Hãng tin Reuters dẫn thông tin do Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko mới đây tiết lộ, nước này cần khoảng 3 tỷ USD viện trợ tài chính từ các đồng minh phương Tây mỗi tháng để vượt qua năm 2024. Ông cũng nhấn mạnh về những thách thức mà Ukraine phải đối mặt khi sự hỗ trợ của Mỹ bắt đầu suy giảm.
“Vào năm 2024, nhu cầu tài trợ bên ngoài hàng tháng sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD. Chúng tôi không thể cho phép sự chậm trễ trong việc thu hút nguồn tài trợ bên ngoài”, ông Marchenko nói đồng thời lưu ý rằng sự ổn định kinh tế vĩ mô của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga sẽ dựa vào dòng viện trợ tài chính ổn định từ các đồng minh. Nguồn viện trợ đó vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong năm nay.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã liên tục rót viện trợ tài chính cũng như quân sự dành cho Kiev bất chấp lời cảnh báo từ Moscow rằng điều này sẽ không thể không thể thay đỏi cục diện chiến sự mà chỉ khiến căng thẳng giữa các bên thêm leo thang.
Trong suốt 2 năm xung đột, Ukraine đã nhận được hơn 73 tỷ USD viện trợ tài chính từ các đối tác phương Tây. Tính đến thời điểm hiện tại, mức hỗ trợ đã thấp hơn nhiều do các gói viện trợ lớn từ Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ rơi vào tình trạng gián đoạn trong thời gian dài.
EU cuối cùng đã phê duyệt gói hỗ trợ 4 năm trị giá 50 tỷ euro dành cho Ukraine trong tháng 2 nhưng gói hỗ trợ tài chính và quân sự của Mỹ vẫn bị mắc kẹt tại Quốc hội và chưa nhận được sự chấp thuận từ các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa.
Phát biểu trước các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm G7, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Marchenko cho biết chính phủ nước này đang tìm kiếm những cách khác để tăng thu ngân sách.
Ukraine chuyển phần lớn nguồn thu ngân sách của mình vào quốc phòng và dựa vào viện trợ nước ngoài để trả lương hưu, lương cho nhân viên nhà nước cũng như để trang trải chi tiêu xã hội và nhân đạo. Dữ liệu từ Bộ Tài chính Ukraine cho thấy nước này đã nhận được khoảng 1,2 tỷ USD từ Nhật Bản và Na Uy trong 2 tháng đầu năm nay.
“Sự giúp đỡ của các nhà tài trợ quốc tế không chỉ là vấn đề tài chính mà còn là cơ hội để hỗ trợ hàng triệu người Ukraine đang cần sự giúp đỡ và cứu mạng sống của hàng nghìn binh sĩ”, ông Marchenko nhấn mạnh.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành cấp cao của một số công ty nhà nước lớn nhất Ukraine nói với Reuters rằng họ đã trả trước một số khoản thanh toán ngân sách bắt buộc để giúp chính phủ bù đắp thâm hụt ngân sách. Thâm hụt ngân sách của Ukraine năm nay là khoảng 37 tỷ USD.
Phương Uyên(Theo Reuters)