá. Thậm chí có nhiều em đạt các danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến mấy năm liền. Còn riêng bản thân thầy Bình, mặc dù không được đào tạo qua nghiệp vụ sư phạm nhưng “thầy Bình” vẫn cố gắng tìm tòi và thu thập, nghiên cứu để đưa ra các phương pháp giảng dạy hay, dễ hiểu giúp các em học sinh tiếp thu một cách tốt nhất.
Hiện tại, hàng tháng một số gia đình trong thôn Yên nếu có điều kiện đều quyên góp cho thầy Bình một số tiền từ 50.000 nghìn đồng đến 80.000 nghìn đồng giúp thầy mua thêm chút “mắm, muối” cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó Bình được hưởng 360 nghìn đồng/tháng tiền trợ cấp xã hội.