Sau thành công ban đầu của vaccine Pfizer, Mỹ tiếp tục có thêm "điểm sáng" mới khi vaccine Moderna đạt hiệu quả tới 95% trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.
Hôm 16/11, công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ đã công cố kết quả thử nghiệm của loại vaccine COVID-19 mà công ty đang phát triển. Theo đó, vaccine của Moderna đã đạt hiệu quả ngừa bệnh lên tới 94,5%. Thông tin này được ra đúng 1 tuần sau khi vaccine do hãng dược Pfizer và công ty công nghệ BioNTech của Đức điều chế có tác dụng lên tới 90% trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.
Moderna là công ty công nghệ sinh học thứ 2 của Mỹ ghi nhận kết quả "khởi sắc" trong quá trình nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Getty |
Được biết, thử nghiệm của Moderna được thực hiện với sự tham dự của khoảng 30.000 tình nguyện viên. Trong đó, 1 nửa số tình nguyện viên được tiêm 2 mũi vaccine, mỗi mũi cách nhau 28 ngày; nửa còn lại được tiêm giả dược theo lịch trình tương tự.
Moderna đã thử nghiệm vaccine lên 95 bệnh nhân COVID-19. Trong đó, 5 người được xếp vào nhóm vaccine và 90 người xếp trong nhóm giả dược. Trong số 95 tình nguyện viên đặc biệt này có khoảng 11 trường hợp bệnh nặng. Theo đó, kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine của Mordena đã giúp hình thành kháng thể bảo vệ tình nguyện viên khỏi virus SARS-CoV-2 xâm nhập.
Chia sẻ về kết quả này, ông Stéphane Bancel, giám đốc điều hành của Moderna, cho biết: "Kết quả thử nghiệm gia đoạn 3 cho thấy vaccine của chúng tôi có thể ngăn ngừa virus SARS-CoV-2, đối với cả những người bệnh nặng".
Được biết, Moderna cũng sử dụng công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 tương tự như Pfizer. Cụ thể, họ nghiên cứu vaccine dựa trên phân tử có tên mRNA, hay còn gọi là RNA thông tin. Phân tử đó chứa các hướng dẫn di truyền để tạo ra protein bên trong tế bào. Phương pháp này sẽ hỗ trợ kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 xâm nhập mà không gây nhiễm trùng.
Hai loại vaccine sử dụng công nghệ dựa trên phân tử mRNA đang nhận được nhiều sự chú ý bởi đây là một phương pháp nghiên cứu mới và từ trước tới nay, chưa có vaccine nào dựa trên mRNA được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm phê duyệt.
Dù được nghiên cứu dựa trên một phân tử nhưng quá trình phát triển của vaccine Moderna và Pfizer có nhiều điểm khác biệt. Đầu tiên là về đối tượng tham gia nghiên cứu. Những người bệnh COVID-19 tham gia nghiên cứu của Moderna cần có ít nhất 2 triệu chứng và kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, nghiên cứu của Pfizer chỉ yêu cầu 1 triệu chứng.
Thứ hai, cách bảo quản 2 loại vaccine cũng không giống nhau. Moderna cho biết vaccine của họ có thể được bảo quản an toàn trong tủ đông ở nhiệt độ khoảng 25 độ F (-4 độ C), nhiệt độ thông thường trong ngăn đông tủ lạnh gia đình. Trong khi đó, vaccine của Pfizer cần được bảo quản trong tủ đông siêu lạnh chuyên dụng có khả năng làm lạnh dưới -94 độ F (-70 độ C).
Bên cạnh đó, Moderna tiết lộ vaccine của họ sẽ duy trì hiệu lực trong tối đa 30 ngày ở nhiệt độ lạnh bình thường, thuận tiện hơn cho việc phân phối diện rộng.
Một vài phản ứng phụ của vaccine Moderna bao gồm đau ở chỗ tiêm, mệt mỏi, đau nhức cơ và khớp. Tuy nhiên, theo quan sát hiện nay, vaccine này không gây ra thêm bất kỳ biến chứng nghiêm trọng nào khác. Theo đó, đại diện Moderna đặt nhiều kỳ vọng vào loại vaccine tiềm năng này và dự kiến sẽ đệ trình đơn xin cấp phép sử dụng lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ.
Moderna cho biết thêm, nếu được phê duyệt quyền sử dụng họ dự kiến sẽ xuất xưởng 20 triệu liều vaccine vào cuối năm nay.
Được biết, vaccine của Moderna nằm trong chương trình thúc đẩy sản xuất vaccine COVID-19 Operation Warp Speed của liên bang do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký duyệt. Theo đó, hồi tháng 8, dự án Operation Warp Speed đã tài trợ 1,5 tỷ USD hỗ trợ quá trình nghiên cứu của công ty.
Minh Hạnh(Theo NPR)