(ĐSPL) - Giá vàng đang ở thế giằng co, theo các nhà tư vấn, bạn đừng nên "bỏ tất cả trứng vào một giỏ” dù đó là "quả trứng vàng".
Gần 1 tuần nay, giá vàng chuyển sang giằng co quanh vùng 37 triệu đồng/lượng, sau khi vọt lên gần 40 triệu đồng/lượng hồi giữa tuần trước. So với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước đang có mức độ biến động cao hơn, thậm chí nhiều thời điểm không theo sát hoặc đi ngược diễn biến của giá thế giới.
Thông tin trên Thời báo Kinh tế Việt Nam, một số nhà kinh doanh vàng giải thích giá vàng trong nước vẫn đang chịu nhiều tác động từ tương quan cung-cầu. Mỗi khi lực cầu trên thị trường tăng, dù nhẹ, giá cũng bị đẩy lên. Ngược lại, khi có nhiều khách bán vàng, giá lại giảm xuống.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 800.000-900.000 đồng/lượng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/7 tại New York, giá vàng giao ngay giảm 10,8 USD/oz, tương đương giảm gần 0,8\%, còn 1.355,6 USD/oz. Lúc hơn 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại châu Á tăng 1,2 USD/oz so với giá chốt phiên Mỹ, đứng ở 1.356,8 USD/oz, tương đương 36,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giảm khi thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong đêm qua nhờ một loạt số liệu kinh tế tích cực và tâm lý lạc quan của giới đầu tư trước triển vọng các nền kinh tế lớn sẽ tung các biện pháp kích cầu mới.
Sau chuỗi 6 tuần tăng liên tục tính đến tuần trước, giá vàng thế giới đang có biểu hiện chững lại. Một phần nguyên nhân là do sau những tác động ban đầu của sự kiện Brexit đến thị trường, các nhà đầu tư chuyển sự chú ý trở lại với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có tăng lãi suất trong năm nay hay không, nhất là khi kinh tế Mỹ có nhiều tin tốt trong thời gian gần đây.
Hôm 11/7, Chủ tịch FED chi nhánh Kansas, bà Esther George nói lãi suất Mỹ hiện đang quá thấp và phát tín hiệu sẽ khởi động lại nỗ lực vận động tăng lãi suất.
Tuy vậy, nhu cầu mua vàng phòng ngừa rủi ro và môi trường lãi suất thấp trên toàn cầu vẫn là những nhân tố quan trọng hỗ trợ cho giá vàng. Một báo cáo của ngân hàng Citigroup nói rằng sự kết hợp giữa đồng USD yếu và nhu cầu vàng tăng trở lại ở khu vực châu Á sẽ hỗ trợ cho giá vàng trong nửa cuối năm 2016.
Vàng thường lên ngôi khi có rủi ro tài chính. Mọi người thường tìm đến vàng làm phương tiện cất trữ giá trị. (Ảnh minh họa). |
Vàng có thực sự là nơi ẩn náu an toàn?
Thông tin trên Trí thức trẻ, đầu tư vào vàng đang là sự lựa chọn mang tính cơ hội song không phải không ẩn chứa rủi ro. Câu hỏi được đặt ra hiện tại vàng có thực sự là "nơi ẩn náu an toàn" và đây có phải là thời điểm thích hợp đầu tư? Có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Phát biểu sau khi có thông cáo cuộc họp Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC), ông Jeff Gundlach, nhà sáng lập công ty đầu tư Doubleline Capital, cho rằng vàng vẫn là phương tiện đầu tư tốt nhất trong bối cảnh bất ổn ở châu Âu, tình trạng đình trệ kinh tế kéo dài và những hoài nghi về tính hiệu quả trong các chính sách của các ngân hàng trung ương.
Joe Foster, nhà chiến lược về vàng và kim loại quý thuộc công ty VanEck, nhận định mức tăng giá vàng mạnh vào ngày 6/7 chỉ là khởi đầu của một chu kỳ tăng giá mới trên thị trường vàng trong bối cảnh các rủi ro tài chính vây bủa. Ngoài ảnh hưởng Brexit, theo ông Foster, các nhà đầu tư đang đứng trước rủi ro tài chính đó là Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ ở đang ở thế khó trong việc tăng tỉ lệ lãi suất trong khi các ngân hàng trung ương khác nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, ông Foster nói: "Vàng thường lên ngôi khi có rủi ro tài chính. Mọi người thường tìm đến vàng làm phương tiện cất trữ giá trị, phòng ngừa rủi ro tiền tệ và tìm cách bảo vệ tài sản của mình”. Song theo ông Foster, giá vàng đã tăng nhanh hơn dự kiến. Thay vì đầu tư vào mặt hàng kim loại quý này, ông Foster đầu tư vào các chứng khoán có liên quan đến vàng vì theo ông giá trị cổ phiếu của các công ty khai thác vàng thường tăng cao hơn mức giá vàng tăng và hoạt động khai thác trở nên tốt hơn so với một vài năm trước đây. Tuy nhiên, ông Foster khuyến cáo rằng việc đầu tư vào những cổ phiếu rủi ro này đòi hỏi nhiều nghiên cứu và sự suy xét kỹ lưỡng.
Ông Phillip Streible, nhà chiến lược thị trường cao cấp thuộc Công ty RJO Futures, cũng nhất trí cho rằng vàng là sự lựa chọn khôn ngoan của các nhà đầu tư khi lợi tức trái phiếu chính phủ âm song theo ông giá vàng đã tăng quá mức do những biến động gần đây trên thị trường. Ông Streible dự đoán giá vàng sẽ giảm trước khi tăng hơn nữa.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác có lập trường khác hẳn về vàng. Theo ông George Gero, Giám đốc điều hành Công ty RBC Wealth Management, sức mua vàng tiếp tục giữ vững trong 5.000 năm qua và người ta mua vàng để phòng ngừa mọi bất ổn có thể từ lạm phát, giảm phát, rủi ro tiền tệ hay thảm họa kinh tế. Ông nói: "Vàng là hình thức bảo hiểm bạn hy vọng bạn không bao giờ cần song vàng không đem lại phép màu nhiệm".
Trưởng ban nghiên cứu và chiến lược đầu tư Công ty MV Financial, Katrina Lamb, cho rằng vàng không trả lợi tức, không đem lại lợi nhuận định kỳ. Bà nói: "Có quan niệm cho rằng vàng là an toàn. Vàng thanh, tiền mặt để dưới chiếu sẽ giúp bạn ngủ ngon giấc hơn. Song thực tế đó chỉ là một hàng hoá tăng, giảm như bất kỳ hàng hoá nào khác”. Theo bà Lamb, giá vàng biến động chủ yếu do yếu tố chính trị và mối lo ngại về sự dao động của thị trường ngày càng tăng trong hai thập kỷ qua.
Damon Verial, người thường đi ngược trào lưu, nhận định giá vàng sẽ tiếp tục tăng đến năm 2017 trước khi quay đầu trở lại. Song theo ông Verial, đầu tư vào vàng sẽ là bài toán hóc búa trong vòng hai năm tới vì "trò chơi” vàng trong tương lai là một đường parabôn lộn ngược chứ không phải là đường xiên thẳng.
Ông Verial cho rằng nếu lạm phát xảy ra trong bối cảnh chính sách tỉ lệ lãi suất thấp kỷ lục, vàng thực sự là nơi tốt hơn để cất trữ giá trị. Song cục diện này sẽ thay đổi khi chính sách tiền tệ thay đổi từ lãi suất gần 0 sang lãi suất âm. Khi đó, vàng sẽ mất đi sức hấp dẫn vì chính sách lãi suất âm (NIRP) sẽ dẫn tới giảm phát, khiến tiền mặt trở nên có giá trị hơn vàng nếu niềm tin vào ngân hàng trung ương được giữ vững.
Hiện tại, có 23 nước trên thế giới đang vận dụng cơ chế NIRP. Ngân hàng Anh (BOE) đã ám chỉ khả năng cắt giảm tỉ lệ lãi suất vào mùa hè năm nay. Trong khi đó, khả năng Fed tăng tỉ lệ lãi suất vẫn bỏ ngỏ song kịch bản này khó có thể xảy ra đặc biệt sau khi có kết quả Brexit. Ngân hàng Nhật (BOJ) cũng có thể phải áp dụng những biện pháp kích thích kinh tế để đối phó với tình trạng đồng Yen tăng giá đang gây bất lợi cho nền kinh tế định hướng xuất khẩu.
Do vậy, theo các nhà tư vấn, bạn đừng nên "bỏ tất cả trứng vào trong một giỏ” dù đó là "quả trứng vàng".
Tuyết Mai (Tổng hợp)
Nguồn:Người đưa tin