Báo Tiền Phong dẫn lời bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà, cho biết, năm nay địa phương vẫn duy trì 48 vùng trồng với 167 mã số đủ điều kiện xuất khẩu đi Trung Quốc, Úc, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan… Toàn huyện có hơn 3.200ha trồng vải, trong đó 1.900ha trồng vải sớm, còn lại trồng vải thiều chính vụ. Ước tổng sản lượng toàn huyện khoảng 20.000-22.000 tấn, chỉ bằng 50% sản lượng năm 2023.
Theo bà Hà, qua khảo sát, địa phương đánh giá vải thiều sớm có sản lượng gần tương đương năm trước và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của mùa vụ năm nay. Trong khi đó, vải thiều chính vụ mất mùa, nhiều vườn không đậu quả. Vải thiều sớm gồm nhiều giống (u hồng, u trứng trắng, u gai…) có đặc điểm quả to, cùi dày, lượng đường vừa phải, được các thị trường nước ngoài ưa chuộng.
Bà Hà cho biết, để hỗ trợ nông dân, đầu tháng 5, huyện phối hợp Sở Công Thương tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều với hệ thống thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Thông qua một số điểm cầu trực tuyến, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc đã cung cấp nhiều thông tin về thị trường, xu hướng tiêu dùng, tiêu chuẩn về nhập khẩu tại các nước sở tại.
Họ đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cải tiến cách đóng gói, mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với thói quen của người tiêu dùng từng thị trường. Đồng thời, tìm giải pháp giảm thiểu chi phí logistics để vải thiều có mức giá cạnh tranh. Ngoài xuất khẩu quả vải tươi, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, chú trọng chế biến sản phẩm từ quả vải để mở rộng thị trường.
Tương tự, tại Bắc Giang, vụ này vải thiều mất mùa chưa từng có, cây toàn lá khiến nông dân thất thu cả trăm nghìn tấn quả.
Theo báo Vietnamnet, gia đình ông Trần Văn Hành ở thôn Chão (Giáp Sơn, Lục Ngạn) có khu đồi trồng vải thiều rộng 1,8ha. Ông tâm sự: “Vụ này vải thiều thu hoạch chỉ đủ làm quà biếu tặng người thân, bạn bè. Trong khi, vụ vải trước đó tôi thu được 30 tấn quả”.
Đây là năm mất mùa chưa từng thấy trong hơn 3 thập kỷ qua. Đáng nói, không chỉ vườn vải của gia đình ông mà trên địa bàn huyện Lục Ngạn, các đồi vải thiều đều chung tình trạng như vậy. Nhiều hộ sản lượng vải sụt giảm 80-90%.
“Tháng 11 năm ngoái - thời điểm quan trọng quyết định cây ra hoa và đậu quả - thì trời rét đậm cộng với mưa nên cây tắt hoa, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vải thiều mất mùa nghiêm trọng", ông nói.
Theo đó, toàn bộ diện tích vải thiều chính vụ của gia đình ông chỉ lác đác quả, không còn hình ảnh sai trĩu cành, nhuộm đỏ rực cả vùng đồi như những năm trước. Riêng vải u hồng ông trồng khoảng 100 gốc, lượng quả không nhiều, khách đã đặt mua rất sớm với giá 100.000 đồng/kg.
Ở Bắc Giang, vải thiều là cây trồng chủ lực, giúp người nông dân thu vài nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Bắc Giang, năm 2023, tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều toàn tỉnh đạt trên 201.600 tấn. Trong đó, sản lượng vải thiều xuất khẩu ước đạt gần 111.200 tấn, chiếm trên 55,1% so với tổng sản lượng tiêu thụ. Sản lượng tiêu thụ nội địa ước đạt 90.500 tấn, chiếm gần 44,9%.
Giá trị doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt trên 6.876 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Riêng doanh thu từ vải thiều ước đạt trên 4.658 tỷ đồng.
Thế nhưng năm nay vải thiều mất mùa. Ông Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, cho biết, diện tích cả vải thiều sớm, vải thiều chính vụ năm nay ra hoa khoảng 14.000-14.500ha trên tổng diện tích 29.000ha vải của Bắc Giang.
"Sản lượng vải năm nay ước tính sụt giảm 50% so với năm 2023, chỉ đạt trên dưới 100.000 tấn", ông Thi nói. Lý do là thời tiết không thuận lợi với sinh trưởng của cây.
Theo quy luật, sau khi được mùa 3-4 năm, sức khỏe cây trồng kém đi sẽ có một năm mất mùa. Vải thiều Bắc Giang liên tiếp được mùa từ năm 2020-2023, nên năm nay được dự báo sản lượng giảm. Cùng với đó, mùa đông năm ngoái có rét nhưng rét muộn, nhiệt độ trung bình lại cao hơn các năm khoảng 1,5 độ C. Với vải thiều, phải rét sớm thì cây mới phân hóa được mầm hoa, rét muộn đã qua giai đoạn đó nên cây không có hoa, chỉ có lá, ông Thi lý giải thêm.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang nhận định, do sản lượng sụt giảm mạnh nên giá vải thiều vụ này dự báo sẽ cao hơn những năm trước.