+Aa-
    Zalo

    Ước nguyện cuối cùng của 3 mẹ con trong “kỳ án dưới chân đèo” Pha Đin

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Được xin lỗi công khai sau 28 năm bị coi là kẻ giết chồng, giết cha, 3 mẹ con bà Đặng Thị Nga cảm thấy như được sinh ra lần thứ hai.

    Được xin lỗi công khai sau 28 năm bị coi là kẻ giết chồng, giết cha, 3 mẹ con bà Đặng Thị Nga (82 tuổi), trú thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo cảm thấy như được sinh ra lần thứ hai. Hành trình kêu oan đằng đẵng đã lấy đi nhiều thứ không chỉ của 3 mẹ con bà mà còn của mọi người trong gia đình. Sau gần 1 năm được xin lỗi công khai, bà Nga và các con vẫn đang chờ các cơ quan chức năng bồi thường oan sai theo quy định.

    Ký ức đẫm nước mắt

    Trưa 24/10/2017, trong căn nhà cấp bốn giản dị dưới chân đèo Pha Đin (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) rất đông người thân, hàng xóm tới chia vui với gia đình bà Đặng Thị Nga vì vừa được xin lỗi công khai sau 28 năm vướng lao lý.

    Câu chuyện về nỗi oan sai của bà và các con thật đau đớn. Bà Nga nhớ lại, đêm 17 rạng sáng 18/9/1989, không thấy chồng là ông Trịnh Huy Tùng về, bà cùng các con đi tìm. Sau đó, cả nhà phát hiện ông Tùng chết dưới giếng của gia đình.

    Nỗi đau mất người thân chưa nguôi thì 4 ngày sau, 2 con của bà là Trịnh Công Hiến (khi đó 26 tuổi) và Trịnh Huy Dương (19 tuổi) bị Công an tỉnh Lai Châu cũ (sau tách thành tỉnh Lai Châu và Điện Biên) đến nhà đọc lệnh bắt do nghi vấn giết cha. 10 ngày sau đó, bà Nga cũng bị bắt với cáo buộc đã tiếp tay cho 2 con. Việc 3 mẹ con bà Nga bị bắt khiến cuộc sống của gia đình đảo lộn. Cô con gái Trịnh Thị Ngọc (lúc đó 16 tuổi) phải thay mẹ chăm sóc 2 cậu em trai 13 tuổi và 10 tuổi. Ngọc phải bỏ dở việc học hành để buôn bán kiếm tiền. Mỗi lần đi "tiếp tế" cho mẹ và các anh, cô phải đi mất 2 ngày do trại tạm giam ở cách nhà 200km.

    Bà Nga cùng người thân tại buổi xin lỗi công khai sáng 24/10/2017 - Ảnh: Gia đình & Xã hội

    Bà Nga kể trong thời gian bị bắt giam, bà luôn đau đáu về 3 đứa con bơ vơ ở nhà, chỉ lo chúng bị chết đói. Ba mẹ con bà một mực không nhận tội nhưng khi được động viên “cứ nhận” thì sẽ được tại ngoại, bà đã đồng ý. Anh Hiến, Dương thừa nhận đã "giết cha" để mẹ "sạch tội" về chăm sóc các em. Sau 7 tháng bị tạm giam, bà Nga được tạm tha. Trở về nhà đối mặt với điều tiếng quá lớn, bà Nga gần như kiệt quệ, song vẫn cố gắng lao động để nuôi các con, thăm nom 2 con trai lớn bị tạm giam.

    Năm 1990, TAND tỉnh Lai Châu (cũ) mở phiên xét xử sơ thẩm, phạt bà Nga 36 tháng tù treo về tội Che giấu tội phạm. Anh Hiến bị phạt 18 năm và Trịnh Huy Dương bị tuyên phạt 12 năm cùng về tội Giết người. Sau phiên tòa, bà Nga bắt đầu hành trình đi kêu oan, tuy nhiên phải lén lút vì biết mình đang mang án treo không được rời địa phương. Sau khi xem xét lại vụ án, tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Tháng 1/1992, trong quá trình điều tra lại, VKSND tỉnh Lai Châu (cũ) đã hủy bỏ lệnh bắt giam đối với anh Hiến và Dương sau 28 tháng tạm giam.

    Sau ngày các con trở về, bà Nga càng quyết tâm đi kêu oan. Trong nhiều năm, hàng tháng tích cóp được bao nhiêu tiền từ việc bán bánh tẻ, bà lại đón xe về Hà Nội để gửi đơn tới các cơ quan tiến hành tố tụng. Những lá đơn gửi đi kèm theo rất nhiều hy vọng của bà và các con. Nhưng đơn gửi đi thì nhiều, mà hồi âm nhận được chả bao nhiêu. Với niềm tin sẽ có một ngày các cơ quan tố tụng sẽ minh oan cho mình, bà Nga vẫn kiên nhẫn gửi đơn.

    Mang điều tiếng về tội giết chồng, con giết cha, song gia đình bà Nga không muốn chuyển đi nơi khác. Bà quyết ở lại mảnh đất này để rửa sạch tiếng oan. Vụ án bị “treo” suốt nhiều năm. Mẹ con bà Nga sống trong uất ức và tủi nhục. Các con bà đi xin việc ở đâu cũng bị từ chối, đến tuổi lập gia đình cũng không có ai đồng ý.

    Chưa “chốt” số tiền bồi thường

    Khi bị cáo buộc giết chồng, hại cha, mái tóc mẹ con bà Nga vẫn còn xanh. Đến khi tóc đã bạc trắng, người đàn bà khốn khổ ấy mới được minh oan. Sáng 24/10/2017 có lẽ là ngày mà bà Nga cùng các con cảm thấy thanh thản nhất trong gần 30 năm vì tiếng oan đã được giải. Sau buổi xin lỗi công khai, TAND tỉnh Điện Biên đã có buổi thương lượng bồi thường oan sai với gia đình bà Nga. Bà Nga cho biết, do tuổi đã cao nên bà mong muốn được tòa xem xét, giải quyết bồi thường theo luật quy định. 28 năm sống trong tủi nhục vì mang tội giết chồng, bà và các con chỉ mong được cơ quan tố tụng thực hiện trách nhiệm của họ.

    Trong đơn gửi TAND tỉnh, bà Nga đề nghị bồi thường 18 tỷ đồng cho những tổn thất tinh thần mà mẹ con bà phải gánh chịu trong suốt thời gian bị giam giữ, bị truy tố oan sai 28 năm. Lần thương lượng thứ nhất chỉ đạt thoả thuận bồi thường 4 tỷ đồng do vướng mắc áp dụng luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước.

    Trong đơn, bà Nga nêu rõ những ngày tháng đau khổ đến cùng cực khi phải mang tội giết chồng, 2 con trai bà mang tội giết cha. Lúc bà và 2 con trai bị bắt thì 3 đứa con chưa đến tuổi thành niên. Do bị ảnh hưởng bởi vụ án oan mà nay 1 người con trai của bà bị mắc bệnh trầm cảm.

    “Với tôi và gia đình, vụ án này là một nỗi đau không gì bù đắp nổi. Việc cả gia đình gồm người trưởng thành và chưa trưởng thành đều bị điều tra, truy tố, xét xử oan sai đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín không chỉ của mẹ con tôi mà còn ảnh hưởng tới cả gia đình, họ tộc. Bị dân làng, xã hội lên án, chúng tôi không chỉ bị suy sụp về tinh thần mà còn bị suy sụp nghiêm trọng về thể chất...”, bà Nga trình bày trong đơn.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, luật sư Vũ Thị Nga (bảo vệ quyền lợi cho gia đình bà Nga) cho biết bà đã cùng gia đình bà Đặng Thị Nga làm việc với đại diện TAND tỉnh Điện Biên về vấn đề thương lượng bồi thường oan sai vào ngày 21/7. Hai bên đã thống nhất được khoản bồi thường 13 tỷ đồng, tăng hơn 9 tỷ so với lần thương lượng thứ nhất cách đây 2 tháng. Tuy nhiên đây chưa phải là con số cuối cùng.

    Luật sư Nga cũng cho hay, một số khoản thiệt hại ước tính khoảng 2,5 tỷ đồng chưa được chấp nhận như: Thiệt hại danh dự nhân phẩm bị mất cho cả cuộc đời bà Nga cùng các con chưa thành niên, gia đình phải bán mảnh đất để có tiền kêu oan...

    Anh Trịnh Duy Dương (con trai bà Nga nay đã 48 tuổi) cho rằng anh đã hết cơ hội làm lại cuộc đời sau nhiều năm lang thang. Mảnh đất bố mẹ cho anh và anh trai (đã chết do buồn phiền, sinh bệnh) đã phải bán đi để có tiền kêu oan.

    “Tôi mong cơ quan chức năng xem xét những yêu cầu chính đáng này cho tôi và cho cả người anh trai đã mất”, anh Dương bày tỏ quan điểm.

    Mong sớm được nhận tiền bồi thường

    Theo luật sư Vũ Thị Nga, dự kiến buổi thỏa thuận bồi thường lần thứ 3 sẽ diễn ra vào tháng 8/2018. Nếu TAND chấp thuận những yêu cầu bồi thường chính đáng của gia đình bà Đặng Thị Nga rồi trình lên TAND Tối cao xin ý kiến sau đó gửi bộ Tài chính... thì dự kiến sau vài tháng nữa (hoặc có thể lâu hơn), gia đình bà Nga mới nhận được tiền bồi thường.

    Về phía mình, bà Đặng Thị Nga bày tỏ hy vọng TAND tỉnh Điện Biên sẽ sớm tổ chức thương lượng và thực hiện việc bồi thường vì bà đã ở ngưỡng “gần đất xa trời”. Người đàn bà 82 tuổi lo lắng nếu cứ kéo dài như thế này, bà sợ không thể sống nổi đến lúc nhận được tiền bồi thường từ các cơ quan chức năng...

    Xuân Hòa

    Bài đăng trên báo Đời sống & Pháp luật số 30

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/uoc-nguyen-cuoi-cung-cua-3-me-con-trong-ky-an-duoi-chan-deo-pha-din-a238371.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan