+Aa-
    Zalo

    Ủy ban Kinh tế đề nghị thanh tra toàn diện nhà ở xã hội

    (ĐS&PL) - Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện việc phát triển nhà ở xã hội và có giải pháp xử lý tình trạng lách luật đầu tư, mua bán.

    Báo Thanh niên đưa tin, sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 33, cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách bổ sung năm 2023 và các tháng đầu năm 2024.

    Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức.

    Trong nhiều khó khăn, thách thức được nêu và đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh, thị trường bất động sản còn khó khăn dù có tín hiệu phục hồi. 

    Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 13/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

    Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 13/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

    Khó khăn lớn nhất, theo ông Thanh, là quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra.

    Ông Thanh dẫn chứng, đến nay mới có 29/63 UBND tỉnh, thành công bố 69 dự án tham gia chương trình 120.000 tỷ đồng nhưng chỉ có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, tổng nhu cầu vay là hơn 30.000 tỷ đồng.

    Các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; tổng số tiền đã giải ngân đạt 640 tỷ đồng cho 8 chủ đầu tư và giải ngân 6 tỷ đồng đối với người mua nhà tại 3 dự án.

    Trong khi đó, những tháng đầu năm 2024, giá căn hộ chung cư ở vị trí trung tâm hay vùng ven của TP.Hà Nội đều ghi nhận mức tăng đột biến, thậm chí, giá căn hộ nhà ở xã hội đã qua sử dụng nhiều năm vẫn tăng ngoài khả năng chi trả của người lao động có nhu cầu mua nhà ở.

    Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do nguồn cung căn hộ tại Hà Nội đang thực sự khan hiếm. Số lượng dự án ngày càng hạn chế trong những năm gần đây, trong khi nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các gia đình trẻ còn rất lớn.

    Cạnh đó, cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở mất đi khả năng tiếp cận. Đã thế, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi thấp, tình trạng đầu cơ gia tăng khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.

    Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng dẫn ý kiến cho rằng, ngay cả đối với nhà ở xã hội, hiện nay đang diễn ra thực trạng người có nhu cầu không thể mua do thủ tục phức tạp và tình trạng đầu cơ, chênh giá rất lớn giữa giá bán chủ đầu tư đăng ký với Nhà nước và giá bán thực tế.

    Theo báo VnExpress, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua, đồng thời đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình.

    Theo cơ quan thẩm tra, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn tới nhiều hệ lụy về kinh tế xã hội. Trước tiên, người có nhu cầu thực (ở, sản xuất, kinh doanh) không thể tiếp cận trong khi đất đai bị bỏ hoang do bị đầu cơ. Nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị "chôn" vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

    Cùng đó, người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ. "Người nghèo đang phải trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu.

    Việt Nam đặt mục tiêu có 1 triệu căn nhà ở xã hội vào 2030. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Xây dựng vào cuối tháng 3, các địa phương phát triển nhà ở xã hội không đều. Chẳng hạn, Hà Nội, TP HCM số lượng căn hộ chỉ đáp ứng chưa tới 20% nhu cầu. Nhiều nơi không có dự án được khởi công 3 năm qua, như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi.

    TP HCM dự kiến hoàn thành 35.000 căn nhà ở xã hội vào 2025, song đến nay số dự án thực hiện được rất ít. Đối thoại với lãnh đạo TP HCM cuối tuần trước, công nhân, người lao động cho biết rất khó khăn tiếp cận nhà ở xã hội, nguồn cung khan hiếm, chỉ thấy trên tivi.

    Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi cho biết trước mắt thành phố sẽ hoàn thành mục tiêu được Thủ tướng giao là 26.500 căn. Các vị trí dự án đã được xác định.

    Trước thực tế khó khăn này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, sửa các quy định, điều kiện và tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Việc này nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân được mua nhà, tiếp cận vốn vay gói tín dụng nhà ở xã hội.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/uy-ban-kinh-te-e-nghi-thanh-tra-toan-dien-nha-o-xa-hoi-a422446.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan