Trẻ em có nguy cơ mắc COVID-19 không?
Khi đại dịch mới bùng phát, không có nhiều lo ngại về việc trẻ em mắc COVID-19. Tuy nhiên, đến tháng 4/2020, số lượng trẻ em mắc COVID-19 bắt đầu tăng lên mặc dù tỷ lệ thấp hơn so với người lớn.
Đến nay, Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) ước tính hơn 5,8 triệu trẻ em có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Vào tuần cuối cùng của tháng 9/2021, trẻ em chiếm khoảng 1/4 số ca mắc COVID-19 trên cả nước Mỹ.
Trẻ em có nguy cơ diễn tiến nặng hoặc tử vong do COVID-19 không?
Trẻ em vẫn có nguy cơ trở nặng hoặc tử vong do COVID-19 nhưng khá hiếm. Theo AAP, đa số trẻ em mắc COVID-19 chỉ bị nhẹ với các triệu chứng tương tự cảm lạnh thông thường hoặc cúm như nghẹt mũi, đau họng, mệt mỏi, sốt nhẹ, sổ mũi…
Tuy nhiên, đã có trường hợp trẻ diễn tiến nặng. Sự lan rộng của biến thể Delta đã khiến tỷ lệ trẻ nhập viện tăng mạnh. Trẻ em có bệnh lý nền có nguy cơ diễn tiến COVID-19 nhanh nhưng cũng có một số trẻ em khỏe mạnh phải nhập viện để điều trị các triệu chứng. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở trẻ em cực kỳ thấp.
Trẻ em có thể lây lan COVID-19 không?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trẻ em có khả năng lây nhiễm COVID-19 dù có triệu chứng hay không. Tuy nhiên, khả năng trẻ em lây lan COVID-19 thấp hơn người lớn và mức độ lây nhiễm cũng khác nhau ở một số nghiên cứu.
Một nghiên cứu của Canada cho thấy trẻ nhỏ có nhiều khả năng truyền virus trong nhà hơn. Thế nhưng, một nghiên cứu của Israel lại chỉ ra trẻ từ 10 tuổi trở xuống không có nhiều khả năng lây lan COVID-19 trong môi trường học.
Nghiên cứu về trẻ em và vaccine Pfizer
Các thử nghiệm bắt đầu được thực hiện vào tháng 3/2021 để nghiên cứu về tác dụng và mức độ an toàn của vaccine Pfizer dành cho trẻ em trong độ tuổi từ 5 – 11 tuổi. Liều lương được đưa ra gồm 2 liều, mỗi liều 10 microgam, cách nhau 21 ngày.
Tổng cộng, khoảng 4.500 trẻ em ở 4 quốc gia là Mỹ, Phần Lan, Ba Lan và Tây Ban Nha đã tham gia tại 90 điểm tiêm chủng khác nhau. Để đo phản ứng của kháng thể, Pfizer đã nghiên cứu Hiệu giá trung bìn hình học (GMT) ở những người tham gia 1 tháng sau khi tiêm liều thứ hai. Pfizer nhận thấy GMT và các phản ứng phụ ở trẻ em từ 5 – 11 tuổi tương tự như nhóm từ 16 – 25 tuổi.
Các lựa chọn vaccine ngừa COVID-19 khác cho trẻ em
Ở thời điểm hiện tại, Pfizer là lựa chọn có thể duy nhất tại Mỹ cho nhóm trẻ từ 5 – 11 tuổi. Moderna hiện cũng đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng đối với nhóm tuổi này. Trong khi đó, Johnson & Johnson được cho là có kế hoạch thử nghiệm ở trẻ dưới 18 tuổi nhưng chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể. Hiện, chỉ có vaccine Pfizer được phép sử dụng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, còn vaccine Moderna hoặc Johnson & Johnson dành cho người từ 18 tuổi trở lên.
Mức độ an toàn của vaccine Pfizer đối với trẻ em
Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine Pfizer an toàn và hiệu quả khi được sử dụng để ngừa COVID-19 ở trẻ em từ 5 – 11 tuổi. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào về tính an toàn và hiệu của của vaccine vì cơ qan này chưa họp để xem xét và thảo luận về dữ liệu thử nghiệm.
Ngày 20/9, Pfizer bày tỏ sự tin tưởng khả năng tạo ra phản ứng kháng thể “mạnh mẽ” của vaccine ở trẻ em từ 5 – 11 tuổi sau khi tiêm 2 liều vaccine cách nhau 21 ngày. Về cơ bản, vaccine Pfizer được coi là an toàn để tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Các chuyên gia đang cân nhắc đánh giá mức độ an toàn đối với trẻ dưới 12 tuổi.
Tác dụng phụ của vaccine Pfizer ở trẻ em
Tương tự như các loại vaccine khác, trẻ vẫn có thể xuất hiện một số tác dụng phụ sau khi tiêm một hoặc hai liều vaccine ngừa COVID-19. Điều này có nghĩa cơ thể đang tạo ra phản ứng miễn dịch.
Các tác dụng phụ thường gặp khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 gồm đau, sưng hoặc đỏ ở chỗ tiêm, sốt và ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ hoặc đau khớp. Những tác dụng phụ này được coi là nhẹ, thường biến mất trong vòng 24 – 48 tiếng sau khi tiêm vaccine.
Cha mẹ có thể giảm bớt sự khó chịu cho con bằng cách cho trẻ dùng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen, cho trẻ uống nhiều chất lỏng, để trẻ nghỉ ngơi.
Phụ huynh hoàn toàn có thể cho con uống thuốc giảm đau sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 nếu các bé cảm thấy khó chịu nhưng không nên cho trẻ dùng thuốc giảm đau trước khi tiêm. Điều này có thể làm giảm phản ứng miễn dịch và giảm hiệu quả của vaccine.
Hiếm khi vaccine gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng ở trẻ em và người lớn, dù vậy đã có báo cáo về việc thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em trai gặp một loại viêm tim được gọi là viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine. Điều này hiện đang được nghiên cứu và theo dõi chặt chẽ trong các thử nghiệm lâm sàng, tác dụng phụ này vẫn rất hiếm gặp.
Viêm cơ tim cũng là một biến chứng đã biết của COVID-19. Nếu thấy con bị đau ngực, khó thở, nhịp tim tăng lên trong vòng 1 tuần sau khi tiêm vaccine, cha mẹ nên nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và xử trí kịp thời. Trẻ cũng có thể xảy ra phản ứng dị ứng với vaccine, thường xảy ra trong vòng 15 phút sau tiêm.
Đinh Kim(Theo Healthline)