(ĐS&PL) Mặc dù trải qua nhiều biến động về chính trị, kinh tế và xã hội, song đặc trưng cơ bản và những vấn đề nổi bật của nông thôn châu thổ sông Hồng trong nhiều thập kỷ vẫn còn in đậm cho đến ngày nay. Gần đây, nghiên cứu về nông nghiệp, nông thôn và nông dân đồng bằng sông Hồng đã thu hút được sự chú ý của giới nghiên cứu và các nhà quản lý. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết "Nông dân đồng bằng sông Hồng với xây dựng HTX Nông nghiệp: Phần 3: "Kinh tế hợp tác, bản chất của Hợp tác xã nông nghiệp và lợi ích mang lại" của TS. Lê Thành Ý và ThS. Vương Xuân Nguyên - Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Khi nghiên cứu về lịch sử kinh tế hợp tác, nhiều phân tích cho rằng. vào đầu thế kỷ XII, những hợp tác xã đầu tiên đã được hình thành trong lĩnh vực chế biến nông sản ở vùng núi phía Đông Nam nước Pháp. Tại đây, nông dân thường đưa bò và cừu lên núi ăn cỏ trong mùa hè và mùa đông lại đưa về đồng bằng. Do chưa có kho lạnh để bảo quản sữa nên họ phải hợp sức với nhau chế biến thành pho mát, chở về bán ở các chợ, rồi chia nhau kết quả theo lượng sữa mà mỗi người đóng góp. Hành động tập thể trong hợp tác ban đầu của người nông dân đã được ra đời như vậy (Đào Thế Tuấn 2002).
Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, Hợp tác xã (HTX) ban đầu hình thành ở nước Anh. Vào năm 1871, một số thợ dệt vải đã rủ nhau lập ra một hội “làm vải cho tốt” và “bán với giá trung bình cho hàng xóm”.
Thế kỷ 18-19, HTX phát triển mạnh ở Châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Nga, Đan mạch…). Nông dân ở các vùng khác nhau, tùy theo sản phẩm của mình như nho, hạt cốc, sữa, củ cải đường, rau quả,… đã cùng góp lại để chế biến và bán ra thị trường nhằm chống lại sự độc quyền của các nhà buôn. Có nơi, nông dân nghèo lại bắt đầu từ tín dụng hoặc cung ứng vật tư. Tuy cách làm ít nhiều có khác nhau, nhưng mục đích thì nước nào cũng giống nhau, đó là: "… làm cho những người vô sản giai cấp hoá ra anh em. Anh em thì làm giùm nhau, nhờ lẫn nhau. Bỏ hết thói tranh cạnh. Làm sao cho ai trồng cây thì được ăn trái, ai muốn ăn trái thì giùm vào trồng cây" (Nguyễn Ái Quốc 1927).
Ở Viêt Nam, Thuỷ tinh Dân chủ là HTX đầu tiên được thành lập vào tháng 3 năm 1948. Trên 7 thập kỷ đã qua, phong trào xây dựng HTX trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp đã để lại những dấu ấn rất đáng trân trọng.
Tháng 8 năm 1955, 6 HTX nông nghiệp đầu tiên đã được thí điểm xây dựng ở đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An. Đến đến cuối năm 1957, 42 HTX nông nghiệp, bình quân 20-30 xã viên/HTX ở quy mô thôn, xóm đã được xây dựng theo hình thức góp ruộng đất, tư liệu sản xuất “làm chung, ăn chung”, phân phối lợi ích theo công điểm. Hình thức kinh tế tập thể này tồn tại, phát triển mạnh trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước và kéo dài đến những năm sau này.
Vào năm 1986, trên địa bàn cả nước có 17.022 HTX nông nghiệp. Ở hầu hết các tỉnh vùng châu thổ sông Hồng, kinh tế HTX đã thay thế kinh tế hộ. Về cơ bản đã xoá bỏ tư hữu tư liệu sản xuất trong nông nghiệp, xã viên trở thành người lao động được HTX nông nghiệp điều động làm các công việc khác nhau, họ không chịu trách nhiệm sau cùng về sản phẩm.
Thời kỳ1986 -1996, là nhưng năm khó khăn nhất đối với các HTX, lạm phát cao khiến các HTX nông nghiệp không còn nguồn vốn; mặt khác, kinh tế tập thể phải hoạt động trong tình trạng không có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh (Trần Thanh Nam 2017).
Luật đất đai ra đời năm 1993 công nhận tư cách chủ thể của kinh tế hộ nông dân, Cùng với Luật này, Luật HTX năm 1996 đã thay đổi cơ bản vai trò của HTX. Theo đó, vị trí của HTX từ chỗ là đơn vị hạch toán của Nhà nước ở nông thôn đã chuyển sang là tổ chức kinh tế tập thể, có nhiệm vụ hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho xã viên. Với nội dung ban hành, lần đầu tiên những nguyên tắc như tự chủ, tự chịu trách nhiệm, quản lý dân chủ và bình đẳng được vận dụng trong Luật HTX ở Việt Nam,
Theo Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA)“Hợp tác xã là một hiệp hội độc lập gồm các cá nhân tự nguyện cùng tập hợp lại để đáp ứng những nguyện vọng và nhu cầu chung về kinh tế, xã hội và văn hóa thông qua một hoạt động kinh doanh dựa trên vốn chủ sở hữu tập thể và quyền lực được thực thi một cách dân chủ”(ICA, 1995)
Định nghĩa của ICA hàm chứa nhiều nội dung, theo đó, những chức năng nổi bật đó là:
(1) HTX là tổ chức do các thành viên cùng sở hữu, cùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ tạo ra. Nói cách khác HTX là tổ chức mà thành viên vừa là chủ sở hữu, vừa là người tham gia vào các hoạt động được triển khai thực hiện;
(2) Khác với nhiều tổ chức sản xuất kinh doanh, mục đích của HTX không phải là tối đa hoá lợi nhuận, mà là để đáp ứng tốt nhất nhu cầu và lợi ích của các thành viên.
Liên minh Hợp tác xã Thế giới đã đưa ra 07 nguyên tắc tổ chức HTX, đó là:
(i) Gia nhập tự nguyện, tất cả mọi đối tượng đều có thể tham gia;
(ii) Quyền lực được thành viên thực hiện dân chủ;
(iii) Thành viên HTX được bình đẳng tham gia vào các hoạt động kinh tế;
(iv) Đảm bảo tính tự chủ và độc lập;
(v) Được đào tạo, tập huấn và cung cấp thông tin;
(vi) Có sự hợp tác, liên kết giữa các HTX với nhau;
(vii) Thực hiện cam kết với cộng đồng.
Từ cách nhìn toàn cầu có thể hiểu, HTX là tổ chức do các thành viên cùng sở hữu, cùng sử dụng sản phẩm và dịch vụ tạo ra. Thành viên HTX vừa là người sở hữu, vừa là người quản lý theo nguyên tắc dân chủ và cũng là người sử dụng dịch vụ của HTX. Đặc tính này đã làm nổi bật sự khác biệt về bản chất so với doanh nghiệp cổ phần. Ở các công ty cổ phần, cổ đông liên kết vốn với mục đích tối đa hóa lợi nhuận và họ không nhất thiết phải giao dịch mua, bán với công ty mà mình mua cổ phần. Trong cuốn Đường Cách mệnh, Chủ tịch hồ Chí Minh từng chỉ ra “Hợp tác xã khác hội buôn, vì hội buôn lợi riêng, hợp tác xã lợi chung. Hợp tác xã tuy là để giúp đỡ nhau, nhưng không giống với các hội từ thiện”(Nguyễn Ái Quốc 1927)
Là người Việt Nam đầu tiên vận dụng tư tưởng kinh tế hợp tác trên thế giới để kêu gọi nông dân tham gia xây dựng mô hình kinh tế tập thể, ngay sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tháng 4 năm 1946, trong thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi “…. chúng ta hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên hợp tác xã nông nghiệp ở khắp nơi;từ làng mạc cho đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có hợp tác xã”.
Người nhấn mạnh “…Hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều. Vì vậy: Hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức có lợi to cho nhà nông. Hợp tác xã nông nghiệp là cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng. Hợp tác xã nông nghiệp giúp nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân”.
Kể từ khi ban hành Luật năm 1996, HTX ở nước ta đã hoạt đông theo khung khổ Luật pháp. Năm 2003, Luật này được bổ sung, sửa đổi, Đến ngày 20 tháng 11 năm 2012 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá 13 đã ban hành Luật HTX mang số 23/2012/QH 13.
Luật HTX 2012 làm rõ hơn bản chất, tổ chức quản lý của hợp tác xã và liên hiệp các hợp tác xã; quyền, nghĩa vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thành viên của những tổ chức này. Tiếp thu những quy định pháp luật mang tính cơ bản, ổn định lâu dài được quy định tại Nghị định 177/2004/NĐ-CP ngày 12/10/2004 và Nghị định 87/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005, Luật ban hành đã nhằm vào bảo đảm tính toàn diện, đồng thời hạn chế tối đa việc ban hành văn bản dưới Luật, tạo thuận lợi hơn cho việc thành lập hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư 2015).
Điều 3 khoản 1 của Luật HTX 2012 quy định “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã” (Quốc hội 2012).
Mục tiêu của Hợp tác xã là mang lại lợi ích cho thành viên; phân phối của hợp tác xã chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ và công sức lao động của thành viên, phần còn lại chia theo vốn góp. Từ bản chất phục vụ thành viên, Luật hợp tác xã năm 2012 đã bãi bỏ quy định “hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp” của Luật hợp tác xã năm 2003.
Luật pháp Việt Nam công nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, thực tế này đòi hỏi hoạt động của HTX cấn được tổ chức phù hợp với trình độ phát triển của kinh tế hộ nông dân. Về nguyên tắc, HTX chỉ làm những việc mà hộ nông dân không làm được riêng lẻ hoặc làm được nhưng kém hiệu quả.
Trong hoạt động nông nghiệp khó có thể tách rời công việc của hộ nông dân và HTX. Theo nhiều phân tích, có thể coi hoạt động củaHTX nông nghiệp là hình thức bổ sung cho các hộ nông dân tự chủ. HTX phục vụ cho kinh tế hộ nông dân, nếu không có hộ nông dân thì tổ chức HTX nông nghiệp cũng không còn ý nghĩa.
Từ nhận thức thống nhất về bản chất của HTX, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhấn mạnh:“Vai trò của HTX kiểu mới, không làm triệt tiêu vai trò của kinh tế hộ mà gia tăng hơn lợi ích cho hộ gia đình. Nếu Nhà nước bỏ mặc HTX tự phát triển là sai lầm. Phải tạo điều kiện để HTX phát triển theo thị trường và gia tăng sự trợ giúp của doanh nghiệp vì chính lợi ích của doanh nghiệp. Động cơ của HTX là lợi ích, liên kết thay vì hoạt động cá thể” (Vương Đình Huệ 2019).
Với bản chất của tổ chức HTX, khi tham gia làm thành viên, hộ gia đình nông dân có thể nhận được những lợi thế về nhiều mặt.
Trước hết đó là về vật tư đầu vào của sản xuất: Khi cung ứng vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp như giống cây, con; phân bón, thức ăn gia súc; thuốc phòng trừ dịch bệnh,…. HTX có thể nhập được với khối lượng lớn nên giá vật tư luôn rẻ và có chất lượng cao hơn so với từng hộ mua riêng lẻ. Từ đó, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất cho mọi thành viên.
Để theo kịp tiến bộ KHKT sản xuất nông nghiệp, từng hộ cá thể khó có khả năng tiếp cận được với các khóa tập huấn. HTX thường là cầu nối giúp các chương trình khuyến nông, chuyển giao KHKT dễ dàng đến với nông dân. Mặt khác, các HTX nông nghiệp còn được các đơn vị cung ứng vật tư tập huấn theo định kỳ về tiến bộ KHKT, qua đó, có thể nâng cao trình độ sản xuất cho các hộ và nông dân là thành viên của HTX.
Đối với tiêu thụ sản phẩm Khi HTX đi vào hoạt động, việc tiêu thụ nông sản của các hộ sản xuất sẽ đạt hiệu quả cao hơn so với từng hộ bán riêng lẻ. Từng hộ nông dân khó có thể ký hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp cho doanh nghiệp do sản lượng quá nhỏ. Mặt khác, nhiều hộ cá thể khó có thể chứng minh được khối lượng sản phẩm đồng nhất với chất lượng đảm bảo. Thông qua các HTX nông nghiệp, doanh nghiệp dễ dàng thu mua được khối lượng nông sản lớn, đồng đều về chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng.
Lợi thế về quy hoạch sản xuất là vấn đề lớn,đảm báo được lợi ích lâu dài Do khả năng dự báo nhu cầu thị trường hạn chế nên hộ gia đình gặp khó khăn trong phát triển sản xuất, hiệu quả mang lại không cao. Thông qua việc xây dựng phương án, kế hoạch SXKD trước mắt và lâu dài, HTX có khả năng nắm bắt được nhu cầu thị trường, đảm bảo ổn định bao tiêu sản phẩm làm ra. Điều này từng hộ riêng lẻ khó có điều kiện tiến hành.
Về đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất: Thông qua HTX, nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như xây dựng công trình giao thông, thủy lợi nội đồng; mạng lưới điện: nhà kho, xưởng chế biến, ... Đây là những lợi thế lớn mà nếu tự sản xuất riêng lẻ thì mỗi hộ nông dân khó có thể làm được.
Còn tiếp...
TS. Lê Thành Ý - ThS. Vương Xuân Nguyên