(ĐSPL) - Nhìn bên ngoài, ngôi nhà của mệ Rày đã sập sệ và hư hỏng nặng. Cứ mỗi khi mưa to, gió lớn, mệ phải dắt dìu hai người con tâm thần sang nhà hàng xóm trú bão. Giờ đây, mệ chỉ ước căn nhà được sửa sang, nhưng hoàn cảnh lại quá khó khăn, bởi đôi vai mệ nặng trĩu khi gồng gánh hai đứa con tật nguyền....
Ngày tôi đến thăm nhà mệ Trần Thị Rày (SN 1939), tiểu khu 9, phường Bắc Lý, TP Đồng Hới (Quảng Bình), anh Bùi Văn Tuấn (SN 1960, con trai mệ Rày), đang lúi húi nhổ những đám cỏ dại mọc quanh cổng, miệng anh không ngừng lẩm bẩm những câu khó hiểu. Mặc dù đã 55 tuổi, nhưng anh chẳng khác gì một đứa trẻ, bởi anh vô lo, vô nghĩ, suốt ngày lang thang ngoài đường.
Anh Bùi Văn Tuấn đang nhổ đám cỏ dại trong cổng sau một ngày lang thang ngoài vườn. |
Bên cốc nước rót vội mời khách, mệ tâm sự: “Đó là thằng anh, cả ngày nay nó đi lang thang ngoài đường. Về nhà, mệ bảo nó nhổ cỏ cho mệ. Còn thằng em, mấy ngày nay trời nắng nên bệnh nặng hơn, nằm liệt giường, thi thoảng đau đầu quá, nó lại kêu có sắt ở trong đầu”, giọng mệ Rày xót xa khi nói về hai người con của mình.
Mệ Rày có ba người con gái, bốn người con trai, tất cả đều lập gia đình và ra ở riêng. Còn hai anh, Bùi Văn Tuấn và anh Bùi Văn Hoan (SN 1971) bị bệnh tâm thần đã mấy chục năm nên một mình bà phải vất vả nuôi nấng và chăm sóc hai người con tật nguyền ấy.
Mệ kể, anh Tuấn sinh ra và lớn lên khỏe mạnh, bình thường. Năm 18 tuổi, anh lên đường theo tiếng gọi nhập ngũ. Ba năm sau đó, anh về làm công nhân cho một nhà máy tại Quảng Bình. “Thằng Tuấn có vợ và hai đứa con trai kháu khỉnh. Tuy nhiên, được vài năm thì nó phát bệnh nặng, suốt ngày bỏ đi lang thang, miệng thì nói liên miên, bậy bạ. Thấy vậy, vợ nó dắt díu hai đứa con bỏ về nhà ngoại sinh sống. Từ đó, nó một mình sống với ba mẹ cho đến trừ”, mệ Rày buồn bã tâm sự.
Nỗi đau trong lòng người mẹ khắc khổ tưởng chừng sẽ dừng lại ở đó, ai ngờ, người con trai kế là anh Bùi Văn Hoan, đang khỏe mạnh bỗng chốc cũng phát bệnh như anh trai. Cũng giống như anh Tuấn, anh Hoan lớn lên một cách khỏe mạnh, bình thường. Khi tuổi thanh xuân đang dâng trào sức sống, anh cũng lao động để giúp gia đình có thêm thu nhập. Nhưng ai ngờ, tai họa từ đâu bỗng nhiên ập đến, từ người bình thường, anh bỗng chốc hóa điên, hóa dại. Có lúc anh đi lang thang ngoài đường mấy ngày liền, cũng có lúc anh sợ sệt nằm thu mình trong góc giường, thi thoảng lại lấy nhang (PV – hương) ra thắp, rồi khấn vái liên hồi.
Với người khác, bước vào tuổi xế chiều, là độ tuổi được nghỉ ngơi, được con cháu phụng dưỡng, nhưng với mệ Rày thì ngược lại. Mặc dù đã 75 tuổi, mệ vẫn gắng gượng chút sức lực còn lại để chăm sóc hai người con tâm thần. “Bình thường thì không sao, khi thắng Tuấn uống ở đâu được một ít rượu vào là nó về nhà phá phách đồ đạc, rồi lấy dao ra vườn chặt hết cây cối. Những lúc như vậy, mệ chỉ lặng thinh, không dám nói chi, bởi nếu nói lúc đó, nó hung lên sẽ làm liều. Còn thằng Hoàn thì hay nằm một chỗ, có khi 3 đến 4 tháng mới thay một bộ quần áo”, mệ Rày tâm sự.
Cách đây bốn năm, khi người cha quá cố của anh Tuấn và anh Hoan còn sống, ông như trụ cột khi cùng mệ Rày chăm nom hai người con tật bệnh. Nhưng vì tuổi cao, ông cũng đột ngột qua đời, để lại mình bà với đôi vai trĩu nặng là hai đứa con “tuy lớn mà chẳng khôn”.
Mệ Rày có 3 sào ruộng, nhưng vì tuổi cao sức yếu, cộng thêm phải chăm nom hai người con tật bệnh, bà phải nhờ mấy người con làm giúp. Thu nhập của ba mẹ con chủ yếu trông chờ vào khoản trợ cấp ít ỏi hàng tháng của hai anh. Nhưng với số tiền ấy, cũng chỉ đủ cho ba mẹ con sống qua ngày.
Có bao nhiêu cá trong bát cơm, anh Bùi Văn Hoan đều nhường hết cho mèo. |
Dưới căn bếp được lợp tạm bằng những miếng Fibro xi măng, anh Hoàn đang ngồi co ro bưng bát cơm ăn cùng đàn mèo vây quanh mình. Vì bệnh tật, anh không ý thức được những hành động của mình. Trong bát cơm chỉ vỏn vẹn vài con cá nục nhỏ, vậy mà anh vẫn lấy hết thức ăn cho mèo. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, mệ Rày giải thích: “Mỗi bữa ăn, có cái chi ngon là nó cho mèo ăn trước, còn mấy thì hắn săn sau. Bình thường, hắn cũng hiền lành lắm, nhưng mỗi khi lên cơn bệnh là mệ sợ lắm, có lúc nó lấy kéo cắt tóc ăn, thậm chí có lúc còn lấy kìm tự nhổ răng của mình.... Phận làm mẹ, nhìn con như vậy, lòng tôi đau đớn không thể nào tả xiết”.
Căn nhà che mưa che nắng cho ba mẹ con mệ Rày bỗng nhiên hư hỏng nặng sau cơn bão lịch sử năm 2013. Căn bếp vốn đã tuềnh toành, nay bị cơn bão cuốn mái đổ sập. Từ đó đến nay, mệ chỉ lợp tạm gọi là có chỗ để che mưa che nắng nấu ăn. Bên trong căn nhà, ngổn ngang đồ đạc đã cũ kỹ, nhìn trên mái ngói thấy rõ mồn một những tia nắng rọi vào. Các góc nhà chằng chịt những vết nứt chỉ trực chào đổ xuống khi mưa bão đến. Thấy chúng tôi có vẻ ái ngại, mệ Rày mới cởi mở lòng mình: “Mệ ước, nếu có tiền, mệ sẽ lợp lại ngói và sửa sang lại căn nhà cho kiên cố. Để mỗi khi mưa to, gió lớn, mệ không phải dắt díu hai đứa con sang nhà hàng xóm trú nhờ nữa. Nhưng bây giờ, một mình mệ nuôi hai người con tàn tật thế này, không biết đến khi mô mệ mới có chừng ấy tiền để sửa sang nhà”.
Mệ Rày trong ngôi nhà sập sệ. |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Lương Hòa, tiểu khu trưởng tiểu khu 9, phường Bắc Lý (TP Đồng Hới) xác nhận, trường hợp của gia đình mệ Rày thực sự khó khăn. Hiện, gia đình mệ đang nằm trong diện hộ nghèo của Tiểu khu. Mỗi dịp lễ tết, hoặc các ngày quan trọng trong năm, chính quyền đều ưu tiên hỗ trợ cho gia đình mệ.
Bước chân ra về, trong đầu chúng tôi là hình ảnh người mẹ già với hai người con mắc chứng bệnh tâm thần. Cuộc đời mệ đã bước vào tuổi xế chiều, mệ chỉ mong hai người con có một căn nhà tử tế để ở, để mỗi khi trời nổi cơn giông tố, các con của mệ không phải trùm chăn co ro, cúm rúm khi ngoài trời, từng đợt gió rít từng hồi....
Mọi sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm đồng hành Nhịp cầu Hồng Đức xin gửi về: - Bà Trần Thị Rày Tiểu khu 9, phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) - Báo Đời sống và Pháp luật tại Miền Trung Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010; Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống& Pháp luật tại Miền Trung. |