Theo Forbes, Ukraine hiện đã vượt qua Nga, trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ máy bay không người lái và tác chiến điện tử.
Trong quá trình sáp nhập Crimea vào năm 2014, Nga đã sử dụng máy bay không người lái và tác chiến điện tử một cách hiệu quả để phá vỡ liên lạc và các vị trí mục tiêu của Ukraine. Vào thời điểm đó, Nga dẫn đầu về các công nghệ này, nhưng kể từ khi xung đột nổ ra vào năm 2022, nước này đã mất đi lợi thế.
Ukraine đã thành công trong việc trở thành quốc gia dẫn đầu, bằng cách nhanh chóng phát triển và triển khai các máy bay không người lái và hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, giành được lợi thế đáng kể trên chiến trường.
Những thành công gần đây ở khu vực Kursk càng làm nổi bật rõ sức mạnh quân sự của Ukraine. Các lực lượng của Kiev đã sử dụng tác chiến điện tử để vô hiệu hóa máy bay không người lái của Nga, đồng thời triển khai các máy bay khác để định vị và tấn công các vị trí của Nga. Trong khi đó, các đơn vị mặt đất phối hợp theo dõi để bảo vệ khu vực, đạt được nhiều bước tiến một cách có hệ thống. Cách tiếp cận này khiến các lực lượng Nga phải vật lộn để phản ứng.
Ngược lại, theo Forbe, năng lực liên quan tới công nghệ của Nga được cho là đã suy giảm. Ban đầu, họ sử dụng các chiến thuật tương tự như chiến thuật từ cuộc sáp nhập năm 2014 và mở rộng việc sử dụng các loại đạn dược gắn trên máy bay không người lái Lancet và Shahed. Mặc dù các hệ thống tác chiến điện tử của Moscow ban đầu có hiệu quả, nhưng hiện nay mức độ hiệu quả đã giảm dân, khi Ukraine áp dụng các công nghệ và chiến thuật mới hơn.
Forbes đưa tin rằng lợi thế công nghệ của Ukraine đến từ việc tích hợp cả lĩnh vực thương mại và quốc phòng. Hơn 200 công ty Ukraine hiện sản xuất máy bay không người lái quân sự và 50 công ty tập trung vào hệ thống tác chiến điện tử nhờ sự chuyển dịch từ công nghệ thương mại sang ứng dụng quân sự.
Mặc dù có chuyên môn, Nga vẫn phải vật lộn với sản xuất quy mô lớn và dựa vào thiết bị lỗi thời của Liên Xô. Ngành công nghiệp quốc phòng của nước này cũng bị cản trở bởi lệnh cấm vận thương mại và năng lực sản xuất hạn chế, tập trung nhiều hơn vào bán hàng ra nước ngoài thay vì thiết bị tiên tiến.
Trong khi Ukraine được hưởng lợi từ dòng công nghệ mới của phương Tây, giúp nâng cao năng lực phát triển và sản xuất, thì Nga lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đáng kể, ngay cả khi có nguồn cung từ Trung Quốc và Iran.
Cuộc cạnh tranh về máy bay không người lái và tác chiến điện tử đóng vai trò quan trọng trong suốt cuộc chiến. Khả năng đổi mới và triển khai các hệ thống tiên tiến một cách nhanh chóng của Ukraine được cho là đã giúp nước này giành được những ưu thế trên chiến trường.