Phát biểu tại cuộc họp ngày 9/7 trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Đức và Romania xác nhận sẽ cung cấp thêm 3 hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine. Hà Lan và "các đối tác khác" sẽ hỗ trợ Ukraine đưa hệ thống Patriot thứ 4 vào hoạt động, đồng thời Italy sẽ gửi thêm một hệ thống phòng không SAMP-T.
"Ngoài ra, trong những tháng tới, Mỹ và các đối tác có ý định cung cấp cho Ukraine hàng chục hệ thống phòng không chiến thuật", ông Biden cho biết. Điều này sẽ bao gồm pháo phòng không Gepard tự hành do Đức sản xuất, hệ thống phòng không tầm trung NASAMS và các biến thể của hệ thống IRIS-T.
Hệ thống phòng không và nguồn cung cấp tên lửa để duy trì khả năng tự vệ là ưu tiên hàng đầu của Ukraine khi nước này phải đối mặt với các cuộc tấn công liên tục bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga. Trong một tuyên bố riêng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Canada cam kết sẽ cung cấp thêm gói viện trợ quân sự khoảng 367 triệu USD viện trợ quân sự nhưng không nêu chi tiết.
Phát biểu bên lề hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố những máy bay chiến đâu F-16 đầu tiên đang trên đường từ Đan Mạch và Hà Lan đến Ukraine. Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết: "Quá trình chuyển giao những chiếc F-16 này đang được tiến hành. Ukraine dự kiến có thể đưa chúng vào hoạt động trong mùa hè này".
Ukraine có khả năng sẽ nhận được tổng cộng hơn 80 máy bay phản lực, một trong số đó được đặt bên ngoài lãnh thổ Ukraine để bảo vệ đất nước khỏi các cuộc không kích của Nga. Song, thời hạn để đưa máy bay tiên tiến vào hoạt động tại Ukraine đã bị trì hoãn. Trước khi tiêm kích F-16 xuất hiện trên bầu trời Ukraine, các nhân viên của nước này phải hoàn thành chương trình đào tạo, cơ sở hạ tầng và các tiện nghi cần thiết khác cũng phải được đưa vào hoạt động.
NATO trong ngày 10/7 cũng xác nhận rằng các thành viên của khối sẽ cung cấp "khoản tài trợ cơ bản tối thiểu" trị giá hơn 43 tỷ USD để hỗ trợ an ninh cho Ukraine trong năm tới. Ngay trước Hội nghị thượng đỉnh NATO, Mỹ đã công bố khoản viện trợ quân sự mới tập trung vào hệ thống phòng không và tên lửa đánh chặn, cũng như đạn pháo và tên lửa chống tăng dành cho Ukraine.
Ngày cuối cùng trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh NATO, 32 quốc gia đã cùng ký Hiệp ước Ukraine tạo ra một cấu trúc an ninh thống nhất và toàn diện để hỗ trợ Ukraine. Các thành viên đã tham gia ký kết sẽ hỗ trợ nhu cầu quốc phòng của Ukraine thông qua đào tạo, viện trợ quân sự và hỗ trợ kinh tế, đồng thời đẩy nhanh nỗ lực của Kiev nhằm tăng cường năng lực quốc phòng.
Theo Newsweek