Theo hãng tin RT, Bộ Quốc phòng Nga mới đây tuyên bố, các đơn vị thuộc nhóm lực lượng phía bắc với sự hỗ trợ của không quân và pháo binh đã đẩy lùi thành công các cuộc tấn công của Ukraine ở gần các khu định cư Borki và Malaya Loknya và ngăn chặn các cuộc tấn công ở hướng Komarovka, Korenevo, Martynovka và Russkaya Konopelka.
Các lực lượng Ukraine đã mất 70 quân nhân, 2 xe bọc thép cá nhân và 1 ô tô trong chiến dịch này. Trong khi đó, các đơn vị trinh sát và tìm kiếm của Nga tiếp tục nhận diện và tiêu diệt các nhóm phá hoại Ukraine ẩn náu trong các khu rừng rậm khi lực lượng này cố gắng xâm nhập sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Quân đội Nga cũng tiếp tục gây sức ép lên lực lượng đối phương bằng các cuộc không kích và nã pháo, nhắm vào một số lữ đoàn Ukraine trên khắp khu vực. Ukraine mở chiến dịch đột kích vào tỉnh biên giới Kursk của Nga kể từ hôm 6/8. Sau hơn 2 tuần, Kiev tuyên bố đã kiểm soát khoảng 1.300km2 lãnh thổ, bắt giữ hơn 150 binh sĩ Nga.
Kiev khẳng định chiến dịch tấn công này không nhằm chiếm giữ lâu dài lãnh thổ Nga, mà nhằm nâng vị thế của Ukraine trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai với Nga và tạo vùng đệm bảo vệ người dân vùng biên giới Ukraine trước làn sóng tập kích của Moscow.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích cuộc đột kích của Ukraine là "khiêu khích nghiêm trọng" và cảnh báo sẽ đáp trả thích đáng. Đại sứ của Nga tại Mỹ Anatoly Antonov hôm qua cho biết, Tổng thống Putin đã có kế hoạch hành động để đáp trả cuộc đột kích của Ukraine và tất cả những người chịu trách nhiệm chắc chắn sẽ bị trừng phạt.
Tôi thành thật nói với các bạn rằng Tổng thống Putin đã ra quyết định. Tôi tin chắc nhiều người sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc vì những gì đã xảy ra ở khu vực Kursk", ông Antonov nói, song không cung cấp thêm chi tiết về kế hoạch đáp trả.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga công bố báo cáo cho thấy quân đội Ukraine chịu tổn thất nặng nề sau hơn 2 tuần đột kích Kursk. "Tổng cộng, trong các hoạt động quân sự trên hướng Kursk, lực lượng Ukraine đã tổn thất 5.137 quân nhân, 69 xe tăng, 27 xe chiến đấu bộ binh, 55 xe bọc thép chở quân và 350 xe chiến đấu bọc thép", báo cáo nêu.
Cuộc đột kích của Ukraine đến nay nhận được những phản ứng trái chiều từ các nước phương Tây. Một số nước, trong đó có Mỹ, Phần Lan ủng hộ và khẳng định chiến dịch này của Kiev không vi phạm chính sách sử dụng vũ khí viện trợ để phòng vệ mà Washington đưa ra.
Trong khi đó, các quan chức Hungary không tán thành. "Ukraine không chỉ phòng vệ mà còn cả tấn công. Chúng tôi muốn một thỏa thuận ngừng bắn và hòa bình", Gergely Gulyas, người đứng đầu văn phòng thủ tướng Hungary, bình luận. Theo quan chức này, bất cứ hành động nào gây trở ngại cho triển vọng giải quyết xung đột Nga - Ukraine thông qua biện pháp ngoại giao là "sai".