Theo các chuyên gia, những sản phẩm được rao bán là "vàng non" thực chất chỉ là kiểu pha trộn hoặc làm giả để lôi kéo người mua với giá rẻ, chứ không hề có khái niệm này.
"Vàng non" được rao bán trên các trang mạng xã hội. Ảnh: Tiền Phong |
Dân gian quan niệm, ngày vía “Thần Tài” (mùng 10 tháng Giêng âm lịch) được xem là ngày đẹp nhất để sắm sửa lễ vật cúng Thần Tài với mong muốn cầu may, hy vọng một năm sung túc, làm ăn suôn sẻ.
Những năm gần đây, trào lưu mua vàng cầu may vào ngày vía Thần Tài rầm rộ hơn bao giờ hết. Các sản phẩm cũng đa dạng từ vàng miếng, nhẫn tròn trơn ép vỉ, đồng vàng, lì xì vàng,...
Trong dịp vía Thần Tài năm nay, hàng loạt công ty vàng bạc lớn như PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Hải... đã nhanh chóng tung ra các dòng sản phẩm mới, độc lạ để phục vụ người dân. Giá các sản phẩm dao động từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tài chính để chi trả một số tiền lớn mua các sản phẩm vàng chính hãng. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân muốn mua vàng cầu may mắn nhưng kinh tế eo hẹp, sát ngày vía Thần Tài, hàng loạt trang mạng rao bán đủ các loại trang sức dây chuyền, vòng nhẫn, vòng tay…mẫu mã đa dạng, từ truyền thống đến hiện đại, dưới tên gọi là “vàng non”.
Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “vàng non” trên mạng xã hội hoặc trang tìm kiếm Google, hàng nghìn kết quả sẽ hiện ra với nhiều loại trang sức là vàng nhưng có giá rẻ bất ngờ.
Chỉ với giá từ 200.000-700.000 đồng, người tiêu dùng đã có thể mua được sản phẩm vòng cổ, nhẫn, khuyên tai "vàng non" với những lời quảng cáo đầy hấp dẫn như: “Sản phẩm chế tác từ vàng 10K nguyên chất, bên ngoài còn phủ 5 lớp vàng 18K".
Với giá rẻ, mẫu mã đẹp và những lời quảng cáo ngon ngọt, những ngày này các trang mạng đã dụ rất nhiều người mua các trang sức để lấy vía Thần Tài.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây thực chất chỉ là kiểu pha trộn hoặc làm giả để lôi kéo người mua với giá rẻ, chứ không hề có khái niệm "vàng non".
Trao đổi với báo chí, GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý và trang sức, cho biết, về địa chất hay thị trường không hề có khái niệm “vàng non”.
Vàng không được phân loại theo tuổi mà chỉ là cách gọi truyền miệng. Giá trị của vàng được xác định bằng tỉ lệ phần trăm vàng có trong sản phẩm. Vàng có tỉ lệ thấp nhất trên thị trường hiện nay là vàng 1 số 9 (74-75%), vàng có giá trị cao nhất là vàng 4 số 9, chính là vàng 24K.
Thực tế, những loại được quảng cáo là "vàng non" thực chất chỉ là kiểu pha trộn, chế ra để lôi kéo người mua với giá rẻ.
Theo ông Thị, người dân không nên phí tiền vào các dạng đánh tráo khái niệm kiểu như "vàng non". Người dân khi mua đồ trang sức nên tìm tới các cửa hàng vàng bạc, đá quý uy tín, tránh bị mất tiền oan bởi các quảng cáo dối trá, sai sự thật.
Bạch Hiền (t/h)