+Aa-
    Zalo

    Vàng giả Trung Quốc vào VN: Nhiều cặp đôi lo "sốt vó"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thông tin vàng giả khiến nhiều gia đình có con em sắp cưới rất lo, hoang mang không biết xác định vàng giả hiện nay như nào để không mua phải vàng giả...

    (ĐSPL) - Thông tin vàng giả khiến nhiều gia đình có con em sắp cưới rất lo, hoang mang không biết xác định vàng giả hiện nay như nào để không mua phải vàng giả; đặc biệt là ở nông thôn, nơi chỉ có các biện pháp thủ công để xác định tuổi vàng...

    Con đường "tuồn" vàng giả vào Việt Nam

    Mới đây vào ngày 10/11, Cơ quan điều tra Công an TP Hạ Long, Quảng Ninh, đã phát hiện manh mối của một đường dây chuyên bán vàng giả, xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Sự việc bắt đầu từ việc có một đối tượng mang vàng nguyên liệu đến giao dịch tại cửa hàng vàng thuộc khu 6, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long. Miếng vàng nguyên liệu có trọng lượng khoảng 3 “cây”, được chào bán với giá 115 triệu đồng. Do thấy những dấu hiệu bất thường, chủ cửa hàng đã báo với cơ quan công an.

    Khi được đưa về cơ quan công an, 2 đối tượng là Hoàng Hữu Thành và Nguyễn Xuân Luyện (đều trú tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) đã khai nhận kẻ cung cấp vàng cho các đối tượng này là A Xẻng, đối tượng người Trung Quốc mà Nguyễn Xuân Luyện quen khi làm việc tại một khu công nghiệp tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. A Xẻng gạ Luyện đi bán vàng do anh ta lấy từ Hồng Kông (Trung Quốc) về, và nếu bán được sẽ cho nhiều tiền. Ngày 15/10, Luyện và A Xẻng cùng đến Móng Cái, Quảng Ninh, gặp một người Trung Quốc có tên là A Cúa (khoảng 30 tuổi).

    A Cúa đưa cho Luyện một miếng vàng nguyên liệu để Luyện mang bán ngay tại TP Móng Cái. Phi vụ này, Luyện được trả tiền công 240.000 đồng. Chiều 20/10, A Cúa đưa cho Luyện 3 miếng vàng và Luyện đem bán ở Hải Phòng được gần 460 triệu đồng và Luyện được trả tiền công 7 triệu đồng. 5 ngày sau, Luyện rủ Hoàng Hữu Thành lên Móng Cái gặp A Cúa nhận tiếp 2 miếng vàng đem bán ở TP. Hạ Long được tổng cộng 310 triệu đồng. Ngày 26/10, địa bàn tiêu thụ vàng giả được các đối tượng mở rộng về Hà Nội. Một miếng vàng nguyên liệu đã được tiêu thụ trót lọt với giá gần 200 triệu đồng.

    Theo một cán bộ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an tỉnh Quảng Ninh, hầu hết vàng “bẩn”, vàng giả đều có nguồn gốc từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam bằng đường xách tay. Những loại vàng này đều được sản xuất tại Trung Quốc hoặc Hông Kông sau đó được một số đối tượng người Trung Quốc liên kết với đối tượng người Việt Nam đưa qua biên giới vào sâu trong nội địa để tiêu thụ. Theo các chuyên gia, cách phổ biến nhất để sản xuất vàng giả là trộn vonfram ở dạng bột với vàng ở trạng thái nóng chảy vì tỷ trọng của vàng và vonfram gần giống nhau (19,6 và 18,3).

    Khi nung với nhiệt độ nóng chảy của vàng, vàng sẽ nóng chảy và bao quanh vonfram chưa đủ nhiệt độ nóng chảy tạo thành một lớp vàng bên ngoài, lõi vonfram. Thông thường, người ta chỉ rút khoảng 20 đến 30\% vàng thật cộng với vonfram tạo ra một hỗn hợp vàng óng mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Hỗn hợp vàng độn này có thể vượt qua sự kiểm tra ngặt nghèo của máy đo. Máy thử vàng phát hiện được 17,18 nguyên tố kim loại khác nhau nhưng chưa cài đặt nhận biết vonfram.

    Khi thử vàng độn, các chỉ số hiển thị trên máy không ghi nhận tạp chất này nên kết luận là vàng 999 hoặc 9999. Theo tính toán, mỗi lượng vàng độn, kẻ gian có thể lãi từ 6 đến 7 triệu đồng (1 lượng vàng 9999 có thể độn được khoảng 20\% vonfram, tương đương khoảng 2 chỉ vàng thật. Trong khi đó, giá trị của vonfram rất thấp. Hiện nay, ở Việt Nam kim loại này có giá khoảng trên dưới 100 nghìn đồng/kg, theo An ninh Thủ đô.

    Theo báo Người Lao Động, cách đây vài năm, tình trạng vàng nữ trang giả, độn lõi bằng tạp chất như nhôm, đồng, kẽm... xuất hiện khiến thị trường vàng loạn chất lượng. Tình trạng này khá phổ biến làm nhiều chủ tiệm cầm đồ, cầm vàng bị "dính quả" vì chỉ kiểm tra bằng phương pháp thông thường như đánh đá, axít,…

    Bên cạnh đó, tình trạng vàng nhái thương hiệu một cách tinh vi vẫn tồn tại. Các đối tượng chỉ giữ lại phần đai, kiện khắc tên thương hiệu, phần vàng còn lại của món trang sức được cắt bỏ và thay bằng vàng kém tuổi, vàng đểu,… rất khó phát hiện.

    Thông tin vàng giả khiến nhiều gia đình có con em sắp cưới rất lo, hoang mang không biết xác định vàng giả hiện nay như nào để không mua phải vàng giả. (Ảnh minh họa).

    Mùa cưới sốt vó vì vàng giả!

    Báo Dân trí đưa tin, hiện nay là cao điểm mùa cưới, chính vì vậy nhu cầu mua vàng trang sức, nhẫn cưới hay vàng tặng cho các cặp đôi của nhiều gia đình tăng cao. Thông tin vàng 24K (vàng ta) bị làm giả rất tinh vi khiến rất nhiều cặp đôi lo lắng.

    Một cặp đôi chuẩn bị cưới tại Hải Dương cho biết, thông tin vàng giả khiến họ rất hoang mang, không biết các cửa hiệu vàng tại địa phương có tồn tại vàng giả hay không. Vàng cưới là vật mang tính biểu trưng của cặp đôi, nếu mua phải vàng giả, chẳng những mất tiền, còn chẳng có giá trị gì cả.

    Hiện, vàng cưới có tỷ lệ vàng tương ứng 87,50\% vàng và 12,5\% hợp kim (cho vàng 21K); 75\% vàng nguyên chất và 25\% hợp kim (cho vàng 18K) và vàng 14K sẽ có 58\% vàng nguyên chất và 42\% là hợp kim... Theo nhiều cửa hàng vàng, tỷ lệ vàng cưới, vàng nữ trang bị làm giả khá ít bởi vàng cưới đã được pha với nhiều kim loại khác nhau với tỷ lệ tương ứng. Nếu đối tượng quá lạm dụng để pha tỷ lệ 50/50, sẽ bị phát hiện ngay.

    Chính vì vậy, vàng giả chủ yếu xuất hiện ở loại vàng 24K với tỷ lệ 99,99\% là vàng nguyên chất mà người dân quen gọi là vàng ta. Đây là loại vàng được nhiều gia đình mua làm quà tặng các cặp đôi để làm trang sức và đồ tích lũy vì có thể bán được với giá cao.

    Chính vì thế, thông tin vàng giả khiến nhiều gia đình có con em sắp cưới rất lo, hoang mang không biết xác định vàng giả hiện nay như nào để không mua phải vàng giả; đặc biệt là ở nông thôn, nơi chỉ có các biện pháp thủ công để xác định tuổi vàng, vàng thật như: cắn vàng, hơ vàng qua lửa hay nhìn bề ngoài. Những biện pháp này thường “lỗi thời”, không thể phát hiện được vàng giả vì chúng được sản xuất rất tinh vi.

    Theo một số chủ tiệm vàng, đường đi và địa bàn hoạt động của vàng giả có thể sẽ ở các tỉnh xa, vùng nông thôn - nơi không có các phương tiện máy móc kỹ thuật để đo tuổi vàng. Hoặc là ở các hiệu cầm đồ, cầm cố vàng.

    Hiện trên mạng hoặc các diễn đàn, nhiều bà nội trợ đã rỉ tai nhau cách nhận biết vàng thật, giả bằng phương pháp truyền thống như: cắn vàng để kiểm tra các vết lồi lõm; sử dụng kính lúp để kiểm tra độ mịn hay hơ lửa… Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp tình thế, bởi nếu tỷ lệ pha kim loại hợp lý, vàng vẫn mềm, vẫn để lại vết cắn.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vang-gia-trung-quoc-vao-vn-nhieu-cap-doi-lo-sot-vo-a119689.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.