Như đã đưa tin, CTCP Vận tải biển và thương mại Phương Đông (Vận tải Phương Đông) tiền thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC), được thành lập theo quyết định số 1108/QĐ/TCCT-LĐ ngày 3/6/1993 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải với tên gọi là Công ty Vận tải Thủy Bắc. Công ty đổi tên thành Công ty Vận tải Biển Bắc từ ngày 1/4/2004. Và đến năm 2017 được đổi tên thành CTCP Vận tải biển và thương mại Phương Đông.
Từ khi ra đời, Vận tải Phương Đông hoạt động chính là kinh doanh vận tải biển. Hiện nay vốn điều lệ của công ty là hơn 200 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam vẫn là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ 49%, và Tổng công ty cổ phần Bảo Minh là cổ đông lớn với tỷ lệ 9,97%.
Theo Báo cáo tài chính Quý I/2022, Vận tải Phương Đông đang âm vốn chủ sở hữu gần 4.300 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến việc âm vốn chủ sở hữu gấp 21,5 lần là do công ty này trước đây vay ngân hàng cả trăm triệu USD, để mua những con tàu cũ gần hết “date” theo quy định.
Cụ thể, trong năm 2007 và 2008, Vận tải Phương Đông đã chi ra hơn 3.136 tỷ đồng (tương đương 184 triệu USD, 1USD bằng 17.000VNĐ) để mua 6 tàu vận chuyển.
Trong đó đáng chú ý là tàu Nosco Glory giá 1.211 tỷ đồng và tàu Nosco Victory giá 997 tỷ đồng. Cả hai con tàu này được sản xuất từ những năm 1994 và 1996. Đến thời điểm năm 2008, những con tàu này đã qua sử dụng 12-14 năm, song Vận tải Phương Đông vẫn chi ra khoảng 140 triệu USD để mua lại.
Tàu Nosco Glory sản xuất tại Nhật được đặt đóng mới ngày 18/5/1994, hoàn thành vào ngày 13/9/1994. Thời điểm Vận tải Phương Đông mua lại con tàu này vào tháng 4/2008. Trong khi đó, theo Nghị định số 49/2006/NĐ-CP về đăng ký và mua, bán tàu biển ngày 18/5/2006 của Chính phủ, tàu biển đã qua sử dụng phải có tuổi tàu tính từ năm đóng tàu không quá 15 năm. Có thể thấy, Nosco Glory là hàng sắp hết “date” theo quy định, song Vận tải Phương Đông vẫn chi ra 78 triệu USD để mua lại con tàu này.
Theo ý kiến của Kiểm toán, khả năng hoạt động liên tục của công ty phụ thuộc khả năng sinh lời trong tương lai và sự tiếp tục đầu tư vốn của các chủ sở hữu. Và VIMC hiện nay là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 48%.
Đem vấn đề tại Vận tải Phương Đông phản ánh đến VIMC, đại diện doanh nghiệp này cho biết, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam sẽ thoái vốn tại đây. Việc thua lỗ ở Vận tải Phương Đông là do thị trường, không phải trách nhiệm của ai. Hơn thế nữa, tiền mua các con tàu là tiền vay ngân hàng, không phải tiền của doanh nghiệp. Ngân hàng cho vay phải có trách nhiệm thẩm định.
Theo báo cáo tài chính của Vận tải Phương Đông, để mua tàu Nosco Victory, công ty này đã vay hơn 52 triệu USD từ 3 ngân hàng là Seabank, VIB và Công ty tài chính dầu khí (nay là PVCombank) để mua tàu Fortune Pearl (sau đổi tên thành Nosco Victory) giá 61,3 triệu USD.
Đến năm 2016, 3 ngân hàng trên đã bán khoản nợ này cho VAMC và tàu Nosco Victory sau đó đã bị bán đấu giá thu về 51 tỷ đồng (tương đương 2,3 triệu USD). Dù tài sản thế chấp đã bị bán, song trên báo cáo tài chính của Vận tải Phương Đông vẫn thể hiện các khoản vay của SeaBank, VIB và PVCombank.
Còn tàu Nosco Glory giá 78 triệu USD được tài trợ tín dụng bởi 2 ngân hàng, trong đó, Viecombank tài trợ hơn 28 triệu USD với thời hạn 108 tháng. Đến nay, khoản nợ đã quá hạn phải trả, song Vận tải Phương Đông không có khả năng trả nợ. Trong khi tàu Nosco Glory đã phải ngừng hoạt động do ngân hàng siết nợ.
VIMC đang lên kế hoạch thoái vốn tại Vận tải Phương Đông, song cá nhân, tổ chức nào muốn gánh “cục nợ” gần 4.300 tỷ đồng này? Nếu VIMC không thoái được vốn, có thể Vận tải Phương Đông sẽ tuyên bố phá sản, lúc đó hàng nghìn tỷ đồng của các ngân hàng như Seabank, Vietcombank, Agribank, VIB và PVCombank liệu có theo những con tàu cũ “chìm xuống biển”.
Nhóm PV