(ĐSPL) - Ngày xưa, tóc chị dài tới thắt lưng, đen, dày và óng mượt. Mái tóc của chị là niềm mơ ước của nhiều cô gái trong thôn. Trai làng say mê chị một phần cũng vì suối tóc mây bồng bềnh. Nhưng rồi đến khi lập gia đình, mái tóc chị cứ ngắn dần, ngắn dần theo những trận đau ốm của con. Ngoảnh đi ngoảnh lại, mái tóc mây ngày nào đã xơ xác đến nỗi chẳng còn buộc lại được…
Mái tóc của chị Thúy sau hai lần cắt bán lấy vài trăm ngàn đồng. |
“Hy sinh” để nuôi con
Trong chuyến công tác đến xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), chúng tôi đã được người dân địa phương kể cho nghe câu chuyện người mẹ trẻ hy sinh mái tóc dài của mình để có tiền chữa bệnh cho con. Tuy nhiên, lúc chúng tôi ngược xe đến thôn Thái Sơn (xã Đại Hưng) thì càng bất ngờ hơn khi biết đó không phải là câu chuyện của riêng ai mà là hoàn cảnh chung của nhiều người mẹ trẻ trong thôn. Thậm chí, người dân nơi đây còn chua chát nói rằng, từ nhiều năm nay, Thái Sơn còn có tên là... làng bán tóc.
Tìm hiểu nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ trong thôn phải bán đi "cái góc" duyên dáng của mình, chị Nguyễn Thị Nga (trú thôn Thái Sơn) nghẹn ngào kể: "Thôn mình nghèo lắm, nhà nào khá thì có vài ba sào ruộng, bám vào đó mà làm ăn. Còn lại đa số người dân phải đi làm thuê làm mướn và đi rừng để kiếm tiền. Làm lụng vất vả như vậy nhưng vẫn không đủ ăn. Cùng đường, nhiều chị phải bán hết của cải trong nhà, bán trâu bò, heo gà. Không còn gì để bán, có chị bán đi luôn mái tóc dài của mình để lấy tiền. Số phụ nữ trong thôn bán tóc đến nay cũng phải hơn chục người rồi".
Nhờ sự chỉ dẫn của chị Nga, chúng tôi đến căn nhà ọp ẹp của chị Trần Thị Thanh Thúy (SN 1985) ở đầu thôn Thái Sơn. Hiện ra trước mắt là căn nhà dột nát, được chắp vá bằng những tấm ván ép, gỗ mục nát. Trong nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi đời cũ và mớ áo quần lổn nhổn trên giường. Một lúc sau, chị Thúy mới kẹp nách hai đứa con nhỏ từ nhà sau bước lên. Dáng người chị nhỏ thó, tiều tụy đến tội nghiệp. Chúng tôi càng bất ngờ khi chị giới thiệu mình chỉ vừa mới bước sang tuổi 29, bởi khuôn mặt, dáng người và cả cách suy nghĩ của chị đều quá già dặn so với độ tuổi của mình.
Chị kể: "Tôi về làm dâu ở đây được hơn chục năm rồi. Vì lấy chồng sớm nên cuộc sống rất cực khổ. Nhà nghèo, vợ chồng tôi lại không có nghề nghiệp ổn định nên cứ thiếu trước hụt sau. Hai đứa con gái, đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ chỉ mới 5 tuổi, lại hay đau ốm nên cuộc sống càng khó khăn hơn. Hơn nữa, chồng tôi vì túng quẫn nên sinh ra buồn bực, rượu chè mà không chịu đi làm".
Đứa con đầu của chị Thúy mặc dù năm nay đã học lớp 5 nhưng thân hình gầy nhẳng, mặt mày xanh xao vì căn bệnh thận. Sau mỗi trận đau ốm của con, đồ đạc trong nhà lại lần lượt đội nón ra đi. Chị xót xa kể: "Vay mượn họ hàng, chòm xóm được vài lần nhưng lâu dần cũng ngại vì mọi người cũng chẳng dư dả gì. Vì vậy, heo, gà chưa kịp lớn cũng phải bán để lấy tiền chữa bệnh cho con. Có lần tôi nghe nói tóc bán cũng được nhiều tiền nên bấm bụng bán luôn để lấy tiền mua thuốc cho con".
Nói về việc bán tóc của chị Thúy, chị Nga xót xa: "Ngày xưa, tóc chị dài tới thắt lưng, đen, dày và óng mượt. Mái tóc của chị là niềm mơ ước của nhiều cô gái trong thôn. Trai làng say mê chị một phần cũng vì suối tóc mây bồng bềnh. Nhưng rồi đến khi lập gia đình, mái tóc chị cứ ngắn dần, ngắn dần theo những trận đau ốm của con. Ngoảnh đi ngoảnh lại, mái tóc mây ngày nào đã xơ xác đến nỗi chẳng còn buộc lại được".
Ngay sát căn nhà gỗ của chị Thúy là gia đình chị Cù Thị Ngọc Liên (SN 1982). Hoàn cảnh của chị Liên cũng bi đát không kém. Thời con gái, chị Liên nổi tiếng khắp thôn với mái tóc dài chấm gót, mềm mượt. Nhưng sau này, vì nỗi lo cơm áo, chị cũng đành hy sinh mái tóc để có tiền nuôi con. Lúc chúng tôi đến, chị Liên và chồng đều đi làm không có nhà. Theo lời cháu Nguyễn Thị Anh Thư (SN 2003), con gái lớn của chị Liên thì tính đến nay chị Liên đã 3 lần bán tóc để có tiền chữa bệnh tim cho cháu. "Mỗi lần mẹ cháu bán tóc được 500.000 - 800.000 đồng. Tiền đó mẹ thêm vô để đưa cháu xuống bệnh viện chữa bệnh. Tóc mẹ giờ không dài và đẹp như hồi xưa nữa", cháu Thư ngậm ngùi kể.
Gia đình chị Liên thuộc diện hộ nghèo của thôn Thái Sơn. |
“Chờ tóc dài thêm, tôi lại bán...”
Đến xế trưa thì chị Liên đi làm về. Theo quan sát của PV, mái tóc bây giờ của chị ngắn đến nỗi khó có thể buộc lại gọn gàng. ôm đứa con gái 2 tuổi đang mếu máo vì nhớ mẹ vào lòng, chị Liên thú thật: "Là phụ nữ ai chẳng muốn đẹp hả chú. ông, bà có câu cái răng cái tóc là góc con người nên từ nhỏ tôi đã nuôi tóc dài. Hồi còn trẻ, lúc nào tôi cùng tự hào về mái tóc của mình. Nhưng sau này, vì cuộc sống khó khăn quá, nên đành nuốt nước mắt mà bán tóc lấy tiền chớ biết làm sao. Lần đầu tiên "xuống tóc", chồng con tôi cũng khuyên can nhiều lắm, nhưng tôi nói xấu mặt thì lâu chớ xấu đầu thì nhanh lắm, chẳng mấy chốc tóc lại dài ra, lại đẹp như xưa thôi. Nghe vậy, chồng con mới đồng ý để tôi bán...".
Từ sự tiên phong của chị Liên, từ đó rất nhiều phụ nữ ở thôn Thái Sơn bán tóc để kiếm tiền nuôi con. Có "kinh nghiệm" hai lần trong việc bán tóc, chị Thúy cho hay: "Người thu mua tóc ở làng khác nhưng mỗi lần muốn bán thì mình gọi họ sang. Tùy theo tóc dài hay ngắn mà người ta mua với giá cao hay thấp. Nếu mái tóc dài ngang khoeo chân, dày, bóng, mượt thì người ta mua giá từ 800.000 đến 1 triệu đồng. Còn tóc dài ngang eo, hay lưng thì giá từ 400.000 đến 800.000 đồng. Số tiền không nhiều so với công sức mình nuôi tóc nhưng chừng đó cũng đủ để tôi và nhiều chị em trang trải cuộc sống gia đình".
Một người mẹ khác ở thôn Thái Sơn (xin được giấu tên), cũng đã một lần bán tóc chia sẻ với PV: "ở quê nghèo, vợ chồng tôi quanh năm chỉ làm thuê làm mướn. Ba đứa con thì đang tuổi ăn tuổi lớn nên thấy nhiều phụ nữ trong thôn bán tóc có tiền, tôi cũng làm theo. Lần đầu tôi bán được hơn 500.000 đồng, đủ để sắm sửa quần áo, sách vở cho mấy đứa con khi vào năm học mới. Chờ tóc dài thêm, tôi lại gọi người ta đến bán".
Chúng tôi chia tay gia đình chị Thúy, chị Liên... rời thôn Thái Sơn khi trời đã ngả bóng chiều. Những người phụ nữ tụm năm, tụm ba trên con đường làng. Đôi mắt họ chất chứa nhiều điều chưa nói hết. Chúng tôi không khỏi ngậm ngùi, xót xa. Nếu cuộc sống đủ đầy hơn, những bất hạnh, bệnh tật không ập đến gia đình các chị thì những người mẹ trẻ này đã không phải hy sinh mái tóc của mình như vậy.
Đều là các hộ nghèo khó của thôn Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tấn Cương (SN 1982), Trưởng thôn Thái Sơn cho biết: "Sự việc nhiều phụ nữ trong thôn bán tóc là có thật vì hoàn cảnh của các hộ gia đình nơi đây phần lớn đều khó khăn. Người thu mua tóc ở nơi khác đến thôn cũng gần như là định kỳ, riêng gia đình chị Cù Thị Ngọc Liên, năm vừa qua là hộ nghèo của thôn. Về phía địa phương cũng còn nghèo nên không có cách nào để hỗ trợ. Chỉ mong các mạnh thường quân, nhà hảo tâm biết và giúp đỡ để cuộc sống của họ đỡ vất vả hơn". |