+Aa-
    Zalo

    Vụ trao nhầm con ở bệnh viện: Gia đình 2 bé có được bồi thường?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Liên quan đến vụ bệnh viện trao nhầm con ở Hà Nội, nhiều luật sư cho rằng gia đình 2 bé có quyền yêu cầu bệnh viện bồi thường thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần.

    Liên quan đến vụ bệnh viện trao nhầm con ở Hà Nội, nhiều luật sư cho rằng gia đình 2 bé có quyền yêu cầu bệnh viện bồi thường thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần.

    Vụ Bệnh viện Đa khoa Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm trẻ sơ sinh cách đây 6 năm vừa được phát hiện, khiến dư luận xôn xao. Theo đó, cách đây 6 năm, vào ngày 1/11/2012, chị Phùng Thị Thu Hiền (SN 1989, Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) và chị Vũ Thị Hương (SN 1983, Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội) cùng hạ sinh được một bé trai tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì.

    Sau khi nhận con, chị Hiền và chồng là anh Phùng Giang Sơn (SN 1990, Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) giật mình vì thấy đứa trẻ được cuốn trong bộ lã lót lạ. Tuy nhiên, khi hỏi nữ y tá tại bệnh viện thì được trả lời không có sự nhầm lẫn.

    Mới đây, 2 gia đình đi xét nghiệm ADN và bàng hoàng phát hiện con đẻ của vợ chồng anh Sơn chị Hiền đã được trao nhầm cho chị Hương, và con đẻ của chị Hương bấy lâu nay được gia đình anh Sơn nuôi dưỡng.

    Chị Hiền và cháu bé được vợ chồng chị nuôi dưỡng, yêu thương suốt 6 năm qua. Ảnh: VOV

    Gia đình bị trao nhầm con có được bồi thường?

    Liên quan đến vụ việc, trả lời báo Infonet về trách nhiệm của các cá nhân, tập thể Bệnh viện Ba Vì, luật sư Long Xuân Thi (Liên đoàn Luật sư Hà Nội, Công ty TNHH Tư vấn Interco) cho biết, trong trường hợp cố ý trao nhầm con thì căn cứ theo Điều 152 Bộ Luật Hình sự 2015 với khung hình phạt thấp nhất từ 2 - 5 năm tù và cao nhất từ 7 - 12 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

    Nếu việc trao nhầm con được xác định do lỗi vô ý thì tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật và bệnh viện phải bồi thường theo quy định pháp luật. Theo quy định bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra, căn cứ theo Điều 597 Bộ luật dân sự 2015.

    Cụ thể: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì sau đó có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”. Như vậy, bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình đã bị trao nhầm con. Sau đó, bệnh viện có quyền yêu cầu cá nhân có lỗi trong sự việc phải chịu trách nhiệm.

    Cũng theo luật sư Thi, gia đình bị trao nhầm con có quyền yêu cầu bệnh viện bồi thường thiệt hại về mặt vật chất và nỗi đau về mặt tinh thần. Theo đó, những thiệt hại về mặt vật chất như: thu nhập bị mất hoặc giảm sút trong thời gian đi tìm con đẻ, chi phí giám định ADN, chi phí xác minh, làm lại giấy tờ hộ tịch… Những chi phí này phải được chứng minh bằng hóa đơn, chứng từ hoặc xác nhận do cá nhân hoặc tổ chức làm chứng.

    Thiệt hại về tinh thần như: vì đứa con bị trao nhầm mà vợ chồng nghi ngờ nhau khiến hôn nhân đổ vỡ; hoặc vì lời gièm pha, đàm tiếu của những người xung quanh mà gia đình bị trao nhầm con lo lắng, mất ăn mất ngủ, khiến tinh thần sa sút, cuộc sống không hạnh phúc…

    Luật sư Giang Hồng Thanh (VPLS Giang Thanh) cho biết thêm, mức bồi thường tổn thất về tinh thần do các bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

    Chị Hương cho rằng cần thời điểm thích hợp để trao nhận con. Ảnh: Dân Việt

    Người mẹ sẽ bị xử lý hình sự nếu quyết không hoán đổi con

    Được biết, sự việc trao nhầm con được phát hiện cách đây vài tháng, nhưng đến nay 2 bé trao nhầm vẫn chưa thể đoàn tụ được với gia đình.

    Trả lời báo chí, ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì lý giải hiện phía bệnh viện và các gia đình chưa thống nhất khoản bồi thường. Trong đó, chị Hương chưa đồng ý trao trả đứa bé.

    Trả lời báo Lao Động, Luật sư La Văn Thái- Giám đốc Công ty Luật TNHH Tầm nhìn & Thịnh Vượng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, trong trường hợp chị Hương nhất quyết không hoán đổi vị trí 2 cháu bé thì sẽ bị xử phạt hành chính và buộc phải trả, nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo Điều 153 BLHS 2016, sửa đổi bổ sung 2017 có khung hình phạt từ 3 năm đến 15 năm tùy tính chất phạm tội. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng.

    Tuy nhiên, theo luật sư Thái, xem xét dưới góc độ tình cảm, do đã nuôi nấng cháu bé từ lúc sơ sinh nên có thể chị Hương chưa thể xa cháu bé trong ngày một, ngày hai được. Phía gia đình anh Sơn nên tìm gặp chị Hương trao đổi, khuyên giải để chị Hương chấp nhận hoán đổi vị trí 2 cháu bé.

    Hoàng Yên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-trao-nham-con-o-benh-vien-gia-dinh-2-be-co-duoc-boi-thuong-a236293.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan