Newsweek đưa tin ngày 7/1, phát ngôn viên không quân Ukraine Yuri Ignat vừa công bố thông tin mà ông cho là "người Mỹ cũng không thể tin được.
Cụ thể, theo vị quan chức, "lần đầu tiên trong lịch sử dòng Fighting Falcon, một tiêm kích F-16 (của Ukraine) mới đây đã phá hủy được 6 tên lửa hành trình Nga trong một lần làm nhiệm vụ chiến đấu".
Ông Yuri Ignat cho hay, sự việc xảy ra hôm 13/12/2024, khi Nga phóng gần 200 tên lửa và 94 máy bay không người lái (UAV) vào Ukraine. Chiếc F-16 Ukraine của Lực lượng Kiev lúc đó xuất kích với 4 tên lửa đối không, gồm 2 quả tầm ngắn và 2 quả tầm trung, cùng 500 viên đạn pháo M61A1 20 mm.
Theo lời phát ngôn viên không quân, viên phi công lái F-16 trên được Mỹ đào tạo. Sau khi phát hiện mục tiêu hướng về Ukraine, phi công đã khai hỏa cả 4 tên lửa đối không vào 4 tên lửa hành trình Nga và đều trúng đích, bất chấp các biện pháp tác chiến điện tử (EW) của đối phương.
"Việc phát hiện mục tiêu di chuyển với tốc độ hơn 650 km/giờ trên bầu trời, khớp với độ cao của mục tiêu và bắn từ khoảng cách dưới 500 m, khiến chúng ta khó thành công", viên phi công tiết lộ trong một bài tường thuật chi tiết.
Chiếc F-16 sau đó được lệnh trở về căn cứ vì hết tên lửa và sắp cạn nhiên liệu. Tuy nhiên, khi phát hiện còn nhiều tên lửa Nga nữa đang hướng về phía thủ đô Kiev với tốc độ hơn 600km/h, phi công F-16 Ukraine quyết định tiếp tục tác chiến bằng pháo 20mm.
Phi công cho biết, để hạ tên lửa bằng pháo, phi công đã điều chỉnh phi cơ để bay cùng độ cao với chúng rồi nã đạn ở khoảng cách xa khoảng 1,5km để tránh mảnh văng khi tên lửa phát nổ. Sau vài loạt pháo, phi công nhìn thấy 2 vụ nổ và kết luận rằng đó là 2 tên lửa Nga bị hạ.
"Chúng tôi xác nhận 100% rằng, lần đầu tiên trong lịch sử chiến đấu phòng không, một máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ đã bắn hạ 6 tên lửa hành trình, trong đó có 2 tên lửa được bắn bằng pháo phòng không", ông Ignat quả quyết.
Vị quan chức theo đó nhấn mạnh "ngay cả người Mỹ cũng không thể tin rằng phi công làm được điều đó".
Theo Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine, các phi công nước này đã học cách bắn hạ tên lửa bằng pháo trên máy bay trong chương trình mô phỏng tại Mỹ, nhưng chưa bao giờ thực hành trong chiến đấu thực tế trước đây.
F-16 Fighting Falcon được đưa vào sử dụng vào cuối năm 1978. Nhiều phiên bản của F-16 đã được hơn 20 quốc gia sử dụng bao gồm Mỹ và các đồng minh châu Âu. Hơn 4.600 chiếc F-16 đã được chế tạo, và từng tham chiến trong nhiều cuộc xung đột trên thế giới.
Các nước phương Tây đã chuyển giao cho Ukraine một số tiêm kích F-16 hồi tháng 8/2024. Loại máy bay này được đánh giá là có năng lực vượt trội các dòng chiến đấu cơ thời Liên Xô trong biên chế không quân Ukraine, đặc biệt là trong nhiệm vụ đánh chặn tên lửa hành trình, thậm chí hiệu quả hơn cả các hệ thống phòng không mặt đất trong vai trò này.
Tuy nhiên, Ukraine đã mất một chiếc F-16 trong cuộc tập kích tên lửa của Nga hôm 26/8/2024. Moscow tháng trước tuyên bố lực lượng nước này đã bắn rơi thêm một tiêm kích F-16 khi chiếc máy bay chuẩn bị phóng tên lửa, song thông tin này chưa được Ukraine xác nhận.