(ĐS&PL) Mặc dù trải qua nhiều biến động về chính trị, kinh tế và xã hội, song đặc trưng cơ bản và những vấn đề nổi bật của nông thôn châu thổ sông Hồng trong nhiều thập kỷ vẫn còn in đậm cho đến ngày nay. Gần đây, nghiên cứu về nông nghiệp, nông thôn và nông dân đồng bằng sông Hồng đã thu hút được sự chú ý của giới nghiên cứu và các nhà quản lý. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết "Nông dân đồng bằng sông Hồng với xây dựng HTX Nông nghiệp: Phần 5: Về mô hình mở đường cho kinh tế hợp tác phù hợp với trình độ của kinh tế hộ nông dân" của TS. Lê Thành Ý và ThS. Vương Xuân Nguyên.
Phù hợp với đặc điểm và sự phát triển của các hộ nông dân, trong thực thi Luật HTX 2012, ở châu thổ sông Hồng đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tập thể với cách làm sáng tạo, đa dạng, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM). Các mô hình tiêu biểu được thể hiện dưới dạng HTX chuyên ngành mang tính dẫn dắt, hỗ trợ kinh tế hộ thành viên phát triển; HTX đảm nhận nhiều khâu dịch vụ trong chuỗi giá trị hoặc tích tụ tập trung ruộng đất để ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi có hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Những cánh đồng lúa cho năng suất chất lượng cao |
Mô hình HTX dịch vụ tổng hợp nhiều khâu công việc trong chuỗi giá trị
Với đặc thù của vùng đất ít người đông, nơi có truyền thống thâm canh cây lúa và đã hình thành những HTX theo mô hình kinh tế tập thể làm chung, ăn chia theo công điểm tồn tại từ lâu. Trong thực thi Luật HTX 2012, với cách làm phổ biến là chuyển đổi chứ không giải thể HTX kiểu cũ, những HTX nông nghiệp tổ chức lại theo luật HTX 2012 đã trở thành các đơn vị kinh doanh dịch vụ, thực hiện nhiều khâu công việc phục vụ sản xuất của hộ nông dân. Đây là mô hình HTX phổ biến nhất hiện nay ở vùng ĐBSH.
Để chuyển đổi HTX kiểu cũ sang HTX làm dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, có 2 cách làm phổ biến đó là, giữ nguyên quy mô, chỉ tinh giản, kiện toàn bộ máy lãnh đạo và đội ngũ lao động chuyên môn làm việc thường xuyên; hình thức thứ hai là giải thể HTX kiểu cũ, vận động người có tâm huyết cùng góp vốn để đăng ký thành lập HTX theo luật HTX ban hành năm 2012. Dưới đây là nét nổi bật của một số mô hình.
Về mô hình chuyển đổi của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Bình Định huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Phát triển từ 21 HTX bậc thấp, có quy mô thôn xóm, được thành lập vào cuối thập niên 1950. Qua nhiều thời kỳ sáp nhập, năm 1997 HTX Bình Định được hình thành ở quy mô xã và chuyển đổi theo Luật HTX năm 1996 lấy tên là HTX nông nghiệp xã Bình Định. HTX chuyển sang hoạt động theo Luật HTX ban hành năm 2012 từ tháng 01 năm 2016 với tên gọi HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Bình Định với số thành viên là 3.145 hộ gia đình. Theo chủ trương của tỉnh Thái Bình, khi chuyển đổi các HTX nông nghiệp theo Luật HTX 2012, toàn bộ vốn , quỹ, tài sản của HTX cũ không chia và chuyển sang HTX kiểu mới.
Với chức năng tổ chức các hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của các hộ thành viên, HTX đã tập trung vào 11 khâu dịch vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp bao gồm Thuỷ nông; Khoa học kỹ thuật; Bảo vệ thực vật; Cung ứng vật tư nông nghiệp,giống cây trồng; Sản xuất giá thể gieo mạ khay; Cung ứng thuốc thú y, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm; Tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Môi trường; Máy nông nghiệp; Tín dụng nội bộ; Quản lý và thu thuế chợ. Đáng chú ý trong hoạt động dịch vụ là HTX đã ưu tiên phát triển dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho thành viên thông qua hướng tích tụ ruộng đất (tiêu thụ hơn 1.000 tấn lúa giống, tích tụ 40 ha ruộng đất để sản xuất theo mô hình tưới tiêu tiết kiệm, giảm lượng khí nhà kính phát thải), nhở đó đã gia tăng giá trị thu nhập hàng năm cho các thành viên từ 2 tỷ đến 2,5 tỷ đồng.
Việc quy hoạch được vùng sản xuất theo tiêu chí cánh đồng mẫu lớn đã tạo thuận lợi để canh tác cùng một giống, gieo cấy và thu hoạch vào cùng thới điểm. giúp cho việc điều hành thuận lợi, rút ngắn được thời gian bơm nước, phòng trừ sâu bệnh, cơ giới hoá công việc đồng ruộng…Nhờ đó, đã giảm đáng kể chi phí và gia tăng giá trị thu nhập của các thành viên.
Là địa bàn ở xa trung tâm tỉnh, huyện; mặc dù thành viên HTX không có vốn góp cổ phần song, HTX Bình Định đã tận dụng được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân nhờ dịch vụ tín dụng nội bộ. HTX đã sử dụng nguồn vốn thành viên gửi và vốn luân chuyển trong kinh doanh cho thành viên vay để đầu tư vào phát triển, mở rộng ngành nghề có lợi thế của địa phương.
Với bộ máy quản lý tinh giản rút xuống chỉ còn 8 chức danh, nhưng do sản xuất của thành viên phát triển và kinh doanh dịch vụ đa dạng, doanh thu 7 tháng đầu năm 2019 của HTX đạt gần 4 tỷ đồng, trừ chi phí HTX có nguồn thu trên 320 triệu đồng.
Mô hình Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Đông Tiến, xã Hải Đông huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Khác với mô hình chuyển đổi của HTXsản xuất kinh doanh dịch vụ Bình Định, tỉnh Thái Bình, HTX Đông Tiến được thành lập sau Đại hội HTX nông nghiệp kiểu cũ kết thúc nhiệm kỳ, đã thống nhất và hoàn tất hồ sơ, thủ tục giải thể vào ngày 25 tháng 12 năm 2015.
Căn cứ vào Luật HTX ban hành năm 2012, một số cán bộ và thành viên tâm huyết với sản xuất nông nghiệp đã đăng ký góp vốn và xin thành lập HTX với số vốn ban đầu là 350 triệu đồng (người góp cao nhất 70 triệu và người thấp nhất là 5 triệu đồng). Ngày 15 tháng 01 năm 2016 HTX được thành lập mang tên HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Kinh doanh Tổng hợp (HTXDVNN&KDTH) Đông Tiến với đầy đủ quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tự hạch toán và tự chịu trách nhiệm.
Hệ thống trồng rau thủy canh tại Công ty cổ phần rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh. |
Thành viên tham gia HTX gồm 18 người chính thức góp vốn và trên 1.700 hộ gia đình trong địa bàn HTX hoạt động, có sử dụng dịch vụ của HTX. Thành viên chính thức góp vốn, chịu trách nhiệm bầu ra bộ máy quản lý bao gồm 3 người trong Hội đồng Quản tri, 1 trưởng ban Kiểm soát, 1 Kế toán và 1 Thủ quỹ kiêm kho. Ngoài Ban Quản lý, lao động thường xuyên của HTX gồm 16 người trong đội thuỷ nông chuyên trách; 06 nhân viên bán hàng dịch vụ (HTX DVNN&KDTH Đông Tiến 2019).
Hoạt động kinh doanh dịch vụ của HTX được quy định cụ thể bao gồm những dịch vụ bắt buộc; dịch vụ cung ứng giống lúa, sản xuất giống lúa và thuốc bảo vệ thực vật.
Đối với các dịch vụ bắt buộc. HTX được giao quản lý 10 kênh dẫn nước cấp 2 dài 11,9Km và 201 mương cấp 3 dài 49,9Km. HTX chịu trách nhiệm hợp đồng làm thuỷ nông dẫn nước,nạo vét thuỷ lợi, diệt chuột cho các hộ sản xuất. Định mức thu những dịch vụ này được xây dựng sau khi bàn bạc, được thành viên trong HTX đông thuận và xã thu thông qua trưởng thôn.
Dịch vụ sản xuất và cung ứng lúa giống. HTX phải thường xuyên tham quan,tìm hiểu những giống mới, có năng suất cao và chất lượng kháng chịu sâu tốt để phục vụ sản xuất; cam kết với các công ty cung cấp bảo hành chất lượng đến khu thu hoạch, đáp ứng ít nhất 90% nhu cầu sản xuất. Đối với liên kết sản xuất lúa giống, hợp đồng phảỉ hình thành được những cánh đồng mấu lớn cấy lúa giống và giá sản xuất lúa giống cao hơn 25% so với giá sản xuất lúa tiêu dùng thông thường.
Về cung ứng thuốc BVTV. Là loại hàng hoá đặc biệt, HTX phải đảm bảo hợp đồng mua bán sản phẩm chất lượng tốt, thân thiện với môi trường và đáp ứng được từ trên 80% nhu cầu.
Với cơ chế quản lý theo luật HTX 2012, HTX Đông Tiến đã góp phần ổn định giá cả trên địa bàn. Nông dân được tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật mới về giống lúa. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh HTX được tự chủ, không bị ràng buộc như trước đây.
Về mô hình HTX chuyên ngành hỗ trợ dẫn dắt kinh tế hộ thành viênphát triển sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường.
Là mô hình mang tính phổ biến sau mô hình HTX làm dịch vụ tổng hợp , những HTX mới thành lập có quy mô không lớn. khởi đầu thường chỉ có từ 7 đến vài chục thành viên. Thành viên tham gia HTX thường là những hộ có kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế khá để cùng phát triển một hay một số nhóm sản phẩm nông nghiệp.
Từ nhu cầu thị trường và mong muốn nâng cao thu nhập, nhiều trang trại và hộ nông dân đã cùng liên kết, hợp tác để tham gia vào chuỗi giá trị nông sản an toàn. Ở đây, HTX giữ vai trò là người tổ chức sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn và kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường, Nhờ chuyên môn hoá sâu và áp dụng công nghệ tiên tiến nên giá trị sản xuất kinh doanh của HTX đạt được khá cao, có thể từ hàng trăm triệu đến nhiều tỷ đồng.
Mô hình HTX sản xuất và thương mại thuỷ sản Xuyên Việt, xã Hồng Hưng huyện Gia Lộc, Tỉnh Hải Dương.
Trong những HTXdẫn dắt kinh tế hộ thành viên phát triển ở châu thổ sông Hồng, Hồng Hưng là một điển hình nổi bật. Với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất kinh doanh giống, chế phẩm sinh học, thuốc thủy sản và chất xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, HTX đã chủ động tạo vùng ương dưỡng giống thủy sản và nuôi cá thương phẩm, cung ứng đầu vào và kết nối đầu ra cho thành viên cũng như thành viên liên kết.
Mô hình nuôi cá sông trong ao của Hợp tác xã thuỷ sản Xuyên Việt (xã Hồng Hưng, Gia Lộc, Hải Dương) |
Nhằm giải quyết nhu cầu tiêu thụ, HTX không giới hạn tìm kiếm thị trường đầu ra chỉ trong tỉnh Hải Dương mà đã kết nối với nhiều tỉnh trong cả nước. Ngay khi hình thành, ban lãnh đạo HTX đã xác định, yếu tố quan trọng quyết định là nguồn nhân lực có trí tuệ. Thành viên tham gia HTX đều được đào tạo lại theo một hệ thống bài bản, nhằm nắm chắc quy trình sản xuất hiện đại. Xuất phát từ liên kết cùng nhau thay đổi tư duy làm ăn chuyên nghiệp sáng tạo hơn, Ban lãnh đạo HTX đã xây dựng được chuỗi giá trị sản phẩm từ giống, thức ăn đến thị trường tiêu thụ, giúp tăng giá trị sản phẩm của HTX.
Bước đi đầu tiên của HTX là tìm kiếm và liên kết được với 9 hộ nuôi cá trong vùng để thành lập HTX Sản xuất và Thương mại Thủy sản với diện tích ao nuôi 7 ha và tổng chi phí đầu tư trên 4 tỷ đồng. Từ hướng đi đúng dắn, đến nay HTX phát triển mở rộng với 28 thành viên sở hữu trên 106 ha diện tích ao nuôi; hàng năm có khả năng sản xuất và cung ứng ra thị trường hơn 1.000 tấn cá thương phẩm và trên 30 triệu con cá giống. Với tổng vốn điều lệ trên 9 tỷ đồng, hàng năm HTX đã tạo được doanh thu khoảng 20 tỷ đồng và thu nhập của người lao động đạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng/tháng (Lê Văn Việt 2019).
Mô hình HTX Cựu Chiến Binh Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Khác với Xuyên Việt, từ đặc điểm của vùng đất trũng Nam Định, với những trang trại còn nhỏ lẻ, phân tán, các cựu chiến binh ở xã Hiển Khánh lại có cách làm riêng, đi lên từ những trang trại gia đinh để phát huy vai trò của HTX nông nghiệp trong táí cơ cấu kinh tế-xã hội và xây dựng NTM.
Được thành lập vào tháng 10 năm 2014, HTX Cựu Chiến binh Vạn Xuân Trường có 21 thành viên là Hội viên Hội cựu Chiến binh, chủ hộ gia trại, trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã với số vốn góp theo Điều lệ là 150 triệu đồng.
Mục tiêu sản xuất kinh doanh vủa HTX nhằm vào sản xuất những sản phẩm sạch và an toàn để xây dựng thương hiệu có uy tín. Theo đó, thành viên HTX đã tập trung thực hiện các quy trình sản xuất sạch cho các sản phẩm chính là gà,trứng gà, lợn và gạo thảo dược. Nông sản làm ra có chất lượng cao, được chứng nhận an toàn, có tem truy xuát nguông gốc, đủ điều kiện tiêu thụ trên thị trường.
Từ vai trò giúp nông dân trong vùng, giảm thiểu rủi ro thị trường, phát triển bền vững kinh tế hộ nông dân và trang trại, HTX đã trở thành đầu mối tiêu thụ và là hạt nhân xây dựng thương hiệu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nông sản. Với tổng khối lượng sản phẩm hàng hoá hàng năm đạt trên 150 tấn thịt gà, 220 tấn thóc, từ 250 đến 270 tấn thịt lợn, hơn 2 triệu quả trứng gà, 5.000 lợn sữa và trên 20.000 con thỏ…, đến nay giá trị nông sản hàng hoá của các thành viên trong HTX đã đạt trên 20,6 tỷ đồng; một số thành viên có doanh thu từ 300 triệu tới 500 triệu đồng/năm. Riêng khu vực HTX, doanh thu kinh doanh đạt trên 3,1 tỷ đồng/năm và lợi nhuận sau thuế từ 120 đến 150 triệu đồng/năm ( Bộ NNPTNT 2019).
Mô hình HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
Thủ đô mở rộng trở thành vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn của châu thổ sông Hồng.Với dân số hiện có trên 8 triệu người, theo ước tính, mỗi tháng Hà Nội tiêu thụ khoảng 300.000 tấn lương thực thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản chất lượng cao; nhưng khả năng sản xuất của nông nghiệp thành phố mới chỉ đáp ứng được 30% về gạo và chừng 3% về thuỷ, hải sản.
Từ chủ trương kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm và ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp trong xây dựng HTX; xuất phát từ đặc điểm riêng của sản xuất nông nghiệp tại thôn Thượng Phúc xã Đồng Phú, một nhóm nông dân trồng lúa hữu cơ đã cùng nhau xây dựng HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú. Cuối tháng 9 năm 2017 HTX được thành lập với 89 hộ thành viên và 15 ha đất trồng lúa hữu cơ/vụ, đến niên vụ 2018-2019, số thành viên phát triển lên 103 và diện tích gieo trồng đã tăng lên 25 ha/vụ.
Mô hình gạo hữu cơ tại Chương Mỹ (Hà Nội) |
Khác với trồng lúa thông thường, lúa hữu cơ được sản xuất theo nhóm hộ trong các khu ruộng và các hộ nông dân tự giám sát lẫn nhau trong thực hiện quy trình sản xuất. Trên nền tảng lúa có chất lượng cao, với năng suất đạt trên 4,9 tấn/ha, gạo hữu cơ Đồng Phú đã được thị trường chấp nhận. Vụ lúa xuân 2019, HTX đã mở rộng gieo trồng trên diện tích 50 ha. Bằng cách làm mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thu nhập của sản xuất lúa hữu cơ đạt trên 185 triệu đồng/ha, cao hơn 2,1 lần so với phương thức sản xuất trứơc đây(Nguyễn Thị Nguyệt 2019)
Mô hình tích tụ đất đai, ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
HTX Nông nghiệp Đồng tâm 3 thuộc Xã Thường Thắng, Huyện Hiệp Hoà, Tỉnh Bắc Giang được thành lập ngày 05/01/2017 với ngành nghề đăng ký kinh doanh là rau màu và cây ăn quả là một trong những mô hình tiêu biểu
Từ một vùng đất cằn cỗi, quanh năm khô hạn, người dân sống thuần nông cùng cây lúa với năng suất và thu nhập rất thấp. Bằng cách huy động nông dân góp đất, lập kế hoạch và cùng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, HTX Đồng Tâm 3 đã đạt được nhiều kết quả, mở ra cơ hội mới trong sản xuất nông sản hàng hoá và nâng cao thu nhập.
HTX hiện có 14 ha đất ruộng tập trung với 52 thành viên là những hộ nông dân thuộc xóm 3 làng Đồng Tâm. Vốn điều lệ của HTX được quy đổi từ diện tích đất đai do thành viên cam kết đăng ký đóng góp vào sản xuất, trị giá 1,5 tỷ VNĐ. Vốn lưu động trong kinh doanh có khoảng 1,0 tỷ VNĐ.
Mô hình trông hoa lan hồ điệp cho giá trị cao gấp nhiều lần trồng lúa của huyện Đan Phượng (Hà Nội) |
Khác với những HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp trong vùng chỉ làm nhiệm vụ cung cấp vật tư, dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho hộ thành viên, ở Đồng Tâm 3, mọi hoạt động nông nghiệp đều được tổ chức tập trung do HTX thực hiện từ việc xây dựng kế hoạch , đầu tư đến tổ chức sản xuất, sơ chế biến, bảo quản và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Từ quỹ đất liền vùng,liền thửa, HTX đã dành 1,5 ha xây dựng nhà màng hiện đại, canh tác trên giá thể, trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa…Trong nhà màng, HTX đã canh tác những những loại nông sản sạch, an toàn với chất lượng cao như dưa vàng, rau xanh theo đặt hàng của đối tác trong nước và xuất khẩu. Bằng đầu tư Khoa học Công nghệ cao vào sản xuất, HTX đã đưa giá trị sản lượng bình quân 1 ha lên cao gấp từ 20 đến 30 lần so với trồng lúa trước đây. Phần diện tích còn lại 12,5 ha là những khu ruộng tập trung trong 2 xứ đồng, được chuyển đổi từ cấy lúa 2 vụ sang trồng rau màu theo quy trình canh tác hữu cơ vi sinh. Hầu hết sản phẩm rau màu mùa vụ đều được sản xuất theo đăt hàng của các doanh nghiệp và siêu thị của nhiều thành phố và các khu công nghiệp.
Kết quả hạch toán kinh doanh cho thấy, giá trị sản lượng dưa lưới trồng trên 1ha nhà màng trung bình hàng năm đạt trên 3,7 tỷ đồng với chi phí cả 3 vụ chừng 1, 5 tỷ đồng và lợi nhuận đạt được từ 1,0 đến 1,5 tỷ đồng/ha. Mô hình trồng dưa ứng dụng công nghệ cao đạt kết quả tốt đã mở ra hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, hiện đại và bền vững.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang rau màu hữu cơ và cây ăn trái đã giúp HTX và các hộ thành viên không ngững nâng cao thu nhập. Với những mô hình tạo công ăn việc làm thiết thực cho người lao động, thu nhập nông nghiệp của các hộ thành viên đã tăng từ 3 đến 5 lần so với trước ngày tham gia HTX.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang rau màu hữu cơ và cây ăn trái đã giúp HTX Đồng Tâm 3 và các hộ thành viên không ngững nâng cao thu nhập. Với những mô hình tạo công ăn việc làm thiết thực cho người cao tuổi và nhất là phụ nữ, thu nhập nông nghiệp của các hộ thành viên tham gia HTX đã tăng từ 3 đến 5 lần so với trước đây.
Thay cho lời kết
Trong quá trình đi lên của nền kinh tế, do nhu xã hội phát triển ngày càng cao, nông dân châu thổ sông Hồng không còn là những hộ sản xuất tự cung. tự cấp mà đã từng bước chuyển mạnh sang sản xuất nông sản hàng hoá. Kinh tế hộ nông dân đã dần phá vỡ vỏ bọc khép kín của mình để tạo ra nhiều nông sản hàng hoá trao đổi trên thị trường. Qua đó, thúc đẩy quá trình chuyên môn hoá, phân công lao động sản xuất, cũng như khai thác sử dụng đất đai với hiệu quả cao hơn.
Thích ứng với trình độ phát triển của lực lượng lao động nông thôn, mô hình kinh tế hợp tác và tổ chức HTX nông nghiệp ở châu thổ sông Hồng đã phát triển với nhiều loại hình phong phú. Những mô hình HTX đa dạng xuất hiện trong thực thi luật HTX năm 2012 mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, đã góp phần thiết thực vào đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dưng nông thôn mới.
Từ những vấn đề gợp ra, hy vọng được các cơ quan quản lý và giới nghiên cứu quan tâm xem xét, sớm tổng kết để có những căn cứ khoa học thúc đẩy mạnh kinh tế hợp tác và xây dựng HTX nông nghiệp phù hợp trong giai đoạn tới./.
TS. Lê Thành Ý - ThS. Vương Xuân Nguyên