+Aa-
    Zalo

    Vắc-xin phòng Covid-19 - Giải pháp căn cơ cứu nền kinh tế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo TS.Cấn Văn Lực, việc kiểm soát tốt dịch và có vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam.

    Theo TS.Cấn Văn Lực, việc kiểm soát tốt dịch và có vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam.

    Tín hiệu vui

    Đại dịch Covid-19 đã bước sang năm thứ hai và vẫn diễn biến phức tạp, đang tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, đến hoạt động kinh tế - xã hội. Có thể nói, vắc-xin Covid-19 được coi là hy vọng lớn và cũng là giải pháp căn cơ để kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sớm vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế. PV ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS.Cấn Văn Lực về vấn đề này.

    TS. Cấn Văn Lực.

    PV: Lô vắc-xin Covid-19 với hơn 117.000 liều nhập khẩu đã về đến Việt Nam vào ngày 24/2 vừa qua. Và theo lộ trình dự kiến, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 từ 3 nguồn cung cấp chính trong năm 2021. Điều này được coi là đã mang lại hy vọng mới trong cuộc chiến chống đại dịch của Việt Nam. Ông có suy nghĩ như thế nào về tin vui này?

    TS.Cấn Văn Lực: Việt Nam là 1 trong 190 quốc gia tham gia "Sáng kiến COVAX” và cũng nằm trong danh sách các quốc gia được tài trợ vắc-xin giai đoạn đầu tiên.

    Ngoài ra, đối với khả năng tự cung cấp vắc-xin của Việt Nam, hiện nay, cả nước có 4 đơn vị đang nghiên cứu vắc-xin gồm VABIOTECH, IVAC, Nanogen và POLYVAC. Nếu thành công, điều này sẽ giúp Việt Nam có thể chủ động nguồn cung cấp vắc-xin phục vụ cộng đồng về lâu dài.

    Đây là tín hiệu thực sự rất vui mừng, là hy vọng lớn và cũng là giải pháp căn cơ để kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sớm vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả phòng bệnh, nguồn cung, cơ chế phân phối và tiêm vắc-xin như thế nào là vấn đề đáng quan tâm.

    PV: Nói về cung ứng nguồn vắc-xin Covid-19, điều này sẽ có những tác động như thế nào đối với sức khỏe và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam và trên thế giới, thưa ông?

    TS.Cấn Văn Lực: Trong năm 2021, chúng ta chắc chắn vẫn phải sống chung với dịch bệnh trong trạng thái “bình thường mới”. Việc tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu kép, trong đó nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả vẫn là ưu tiên hàng đầu, bởi đó cũng là điều kiện tiên quyết đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

    Kinh tế toàn cầu năm 2020 đã suy giảm khoảng 4%, dự báo phục hồi ở mức 4% năm 2021 và 3,8% năm 2022 khi vắc-xin được đưa vào tiêm chủng cho cộng đồng. Còn đối với Việt Nam, kinh tế năm 2020 đạt kết quả đáng khích lệ khi là một trong số rất ít các nước có tăng trưởng dương ở mức 2,91%, thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 6,5% trong giai đoạn 5 năm gần đây; điều này cũng cho thấy tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới kinh tế Việt Nam.

    Còn quá trình phục hồi kinh tế thế giới và các nước, trong đó có Việt Nam phụ thuộc vào 3 yếu tố chính: Năng lực và hiệu quả kiểm soát dịch Covid-19; Tình hình cung cấp và triển khai hiệu quả các chính sách, gói hỗ trợ của Chính phủ các nước; Hợp tác quốc tế trong việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, khôi phục kinh tế.

    Các tổ chức quốc tế đều có chung nhận định là vắc- xin Covid-19 sẽ có đóng góp quan trọng vào đà phục hồi kinh tế năm 2021. Do đó, việc phát triển, cung cấp, phân phối và tiêm chủng vắc-xin Covid-19 là yếu tố rất quan trọng.

    3 vai trò then chốt

    PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về vai trò của vắc- xin Covid-19 đối với sức khỏe và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội?

    TS.Cấn Văn Lực: Kinh tế có thể hồi phục nhờ các yếu tố như: Đảm bảo sức khỏe cho lực lượng lao động và tăng năng suất lao động; Khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội khi kiểm soát được mức độ lây nhiễm của dịch bệnh; Thúc đẩy nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của các hộ gia đình, doanh nghiệp khi sức khỏe cộng đồng được đảm bảo.

    Vắc-xin Covid-19 có ít nhất 3 vai trò quan trọng đối với sức khỏe và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Một là, vắc-xin tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân.

    Hai là, giảm bớt sức ép đối với hệ thống y tế. Có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã đặt hệ thống y tế các nước dưới sức ép rất lớn trong việc điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân trong cùng một thời điểm, gây ra thiếu vật tư, nhân lực y tế phòng dịch và điều trị, đồng thời suy giảm nguồn lực điều trị cho các bệnh nhân khác. Việc có vắc-xin sẽ giúp giảm sự quá tải tại các bệnh viện, cơ sở y tế, đồng thời củng cố tính bền vững của hệ thống y tế. Ba là, tác động tích cực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

    Các tổ chức quốc tế đều có chung nhận định là vắc- xin Covid-19 sẽ có đóng góp quan trọng vào đà phục hồi kinh tế năm 2021. Như dự báo hãng nghiên cứu Citi Research (tháng 2/2021) cho rằng, vắc-xin được phân phối diện rộng ngay trong quý I/2021 và có thể đáp ứng 70% nhu cầu tiêm chủng Covid-19 vào cuối quý III hoặc đầu quý IV/2021.

    Theo đó, có vắc-xin sẽ đóng góp thêm 1,1 điểm % cho tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021, tương ứng 1,7 điểm % cho các nền kinh tế phát triển và 0,3 điểm % cho các nền kinh tế mới nổi. Dù vậy, song song với việc triển khai tiêm vắc-xin, tôi cho rằng, chúng cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc nâng cao ý thức của người dân, không chủ quan, ỷ lại hoàn toàn vào việc có vắc-xin.

    PV: Xin cảm ơn chia sẻ của ông!

    Thu Huyền

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7(9)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vac-xin-phong-covid-19---giai-phap-can-co-cuu-nen-kinh-te-a357501.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan