Giá vàng hôm nay 25/9 trên thế giới tăng không ngừng, tiếp tục lập đỉnh cao mới trên 2.662 USD/ounce.
Trong nước, vàng nhẫn tăng một mạch lên 82,5 triệu đồng/lượng (bán ra), vàng miếng SJC giữ ở 83,5 triệu đồng.
Có 4 nguyên nhân chính đằng sau sự tăng giá lên ngưỡng cao kỷ lục của vàng thế giới.
Thứ nhất, sự suy yếu của đồng USD đã đẩy tăng giá vàng thế giới trong phiên gần nhất.
Chỉ số đồng USD hạ 0,43% xuống còn 100,3 điểm. Việc đồng USD suy yếu góp phần quan trọng đẩy giá vàng thế giới tăng lên ngưỡng cao kỷ lục.
Thứ hai, diễn biến chính sách tiền tệ của Fed cũng đẩy giá vàng thế giới tăng. Trong tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất 50 điểm cơ bản, lãi suất đồng USD liên bang Mỹ hiện đang trong ngưỡng từ 4,75% đến 5,0%.
Quyết định hạ lãi suất của Fed, được đưa ra với mục tiêu tạo việc làm, tạo ra tác động làm suy yếu đồng USD.
Thứ ba, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến vàng trong vai trò tài sản an toàn, một phần bởi Fed thay đổi chính sách nhưng còn bởi tình hình kinh tế Mỹ xấu đi. Kết quả khảo sát mới nhất của Conference Board chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng gần nhất hạ đến 6,9 điểm và như vậy ghi nhận tháng sụt giảm mạnh nhất trong 3 năm.
Tâm lý của nhà đầu tư càng thêm lo lắng khi mà căng thẳng địa chính trị khu vực Trung Đông gia tăng.
Cuối cùng, thông tin từ Trung Quốc tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Theo nghiên cứu mới nhất từ quỹ QCP Capital, các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay của Trung Quốc, kết hợp với việc Fed hạ lãi suất 50 điểm cơ bản sẽ giúp tạo ra làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu.
Diễn biến này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho giá trị của nhiều loại tài sản trong đó có tiền mã hóa trong tương lai gần.
Mặc dù đã tăng rất mạnh, khoảng 28% kể từ đầu năm nhưng vàng được dự báo sẽ tiếp tục leo thang và lập đỉnh cao mới từ nay đến cuối năm và cả năm 2025. Vàng có khả năng lên mức 2.700 USD/ounce vào cuối năm nay và sẽ lên 3.000 USD/ounce trong nửa đầu năm sau.