Khó khăn bủa vây Ukraine ở tiền tuyến
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với hãng Sputnik rằng không gì có thể giúp Ukraine thoát khỏi tình thế “khủng khiếp” mà lực lượng của nước này đang phải đối mặt ở tiền tuyến.
Theo bà Zakharov, ngay cả tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây về khả năng đưa quân đội phương Tây vào Ukraine cũng không đủ để thay đổi suy nghĩ của người dân Ukraine - những người bắt đầu nhận ra sự thật rằng họ đã bị phương Tây phản bội.
Nhà ngoại giao Nga cho rằng tuyên bố của ông Macron là nỗ lực nhằm đưa ra một tuyên bố "sáng sủa" và "mạnh mẽ" và bằng cách nào đó sẽ truyền cảm hứng cho những người trong hàng ngũ lực lượng vũ trang Ukraine cũng như người dân Ukraine về việc phương Tây sẽ giúp đỡ họ. Tuy nhiên, tuyên bố của nhà lãnh đạo Pháp đã phản tác dụng, đặc biệt là sau khi một số lượng lớn quốc gia thành viên NATO công khai tuyên bố rằng họ không có ý định đưa quân sang chiến đấu ở Ukraine.
Các quốc gia đã chính thức bác bỏ ý định gửi quân tới chiến đấu ở Ukraine bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Ý, Phần Lan và Thụy Điển, cùng nhiều nước khác. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng bác bỏ tuyên bố của ông Macron, nhấn mạnh rằng khối này “không có kế hoạch triển khai lực lượng chiến đấu trên thực địa ở Ukraine”.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, việc triển khai quân tới Ukraine là quyết định có chủ quyền của các nước thứ ba. Ông nhắc lại việc cả Mỹ và NATO trước đó đều nói rõ rằng không có kế hoạch như vậy.
Khi được hỏi liệu Mỹ có thể gửi quân tới Ukraine vì các mục đích không liên quan trực tiếp đến chiến đấu hay không, người phát ngôn nhấn mạnh, quân nhân Mỹ duy nhất có mặt ở Ukraine là những người đang có mặt tại đại sứ quán nước này ở Kiev để "làm công việc quan trọng" về trách nhiệm giải trình liên quan số vũ khí cung cấp cho Ukraine.
Ukraine khó có thể mới đợt phản công mới trong năm nay
Trong một cuộc họp ngày 27/2 vừa qua, Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Anh - Đô đốc Sir Tony Radakin đã đưa ra nhận định rằng Ukraine có thể sẽ phải đợi đến năm 2025 mới có thể mở một đợi phản công mới.
Theo ông Radakin, Ukraine gần đây đã đạt được thành công trong các cuộc tấn công vào Hạm đội Biển Đen của Nga trong khi “tình hình chiến đấu trên bộ vẫn khó khăn hơn nhiều”.
“Ukraine đang gặp khó khăn vì thiếu đạn dược và vũ khí trong khi phương Tây chưa thể ngay lập tức đáp ứng nhu cầu của họ. Tình hình khó khăn đối với Ukraine có thể sẽ kéo dài ít nhất trong vài tháng tới. Lãnh đạo quân sự mới của Ukraine có thể sẽ đưa ra những chiến thuật mới”, ông Radakin nhận định.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Chiến (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định rằng quân đội Nga đã giành lại quyền chủ động trong toàn bộ chiến trường và sẽ có thể tiến hành các hoạt động tấn công bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào họ muốn miễn là họ giữ được thế chủ động.
Nếu Ukraine tiến hành phòng thủ tích cực trên toàn bộ mặt trận vào năm 2024, nước này sẽ nhường lại thế chủ động cho Nga. Moscow sẽ có thể điều động lực lượng dự trữ của mình đồng thời xác định cách thức và địa điểm phân bổ nguồn lực khiến Kiev không thể tiến công.
ISW cũng lưu ý rằng các lực lượng Ukraine có thể ngăn chặn kịch bản này xảy ra nếu quân đội của nước này có đủ vũ khí và phương tiện quân sự để đối đầu với Nga đồng thời tiến hành các hoạt động tấn công của riêng họ vào năm 2024.
Phương Uyên (Theo RT và Newsweek)