(ĐS&PL) Nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, mỗi người Việt ai nấy đều dành những khoảng lặng trong lòng để tri ân công đức của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc hay còn mang trên mình những vết thương trên thịt da.
Với những người yêu Cây cảnh nghệ thuật Việt Nam từ lâu họ đã dành nhiều tình cảm trân quý thương binh, liệt sĩ để tạo tác ra những tác phẩm nghệ thuật mang thông điệp "tàn nhưng không phế" với tên gọi cũng rất mỹ miều: "Mảnh đời còn lại".
Trong ngày 27/7 năm nay, trên trang cá nhân của nữ nghệ nhân Bonsai Nguyễn Thị Hồng (VietHoiCty), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa cây cảnh Việt Nam tâm sự: "Chiến tranh qua đi, mỗi chúng ta hôm nay có được cuộc sống yên bình là nhờ biết bao nhiêu xương máu các Anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống, hay nỗi đau thương tật của bao thương bệnh binh. Hôm nay 27/7 là Ngày Thương binh Liệt sỹ, chúng con xin được gửi lời thành kính tri ân tới các thế hệ đã chiến đấu vì Độc Lập tự do và sự bình yên cho Tổ Quốc. Sống trong Hòa Bình, chúng con không bao giờ được phép quên, mỗi tấc đất thiêng liêng ngay dưới chân mình là tấc lòng của nhân dân đã thấm đượm bao mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của bao thế hệ cha anh. Từ trong tâm khảm của mình, chúng con xin bày tỏ sự biết ơn với các gia đình thân nhân Thương binh Liệt sĩ và đồng cảm với bao gia đình chưa tìm thấy hài cốt con em, người thân ruột thịt của mình...".
Tác phẩm Linh Sam "Mảnh đời còn lại" của Nghệ nhân Bonsai Nguyễn Thị Hồng |
Trong giới yêu cây cảnh nghệ thuật còn biết đến chị Hồng giàu lòng trắc ẩn với thương binh, liệt sĩ không chỉ qua nhiều hoạt động thiện nguyện mà còn là người dành nhiều tâm huyết tìm kiếm sưu tầm, chăm sóc tác phẩm Linh Sam nổi tiếng với tên gọi "Mảnh đời còn lại" từ nhiều năm nay.
Tác phẩm Linh Sam kể trên có thế huyền mô phỏng cuộc sống ngoài thiên nhiên cây sống trong điều kiện khí hậu nghiệt ngã nhất (cây ở sườn núi, vách đá...) nhưng cây vẫn có thể sống, gốc cây bám chắc vào đá, treo leo giữa trười mây, ngọn cây vươn lên tạo hình ảnh của sự kiên trì nhẫn nại vượt qua phong ba bão táp hướng tới tương lai phát triển.
Chị Hồng cho biết chị thích tác phẩm Linh Sam thế huyền này (hay còn gọi cây dáng thác đổ) còn bởi "thân pháp" hay đường chạy chính của thân cây có gốc trong chậu nhưng thân cây trườn qua mép chậu đổ xuống phía dưới như dòng thác đổ. Ngọn cây dài hơn đáy chậu và có xu hướng ngóc lên thể hiện sự “hồi hướng”, “về nguồn” đúng với ý nghĩa “cây có cội, người có tông”. Con người luôn có xu hướng trở về với chính “bản tính” của mình vốn “nhân chi sơ tính bản thiện”.
Thế cây thể hiện sự mềm mại, dịu dàng, sự tươi trẻ...song tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt. Cây bị lũa khoảng 1/2 thân nên có giá trị biểu cảm của sức sống phi thường càng được bộc lỗ rõ nét hơn. Những tán lá xanh mượt của lộc biếc chồi non căng đầy nhựa sống và những mảng hoa long lanh huyền ảo, ngào ngạt sắc hương đối lập với thân cây già nua, hốc hác, lũa mòn vẹt mang dấu ấn của thời gian, sự khắc khổ, từng trải của kiếp nhân sinh.
Tác phẩm mang thông điệp "Mảnh đời còn lại" với ý nghĩa con người luôn phải biết vượt lên chính hoàn cảnh và số phận cụ thể của mình. Sự vượt lên chính mình là thành quả của cõi tu. Không bao giờ được bỏ cuộc hay đầu hàng trước khó khăn thử thách. Sự nghiệt ngã của ngoại cảnh chỉ là môi trường để tôi luyện bản chất bên trong thêm cứng cỏi. Cái gì cũng có giá trị của nó trong cõi hư vô này.
Chị Hồng tâm sự: "Tôi muốn dùng hình ảnh này trước hết là để tỏ lòng ngưỡng mộ bao thế hệ cha anh đã hy sinh một phần thịt da trong chiến tranh. Về với đời thường những người anh hùng ấy vẫn không chịu khuất phục với hoàn cảnh, số phận riêng. Họ thực sự là những người thương binh "tàn nhưng không phế" theo lời Bác Hồ sinh thời căn dặn. Cuộc sống của họ là tấm gương về tinh thần quả cảm, nghị lực phi thường, luôn lạc quan hướng về phía trước và vượt lên số phận cho chúng ta noi theo. Tôi muốn dùng tác phẩm này để dăn dạy chính mình và hướng đạo cho con cái nhận ra chân lý giản dị trong cuộc sống. Trên hết tôi đến với thú chơi nhân văn tao nhã có truyền thống hàng ngàn đời này của dân tộc chính là tìm đến Đạo, tìm lại sự cân bằng giữa vật chất và tinh thần; giữa truyền thống và hiện đại; giữa cá nhân và xã hội; giữa quá khứ, hiện tại và tương lai...".
Nghệ nhân Bonsai Nguyễn Thị Hồng |
Chị dành thời gian giới thiệu thêm về chủng loại cây để thế hiện tác phẩm nhiều ý nghĩa này. Linh Sam có tên khoa học: Antidesma acidum, là loại cây bụi nhỏ, thân gỗ lâu năm, da mốc, nhiều cành, có gai, lá đơn xanh bóng, có hoa thơm...Linh Sam thường mọc tự nhiên ở các vùng đồi núi. Tại Việt Nam, Linh Sam mọc nhiều ở các tỉnh Duyên hải miền Trung ở các vùng cát ven biển. Sức sống của cây Linh Sam trưởng thành rất mãnh liệt có thể thích nghi được khí hậu các vùng miền miễn là có chế độ chăm sóc phù hợp. Đây là loại cây rất đa dạng về chủng loại về chất cây có loại lá lớn, lá trung, lá rí; có loại siêng hoa và hoa, có nhiều màu sắc như là tím nhạt rồi tím thẫm, trắng; có loại nhiều gai nhưng cũng có loại rất ít gai...Nói chung Linh Sam Việt Nam là cây rễ trồng phù hợp với mọi điều kiện khắc nghiệt dù nóng hay lạnh, cây có thể làm Bonsai lớn hay nhỏ, dễ tạo dáng thế tùy theo sở thích người chơi....
"Gần như tất cả những gì tạo nên giá trị của một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đẹp đều có ở cây Linh Sam: lâu năm, da mốc, thân quái, rễ kiềng, gốc bồ, cành ngọn, dăm, chi rụt rịt, hoa đẹp, hương thơn tinh khiết, màu sắc hoa kiêu sa….Đặc biệt hơn phần lũa của cây Linh Sam còn có thể đổi màu nếu có nước thấm qua.Tất cả những điều này càng khiến giá trị cây Linh Sam vượt trội so với các loại cây khác..., Chị Hồng nhấn mạnh.
Quả thật nghề chơi cũng thật lắm công phu và nhiều ý nghĩa. Vẻ đẹp từ tác phẩm Linh Sam thế huyền "Mảnh đời còn lại" nêu trên không chỉ toát lên từ đường nét nghệ thật độc đáo của tác phẩm đã kết tinh sự tài hoa của người nghệ nhân tạo tác hay ngôn ngữ tạo hình và thông điệp tác phẩm nhân văn mà còn bởi triết lý, tâm thức và những giá trị của người sở hữu tác phẩm trong quá trình tìm kiếm, sưu tầm, chăm sóc và trao truyền nó cho những người tiếp theo.
Quyết Tuấn/Sức Khỏe 365